Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 10): Kpop ngoài không gian
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chọn nhạc cho NASA Moon Tunes - tuyển tập dành tặng các phi hành gia trong hành trình trở lại mặt trăng vào năm 2024 - vào thời điểm này chứ không phải tháng Sáu, rất có thể sẽ có thêm nhiều ca khúc Kpop được chọn, ví dụ như Jopping của SuperM.
SuperM - siêu nhóm của SM Entertainment - vừa ra mắt vào tháng 10 qua đã có EP đứng đầu Billboard 200, được kỳ vọng sẽ cùng BTS sang trang mới cho Kpop.
- Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 8): 'Billie Jean' - Bản thu quan trọng nhất của Michael Jackson
- Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 7): Nhạc rock trong 'NASA Moon Tunes'
Sự phát triển của Kpop sau gần ba thập kỷ
Kpop là một thể loại nhạc đại chúng ở Hàn Quốc. Dù khởi nguồn từ đầu những năm 1990, nhưng tới những năm 2000, thuật ngữ Kpop mới được dùng phổ biến để thay thế cho từ cũ là Gayo – dùng để chỉ nhạc pop ở Hàn Quốc.
Tuy thường được coi là “nhạc đại chúng” (nhạc pop) ở Hàn Quốc, nhưng thật ra Kpop cần được hiểu theo nghĩa hẹp hơn là dạng thức hiện đại của pop Hàn Quốc, trong đó, chịu ảnh hưởng của nhiều dòng, phong cách khắp thế giới, như nhạc thể nghiệm, rock, jazz, phúc âm, hip hop, R&B, reggae, nhạc điện tử, folk, đồng quê và cổ điển trên nền nhạc truyền thống Hàn Quốc. Với nguồn gốc như vậy, Kpop vừa mang đậm chất riêng của xứ kim chi lại vừa quen thuộc với khán giả khắp thế giới.
Dạng thức hiện đại này xuất hiện ở một trong những nhóm nhạc Kpop đầu tiên là Seo Taiji and Boys, ra mắt năm 1992. Tuy nhiên, phải tới H.O.T, thành lập năm 1996, văn hóa thần tượng mới bắt đầu, thu hút được đông đảo sự ủng hộ cuồng nhiệt từ thanh thiếu niên.
Tính đến nay, Kpop đã trải qua ba thế hệ. Thế hệ đầu chứng kiến sự bùng nổ của g.o.d, H.O.T, Sechs Kies… nhưng dần lụi tắt. Phải tới năm 2003, TVXQ và BoA mới vực dậy Kpop, bắt đầu thế hệ thứ hai. Cùng với Bigbang, SNSD, SJ, SHINee,… họ dần lấn sân sang thị trường láng giềng Nhật Bản và tạo nền móng cho Kpop vươn ra toàn cầu. Bên cạnh sự ra đời của mạng xã hội và chương trình truyền hình Hàn Quốc, Kpop góp phần lớn tạo nên Làn sóng Hàn Quốc len lỏi tới khắp mọi miền trên thế giới.
Nhưng phải tới thế hệ thứ ba, với những đại diện là BTS, EXO, Wanna One, Twice, Seventeen,… Kpop mới trở thành đối trọng với nhạc phương Tây. Gần đây nhất, vào tháng 10 vừa qua, SuperM là nghệ sĩ Hàn Quốc thứ hai, sau BTS, đứng đầu BXH danh giá Billboard 200, mở rộng thêm đường cho Kpop tiến vào kỷ nguyên mới.
Kpop trong tuyển tập NASA Moon Tunes
NASA Moon Tunes, được lựa chọn từ đề cử của người yêu nhạc khắp thế giới và với tiêu chí là tuyển tập dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng các phi hành gia nên không thể thiếu vắng Kpop, dòng nhạc đang làm mưa làm gió toàn cầu. Trong tổng số 186 bài hát của tuyển tập, có năm ca khúc tới từ Kpop là A Brand New Day và Lights của BTS, Universe của EXO, Moonlight của EXO-K (đây là nhóm nhỏ của EXO, chỉ gồm các thành viên người Hàn Quốc và nay đã ngừng hoạt động) và Moon U của GOT7. Như vậy, tất cả đều thuộc thế hệ ba của Kpop.
Giống như phần lớn các ca khúc được chọn vào NASA Moon Tunes, những đại diện của Kpop chỉ cần nhìn tên thôi cũng đã thấy những mối liên hệ với vũ trụ, đặc biệt là mặt trăng. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng có không ít ca khúc Kpop thỏa mãn điều kiện đơn giản này.
Dù NASA không chi tiết lý do chọn ca khúc này thay vì ca khúc kia, nhưng rõ ràng, ngoài tính liên quan, sản phẩm được lựa chọn phải mang lại nhiều ấn tượng hơn cái kết cấu giai điệu và ca từ. Bằng chứng là phần lớn nhạc thuộc tuyển tập đều là những ca khúc kinh điển, với nhiều trầm tích lịch sử.
Tuy Kpop đã hình thành gần 30 năm, nhưng ấn tượng sâu đậm nhất với khán giả quốc tế lại ở chính thế hệ ba hiện nay và nhất là BTS.
BTS, gồm bảy chàng trai, ra mắt có phần lặng lẽ vào năm 2013 khi không thuộc bệ phóng “khủng” là ba công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc khi đó. Buổi gặp mặt đầu tiên với người hâm mộ của nhóm là tại một trung tâm mua sắm với chỉ khoảng 32 người tới dự. Sau sáu năm, bằng tài năng âm nhạc và sự chân thành, nhóm đã mở ra lịch sử mới cho Kpop, điển hình bởi những ca khúc nhiều tầng nghĩa, tác động tích cực lên người hâm mộ.
Nhờ ARMY – lực lượng người hâm mộ khổng lồ và tận tâm hiện nay của BTS, cái tên BTS đã ngập lụt thẻ đề cử lên NASA. Cơ quan này hồi tháng Năm đã phải thốt lên: “Ồ, có quá nhiều người hâm mộ BTS và RM (trưởng nhóm)! Cảm ơn những đề cử của mọi người” và tiết lộ: sẽ chọn Moonchild (Đứa trẻ mặt trăng, thuộc mixtape riêng của RM, nói về nỗi đau như một phần tất yếu của cuộc sống), Mikrosmos (Dải ngân hà nhỏ bé, thuộc album mới nhất) và 134340 (thuộc album Love Yourself: Tear với nhiều chỉ dẫn đến sao Diêm Vương). Dù vậy, cuối cùng, như đã thấy, NASA đã chọn hai ca khúc khác.
Lights là đĩa đơn tiếng Nhật mới nhất của BTS còn A Brand New Day nằm trong album nhạc nền BTS World, có sự góp giọng của ca sĩ người Thụy Điển Zara Larsson bên cạnh giọng ca V và rapper J-Hope của nhóm. Đặc điểm chung của cả hai là sự nhẹ nhàng, lôi cuốn, vui tươi và đặc biệt tích cực, sẽ là bài đánh thức tuyệt vời vào buổi sáng cho các phi hành gia. Nhìn rộng ra, các ca khúc là những mảnh ghép trong một concept mới của BTS, nói về một thế giới khác – tươi đẹp hơn – khi chúng ta gạt bỏ quá khứ, đoàn kết cùng nhau tiến lên phía trước.
Trong khi BTS là lựa chọn tất yếu ở mảng Kpop thì EXO và GOT7 là hai cái tên gây ít nhiều bất ngờ và phấn khích với người hâm mộ. EXO, ra mắt năm 2012, hiện gồm chín thành viên, từng có thời đình đám hơn BTS. Tuy hiện ở sau đàn em, nhưng album gần nhất của họ là Don’t Mess Up My Tempo (2018) cũng đứng thứ 23 trên BXH Billboard 200 và bán được hơn 1,9 triệu bản chỉ ở riêng Hàn Quốc. Trong ba nhóm, GOT7 trẻ nhất (ra mắt năm 2014 với bảy thành viên) nhưng cũng là cái tên quen thuộc trên các BXH thế giới của Billboard. Dù vậy, rõ ràng, NASA không gặp nhiều áp lực buộc phải đưa họ vào tuyển tập. Điều này cho thấy Kpop như một sức mạnh mới của làng nhạc thế giới chứ không phải là vì sao chổi vụt qua nhờ BTS.
NASA Moon Tunes, dù chỉ là một tuyển tập do NASA lựa chọn, nhưng sự nổi tiếng, hào nhoáng của nó (đâu phải ngày nào cũng có nhạc phát trên tàu vũ trụ?) mang lại cho những ca khúc được chọn dấu ấn lịch sử nhất định. Nó giống như phiên bản đại chúng và đương đại hơn của Voyager Golden Record, hai đĩa vàng được NASA tuyển chọn để phóng vào vũ trụ năm 1977 như lời giới thiệu về trái đất với người ngoài hành tinh.
Bao gồm phần lớn là những ca khúc đã làm nên lịch sử âm nhạc phương Tây, trong quá khứ và hiện tại, thế nên, sự xuất hiện của năm ca khúc Kpop, tuy không nhiều so với tổng số 186 ca khúc, trong NASA Moon Tunes dù không phải sự công nhận chính thức từ giới chuyên môn nhưng hơn thế, nó là sự thừa nhận của công chúng nói chung.
Bước đột phá từ SuperM Với những ai từng hoài nghi về sự bền vững của Kpop trên trường quốc tế, thành công mới đây của SuperM chính là câu trả lời cho họ. Sau BTS, rất nhiều nhóm nhạc Kpop đã nỗ lực leo thang BXH Billboard nhưng để lọt được vào Top 10 đã là khó. Nỗ lực gần với mốc này nhất là EP We Are Superhuman của NCT 127, lên cao nhất ở vị trí No.11. Điều này mang tới cảm giác đây chỉ là thành công riêng của BTS chứ không phải Kpop. Tuy nhiên, SuperM vừa thay đổi định kiến đó khi xuất hiện thẳng ở vị trí No.1 vào tháng trước. Mặc dù vấp phải đôi chút chỉ trích rằng phải chăng họ đang lợi dụng người hâm mộ khi ra tới tám phiên bản cho một đĩa, nhưng văn hóa thần tượng vốn là đặc trưng của Kpop. Nếu Kpop có thể lan rộng văn hóa này ra toàn cầu thì đó sẽ là cú đánh rất mạnh vào phương Tây. |
Thư Vĩ