Ba điều ‘được’ từ bộ phim hoạt hình về chú khỉ Monta
(Thethaovanhoa.vn)- Vượt trội so với phim hoạt hình Việt Nam từ trước tới nay, sử dụng đúng ngôn ngữ hoạt hình thế giới, chạm tới sự yêu thích của trẻ nhỏ là những dấu ấn rõ nét mà bộ phim hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” đã để lại sau khi ra mắt đầu tháng 8 vừa qua.
- Monta đưa phim hoạt hình Việt gần hơn với khán giả quốc tế
- Phim hoạt hình của VinTaTa: Qua Pixar là... Monta?
“Monta trong dải ngân hà kỳ cục” là series hoạt hình “100% made in Việt Nam”, do hãng phim hoạt hình VinTaTa thuộc Tập đoàn Vingroup sản xuất. Phim xoay quanh cuộc phiêu lưu của chú khỉ Monta và những người bạn tinh nghịch. Mặc dù còn một vài hạn chế, nhưng series hoạt hình Việt này đã thổi một làn gió mới vào thị trường phim dành cho khán giả nhỏ tuổi bởi những điều chưa ai từng làm được trước đây.
Không có đối thủ ở Việt Nam
Có thể nói đây là điều đã được dự báo trước khi series “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” được công chiếu. Đơn vị sản xuất - hãng phim hoạt hình VinTaTa - được đầu tư 2 studio thuộc loại “xịn” nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn quốc tế như các studio lớn trên thế giới.
Ngoài ra, VinTaTa còn chiêu mộ được 70 họa sĩ thuộc hàng đình đám nhất hiện nay trong ngành hoạt hình Việt Nam, trong đó có nhiều người từng là “lính đánh thuê” cho Disney, Cartoon Network… Nếu không xem qua phần vinh danh tên các hoạ sĩ ở cuối phim, tôi cũng không tin nổi người Việt đã tự tay vẽ được phim hoạt hình tới mức này.
Con số 7200 bức tranh/tuần không có gì đáng ngạc nhiên so với ngành, nhưng sự thật là vẽ nhiều mà… không biết vẽ thì cũng chẳng để làm gì. Ở đây, các họa sĩ của VinTaTa vẽ nhiều mà lại vẽ một cách rất bài bản. Ai từng tiếp xúc với giới “nghệ” đều biết, để 70 bác hoạ sĩ cả già cả trẻ với 70 “cái tôi” khác biệt chịu chung tay vẽ ra ngần đấy bức tranh trong một tuần không phải chuyện dễ dàng. Làm nghệ thuật, khen chê nhau một câu thật lòng còn khó, huống chi chịu chia bức tranh ra làm nhiều phần rồi vẽ cùng với kẻ khác.
Chính vì những điều này, có thể nói “đối thủ” của Monta bây giờ không ở Việt Nam. Cạnh tranh với Monta chỉ có hoạt hình nước ngoài. Nhưng đem so với phim Mỹ, phim Nhật, với cả trăm năm kinh nghiệm, thì có lẽ hơi bất công cho chú khỉ mông trắng vừa mới mở mắt chào đời.
Bộ phim sử dụng ngôn ngữ hoạt hình quốc tế
Không mấy khi tạo hình của hoạt hình Việt Nam thoát ra khỏi những tông màu tuỳ tiện, những con thú cũ kỹ, và những hình khối “cơ bản.” Ở đây, chúng ta đều thấy hoạ sĩ Vintata có kiến thức và cảm quan mỹ thuật rất vững chãi, mới tạo ra được những nhân vật và những thế giới rực rỡ sắc màu nhưng hài hoà và có chiều sâu như vậy, chứ không chỉ là những mảng miếng chồng chéo, xanh đỏ tím vàng.
Phần chuyển động thì thực sự chuyên nghiệp: các thước phim có độ mượt vừa mắt, và phần diễn xuất rất có hồn. Xem thoáng qua là đủ biết mỗi nhân vật có tính cách như thế nào. Chú khỉ Monta là ông cụ non xông xáo, cô cừu là chị đẹp đỏng đảnh, cá mập ngây thơ vô số tội, con chim tóc đỏ đần đần mà được việc. Như đạo diễn Nguyễn Hà Bắc từng nói: hoạt hình là phải có độ “cà chớn.” Tức là phải cường điệu hoá lên. Buồn thì phải vẽ thành sầu thảm mà vui thì phải vẽ thành sung sướng. Thế mới giống trẻ con. Và điều này, rõ ràng Monta đã làm đủ tốt.
Sự kiện Monta ra mắt 60 phút phim là một dấu hiệu cho thấy hoạt hình Việt Nam đã thực sự chuyên nghiệp.
Chạm tới trái tim trẻ nhỏ
Một bộ phim dành cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi phải chạm tới được những trái tim nhỏ tuổi. Đây cũng là một thành tựu xuất sắc cho “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”.
Bộ phim không đặt quá nặng bất cứ điều gì. Không giáo điều, cũng chẳng buồn gánh trên vai những trọng trách mà nhiều người lớn có thể đặt cho nó. Ví như là phải “thuần Việt”, phải “sâu sắc”, và phải “như nước ngoài họ làm” (!?).
Ngay từ cốt truyện, nó cũng chẳng cố gồng mình lên làm bom tấn, bom tạ. Như một người Việt thực thụ, nó dung dăng dung dẻ, vui vẻ và tự tin đi những bước đi đầu đời.
Monta và đám bạn “kỳ cục” trong mắt người lớn, nhưng hoàn toàn bình thường và gần gũi với trẻ con. Chỉ trẻ con mới đi trộn mì với phở rồi ăn ngon lành. Chỉ trẻ con mới tưởng tượng ra được những Tháp nghiêng rác, những Kim tự tháp rác hay Vạn Rác Trường Thành. Và chắc cũng chỉ trẻ con mới lên hành tinh Bánh Ngọt để đòi ăn bánh ngọt.
Là người lớn xem phim trẻ con, có lúc tôi cũng bật cười, nhưng có lúc tôi cũng không hiểu lũ trẻ ngồi cạnh mình đang cười vì chuyện gì trên phim. Nhiều người lớn nghĩ trẻ con mới hồn nhiên, cũng nhiều người lớn nghĩ trẻ con mới sâu sắc. Cả hai đều đúng, vì trẻ con có một kiểu logic của riêng chúng, và chúng ta có khi mới là những kẻ kỳ cục, nếu bắt trẻ con phải hiểu theo cách hiểu của mình.
Lúc ra về, tôi chỉ nghĩ một điều thay các ông bố bà mẹ: liệu mình có thể yên tâm để con trẻ xem bộ phim này không? Và tôi kết luận là có. Câu chuyện của Monta đơn giản và cởi mở. Trẻ con thì dễ nhớ và dễ quên. Đã thích thì đắm say mà chán thì “chuyển kênh” ngay, nhưng mà có lúc lại đòi bật lên xem lại, đòi yêu lại từ đầu.
Nếu có những điều tôi muốn Vintata cải thiện ở những tập sau, đó là hãy… trẻ con hơn nữa. Tạo hình nhân vật đẹp rồi, các hành tinh cũng đẹp rồi, nhưng tôi nghĩ, nếu đã tư duy được đến mức này, thì hãy phá bỏ đi những giới hạn. Hãy đến những hành tinh mà chưa ai tưởng tượng ra được. Khoáng đạt hơn, bất ngờ hơn, và… bớt rối mắt.
Về nội dung, nếu thực sự muốn truyền đạt những thông điệp về lòng tốt và tình bạn, hãy làm đậm nét thông điệp đó hơn. Tình bạn cũng là một dạng tình yêu, mà tình yêu thì phải có xung đột: hãy cho chúng tôi thấy đám bạn kỳ cục của Monta yêu nhau hơn, giận nhau hơn, ghét nhau hơn, nhớ nhau hơn. Cuộc sống có muôn màu muôn vẻ, đầy đủ đắng cay ngọt bùi, chứ đâu chỉ có sự kỳ cục, phải không nào?
Ngũ Long