Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017: 'Mất mùa' cả thơ lẫn văn xuôi
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 4/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng của Hội và kết nạp hội viên mới. Tại buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam trao 3 hệ thống giải gồm giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Sự nghiệp (lần đầu tiên), Giải thưởng Cống hiến (đợt 2).
- Giải Cống hiến Văn học lần 2: Vinh danh 10 tác giả vì sự phát triển văn học Việt
- 22 tác giả được giải Cống hiến Văn học, họ là ai?
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng, đánh giá cao các nhà văn đạt giải thưởng hàng năm, giải thưởng Cống hiến, giải thưởng Sự nghiệp, đóng góp vào thành tựu của nền văn học nước nhà; chúc mừng các nhà tác giả trẻ mới được kết nạp trong dịp này.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, năm 2017 trôi qua với nhiều nỗ lực của toàn thể hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Trong năm, Hội Nhà văn Việt Nam cũng như hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn học: Ngày thơ Việt Nam; hội nghị Nhà văn Việt Nam với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc; phát động cuộc thi sáng tác chuyên nghiệp về đề tài người có công với đất nước... 30 nhà văn, nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục cung cấp báo chí của Hội tới hội viên, ban hành quy chế mới về kết nạp hội viên, hỗ trợ sáng tác cho hơn 250 nhà văn...
Bước sang năm 2018, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội cũng là trách nhiệm của các hội viên là nâng cao chất lượng tương xứng với số lượng tác phẩm văn học để tiếp tục có những tác phẩm xuất sắc, cống hiến cho sự phát triển của văn học nước nhà.
Về giải thưởng của Hội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết năm nay không có tác phẩm văn xuôi, thơ được trao Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam mà chỉ có 2 tác phẩm lý luận phê bình và 1 tác phẩm dịch được trao giải. Đó là tập tiểu luận phê bình “Bóng người trong bóng núi” của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị; tập lý luận phê bình “Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu; tập kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” của Aleksander Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn.
Tập tiểu luận phê bình “Bóng người trong bóng núi” gồm 14 bài viết đề cập đến một thế hệ nhà văn mặc áo lính với những phát hiện mới về vẻ đẹp của Anh Bộ đội Cụ Hồ trong cốt cách sáng tạo văn chương của họ khi viết về những người đồng đội của mình.
Tập lý luận phê bình “Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” là cuốn sách có tham chiếu qua một số hiện tượng, tác giả tiêu biểu của Văn học Việt Nam, cho chúng ta nhiều tư liệu về những trào lưu văn học phương Tây mà không được nhiều người biết đến.
Bản dịch tập kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” là cuốn sách tiêu biểu của văn học cổ điển Nga và cũng là cuốn sách khó dịch, nằm trong dự án dịch những tác phẩm văn học đỉnh cao Nga - Việt.
Bộ sách 18 tập về văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng đạt Giải thưởng Sự nghiệp - một giải thưởng mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Bộ sách từng nhận giải Sách Vàng tại Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lúc đó, bộ sách mới xuất bản được 12 cuốn. Với bộ sách này, nhà văn Vũ Hùng đã tạo nên những trang văn đẹp, hay hiếm có về muông thú, núi rừng, thiên nhiên hoang sơ ở Việt Nam.
Giải thưởng Cống hiến (đợt 2) được trao cho các nhà văn, nhà thơ: Văn Linh, Phượng Vũ, Hữu Đạt, Hồ Khải Đại, Hải Hồ, Nguyễn Văn Xuân, Hoài Anh, Võ Hồng, Từ Bích Hoàng, Lê Văn Ngân.
Dịp này Hội Nhà văn Việt Nam cũng kết nạp thêm 29 hội viên mới trong số gần 700 tác giả có đơn xin ra nhập Hội tại các lĩnh vực Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch.
TTXVN