Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc của The Factory: Hướng đến những nhãn quan độc đáo ở Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc của The Factory đã công bố người đoạt giải là Nguyễn Thị Thanh Mai (1983, Huế). Nghệ sĩ xuất sắc được trao 160.000.000 đồng và một triển lãm cá nhân, được thực hiện 2 lần, lần 1 diễn ra tại The Factory (TP.HCM) trong năm 2022, lần 2 tại APD (Hà Nội) trong năm 2023.
Giải thưởng này hướng đến nghệ sĩ người Việt (bao gồm cả Việt kiều), miễn là đang sống và làm việc tại Việt Nam. Hướng đến các thực hành sáng tạo không giới hạn, bền bỉ và mang tính thử nghiệm với nhãn quan độc đáo. Hướng đến những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng địa phương và bối cảnh xã hội. Thanh Mai đã vượt qua Lương Trịnh, Đức Vũ, Tuấn Mami, Trần Tuấn, Mai Nguyên Anh, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Huy An để đoạt giải.
Một nhãn quan sâu sắc từ Huế
Nguyễn Thị Thanh Mai lấy bằng thạc sĩ ngành nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan, hiện là giảng viên tại khoa Mỹ thuật ứng dụng của Đại học Nghệ thuật Huế. Với khoảng 15 năm sáng tạo và giảng dạy là đủ dài để Thanh Mai khẳng định bản thân nhiều hơn, điều mà từ 10 năm trước đã bộc lộ một cách trẻ trung và đầy dấn thân.
Thanh Mai và James Nguyễn từng được Bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh Australia (Australian War Memorial Museum) chọn tài trợ để phát triển nghiên cứu và tác phẩm về chủ đề trải nghiệm lịch sử chiến tranh vào năm 2018.
Trước đó, Thanh Mai còn được mời nhiệm trú sáng tạo và nghiên cứu tại Hàn Quốc (2013), Campuchia (2014)… Tác phẩm xuất hiện trong nhiều triển lãm tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia… Năm 2014, sau khi nhận được giải thưởng từ Quỹ Pollock-Krasner, Thanh Mai đã có thêm điều kiện tốt để phát triển tác phẩm. Đến năm 2015, Thanh Mai làm triển lãm cá nhân Ngày qua ngày tại Sao La (TP.HCM) và tại Sa Sa Bassac (Phnom Penh, Campuchia). Năm 2016 làm triển lãm cá nhân Một thế giới khác tại Künstlerhaus Bethanien (Đức) và Những vết sẹo tại Gallery PM (Croatia).
“Nghệ thuật là một công cụ để tôi quan sát và truy vấn bản thân. Nhờ có sự tương tác với những cộng đồng người di cư, cựu chiến binh, bà con nông dân cũng như những người tôi có duyên được gặp trong chặng đường sáng tác mà tôi có được những mảnh ký ức tản mạn. Từ chính những manh mối này, tôi thị giác hóa những mường tượng, câu hỏi và liên tưởng của mình về lịch sử và xã hội xung quanh mình” - quan điểm sáng tác của Nguyễn Thị Thanh Mai.
Thanh Mai đã kinh qua nhiều chất liệu sáng tác, từ hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt, video, nghệ thuật ý niệm... Từ khám phá vấn đề nữ giới trong bối cảnh xã hội châu Á, Thanh Mai mở rộng ra nhiều cộng đồng yếu thế như cựu chiến binh, di cư, tị nạn, chuyển giới…
Để tìm ra được những nghệ sĩ “mang tính thử nghiệm với nhãn quan độc đáo” ở Việt Nam thì khó hay dễ? Giám tuyển Trần Lương (thành viên hội đồng giám khảo) cho biết: “Dĩ nhiên đây là việc khó! Không chỉ khó ở Việt Nam, mà còn khó ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Ở Việt Nam, số nghệ sĩ tiềm năng nằm trong khu vực có thể xem xét theo tiêu chí ở trên rất ít! Chưa kể còn có các tiêu chí khác nữa, cũng thách thức không kém. Nếu để đạt được tiêu chí này thì thường chỉ đạt được điều kiện cần là vế đầu “mang tính thử nghiệm”, ít người đạt được điều kiện đủ là vế sau “nhãn quan độc đáo”.
Lương phân tích: “Nhãn quan độc đáo không chỉ là có cá tính, có cái nhìn riêng khác so với số đông, không chỉ là có ngôn ngữ thị giác đặc sắc, chất liệu đặc sắc. Mà còn là cách sử dụng, phối hợp ngôn ngữ liên ngành, là cách đặt vấn đề đa dạng và khác biệt, là lật được “cái cũ” dưới góc nhìn mới, là sự trung thực, là tính phản biện và sự dũng cảm dám đối mặt”.
Quy trình tìm nghệ sĩ xuất sắc
Ban đề cử gồm Trần Lương, Nguyễn Trinh Thi, Trâm Vũ, Ly Hoàng Ly, Arlette Quỳnh Anh Trần, Đỗ Tường Linh, Vân Đỗ, Lê Thuận Uyên và Bill Nguyễn, mỗi người được chọn 2 nghệ sĩ để tiến cử. Sau đó hội đồng giám khảo gồm Roger Nelson (Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore), Arlette Quỳnh Anh Trần (Post Vidai), Zoe Butt (The Factory), Tom Tandio (Art Jakarta) và Trần Lương (APD, Hà Nội) sẽ chấm giải.
Định hướng chung của giải thưởng này là bổ khuyết vào những hạn chế về đào tạo, không gian trưng bày và cả các giải thưởng cho nghệ thuật đương đại. Thực tế cho thấy hệ thống đào tạo và bảo tàng ở Việt Nam còn khá ít các nghiên cứu chuyên sâu về tính liên ngành, về sự đa dạng của ngôn ngữ nghệ thuật.
Khi được hỏi anh có nghĩ kết quả hôm nay sẽ thành tiền đề cho câu chuyện đường dài? Trần Lương thẳng thắn: “Tôi nghĩ những người sáng lập giải thưởng không xây dựng một bộ tiêu chí duy ý chí, mà đã phải nhìn thấy tiềm năng hiện thực trên thực tế. Nếu kết quả hôm nay chỉ là “tiền đề cho câu chuyện đường dài” thì hóa ra lập tiêu chí to tát để câu khách rồi cắt chuẩn hay thỏa hiệp à? Dĩ nhiên các giải thưởng luôn có tầm nhìn là khích lệ phát triển chiều sâu và xa, để cấp “ô-xy” cho chuyến đi đường dài của cộng đồng nghệ thuật, chứ không riêng để tôn vinh những cá nhân. Mặt khác, với sáng tạo thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, điều kiện chủ quan và khách quan, nên không có ứng cử viên nào thực sự “tròn” hoặc “chuẩn” toàn diện. Nhưng tôi đã thấy có vài nghệ sĩ để chọn lựa từ trước khi đề cử, chấm giải”.
Văn Bảy