Giải Thiếu nhi Dế mèn: Thấp thoáng bóng dáng thần đồng và định hình cuộc đấu giá nghệ thuật 'dài hơi'
Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 và đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em" do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức đã diễn ra tối 31/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tới tham dự buổi lễ có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc TTXVN; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TTXVN cùng các đại diện nhà tài trợ cho chương trình.
Khác với mùa trao giải trước, chỉ tổ chức offline tại trụ sở tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa vì lý do dịch Covid-19, lễ trao giải mùa 3 trang trọng, hoành tráng hơn gấp bội lần bởi sự kết hợp nhiều hoạt động trong 1, vừa mang tính lễ nghi, vừa mang tính nghệ thuật.
Nhưng điểm chung là vinh danh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của Dế Mèn mùa 3 và vận động quyên góp “Vì mái trường cho em”.
Chương trình được mở màn với phần trình diễn của Dàn nhạc Young Maius Philharmonic với các tác phẩm Theme Of Concerto For String - Spring của Vivaldi, liên khúc Dance of the little swan (Tchaikovsky) - Minuet and trio (Beethoven).
Bên cạnh đó, buổi lễ trao giải còn trở nên sống động với những phần trình diễn mang tính nghệ thuật và cũng là kết nối giữa các phần công bố các tác phẩm vào chung kết cũng như cuộc đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em" như CLB Ngôi sao nhỏ thể hiện ca khúc Em bé quê của nhạc sĩ Phạm Duy và các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ trình diễn trích đoạn vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga.
Tại buổi lễ, ông Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng ban tổ chức phát biểu: "Thật vui mừng khi đến dự buổi lễ của chúng tôi hôm nay có rất nhiều các vị đại biểu ở trên nhiều cương vị, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có các nhà lãnh đạo, nhà quản lý về văn hóa, nghệ thuật và báo chí; có các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà báo, nhà sưu tập; các nhà giáo; các vị Mạnh thường quân; và đặc biệt còn có đông đảo các cháu thiếu nhi. Rất nhiều trong số này là những bạn đọc lâu năm của báo Thể thao và Văn hóa, nhưng cũng có những người bạn mới, hầu như chưa biết mấy về lịch sử 40 năm của tờ báo chúng tôi.
Nhưng tất cả chúng ta đã có mặt tại đây, hôm nay, vì một buổi lễ với khá nhiều nội dung: Tổng kết và trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa giải lần thứ 3, một giải thưởng rất rộng rãi - Tôn vinh những sáng tạo văn học, nghệ thuật và cả những sáng tạo nhiều mặt trên lĩnh vực giải trí - công nghệ miễn là thỏa mãn tiêu chí “vì thiếu nhi” hoặc “của thiếu nhi”.
Bên cạnh đó còn có chương trình đấu giá nghệ thật “Vì mái trường cho em” nhân kỷ niệm 40 năm báo Thể thao và Văn hóa vào ngày 21/8/2022 tới đây, một chương trình nhằm huy động sức mạnh của nghệ thuật để tạo ra những giá trị vật chất hết sức cụ thể, để có thể hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn.
Xin được khẳng định rằng, giải thưởng cũng như chương trình đấu giá của chúng tôi không phải là một sự kiện đột xuất, nhất thời mà là một một hành trình lâu dài và bền vững".
- Bảng vàng Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn qua 3 mùa giải
- Thông tin báo chí: Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3-2022 và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'
- Nhà báo Lê Xuân Thành, Trưởng BTC Giải Dế Mèn: Cảm ơn tấm lòng 'vị nghệ thuật' và 'vị nhân sinh' hết mực
Trong những lời chia sẻ trước khi trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhớ về thời chiến tranh chống Mỹ khi xưa - giai đoạn hoàng kim của những sáng tác dành cho thiếu nhi. Như lời ông, đây là thời kỳ gắn với sự tồn tại của một đội ngũ sáng tác đa dạng và xuất sắc, còn những tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn được coi là mãi là phần tươi thắm, trẻ trung và đáng nhớ nhất của rất nhiều cây bút khác nhau.
“Thiếu nhi ở đâu cũng được yêu mến. Tại Việt Nam, tình cảm ấy lại càng nhiều. Nhưng viết cho trẻ em không đơn giản. Chẳng hạn, bây giờ, chúng ta không thể tìm thấy ngay một đội ngũ đông đảo những tác giả nhí tự viết cho chính mình, kể về thế giới của chính mình như ngày xưa” - nhà thơ chia sẻ - “Trẻ con luôn cần món ăn tinh thần cho các em và tôi đánh giá rất cao tinh thần của báo Thể thao & Văn hóa khi đã huy động sáng tác từ người lớn đến trẻ nhỏ cho thể loại, đề tài này”.
“Xin mượn lời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng nói: "Viết cho trẻ con là phải rất hiểu trẻ con và hiểu cả người lớn bởi trong bất cứ đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành và trong mỗi một người lớn cũng luôn có một đứa trẻ không bao giờ già đi", để chúc cho giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa sẽ càng ngày càng phát triển hơn, thu hút được sự đóng góp tham gia của các tác giả trong và ngoài nước, để dành tặng cho các em các tác phẩm sẽ đồng hành cùng các em không chỉ ở những năm tháng tuổi thơ" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.
Bên cạnh đó, chương trình đấu giá nghệ thuật cũng thu về hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm trường Huổi Khoang (xã Nậm Mằn, Sông Mã, Sơn La).
Thông tin chi tiết về kết quả đấu giá xin xem tại ĐÂY
Là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa sáng lập từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác - trình diễn nghệ thuật "vì" thiếu nhi hoặc "của" thiếu nhi trong khoảng thời gian từ quý II năm trước đến tháng 5 năm trao giải, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa thứ 3 năm 2022 đã thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản.
Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...
Với 8 tác phẩm lọt vào vòng chung kết, Hội đồng giám khảo đã thảo luận và cho điểm, chọn 5 tác phẩm điểm cao nhất để trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), trị giá: 10.000.000 VND/giải cho (xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm):
1. Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng)
2. Cơ Bản là Cơ Bản (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng)
3. Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)
4. Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi)
5. Chiếc dép thất lạc (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng)
Quyên Gavoye là một chuyên gia di sản tại một thành phố ở Pháp, và cũng là bà mẹ của hai đứa trẻ. Hai cuốn sách "Emma thảm họa" và "Biệt đội thám tử" là sản phẩm của sự quan sát rất kỹ càng của chị về cuộc sống của hai con, từ những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tại trường học, ở nhà và cả khu phố, đến cách các con hành xử với nhau và với bố mẹ. Những bài học về kỹ năng sống, nhờ thế, cứ dần hiện ra….
Vì lý do địa lý nên tác giả Quyên Gavoye không thể có mặt ở Việt Nam để nhận giải, nhưng chị đã bày tỏ cảm xúc của mình qua một clip ngắn gửi cho BTC.
“Thành thật mà nói khi tôi viết tác phẩm này, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất đó là mang đến cho các em thiếu nhi nhưng giây phút giải lao, giải trí vui vẻ thông qua việc đọc sách” - Quyên Gavoye . “Tôi muốn kể cho các con nghe những câu chuyện dí dỏm, nhí nhảnh đặng gips các con xây dựng ước mơ của tuổi thần tiên, có thêm kiến thức trong cách hành xử và vui chơi hàng ngày. Và thất bất ngờ cuốn sách của tôi đã được đón nhận rộng rãi và đó chính là một phần thưởng vô cùng to lớn. Tôi hy vọng rằng giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là niềm khích lệ cho các tác giả tiếp tục sáng tạo ra những chất lượng, có giá trị cho các em thiếu nhi”.
Cơ Bản là Cơ Bản là một câu chuyện giản dị với tốc độ kể nhanh, với sự khởi đầu không được tốt, khi hàng loạt các mẩu chuyện ở đô thị mang màu sắc giáo huấn, thiếu tính tự nhiên của con trẻ. Nhưng sau đó (khi nhân vật về quê sống) thì cơ bản là… rất hiệu quả. Cũng với tốc độ kể nhanh đó, tác giả tạo ra “những bài học nông thôn” mới – hay đúng hơn là những bài khi trở về với tự nhiên – vừa hoang dã, vừa ấm áp, lại thấm đẫm văn hóa xứ Mường, quê hương của tác giả.
Khi lên sân khấu nhận giải, Phạm Huy Thông nhớ lại lần ra Hà Nội nhận một giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi từ 30 năm trước. Thời gian đã làm mọi thứ thay đổi, nhưng sự xúc động của anh khi nhận giải dường như vẫn vẹn nguyên như năm nào. Anh có những lời khá chân thành: “Tôi đã thử sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng hóa ra, tôi chỉ có thể đạt được niềm vui và cũng tạm gọi là thành công khi viết về thiếu nhi. Có lẽ, giải thưởng này là một lời nhắc nhở nghiêm túc với tôi, rằng bản thân nên tập trung thời gian và công sức để tiếp tục theo đuổi mang đề tài này…”
Đu đưa trên ngọn cây bàng là một câu chuyện đầy ăm ắp ký ức về một tuổi thơ trung du nghèo đói, thèm ăn, nhưng cả người lớn và trẻ con vẫn vươn lên kiên cường, vẫn sống với đầy tình thương mến thương. Và hơn thế, tâm hồn của họ vẫn “đu đưa trên ngọn cây bàng” - một cảm giác mê say, không rõ ràng, và rất “chill” giữa cuộc sống bộn bề.
Diệu Thủy chia sẻ: “Khi bắt tay vào viết, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ tuổi thơ của các con mình. Và, tác phẩm cũng khiến tôi bất ngờ khi mình viết xong. Tuổi thơ của trẻ em là một thế giới rất độc đáo, và tôi đã cố gắng thể hiện tất cả mọi suy tư, mộng mơ của tuổi thiếu nhi mà mình có thể hình dung trong đó”.
Cô bé 9 tuổi, vừa học hết lớp 4 trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội) rất nhỏ xinh, nhưng lung linh kỳ diệu. Điều hay nhất là tất cả 4 truyện đồng thoại này đều có diễn biến rất bất ngờ, và đó là cái bất ngờ hoàn toàn không sắp đặt, không cần đến những kỹ thuật "thắt mở nút" nhà nghề của người viết truyện ngắn.
Mẹ của An Băng khi lên sân khấu nhận giải cùng con đã chia sẻ: “Bận mưu sinh, tôi đã bỏ qua khá nhiều khoảnh khắc quý giá của An Băng trong cuộc sống hàng ngày. Để rồi, bây giờ tôi nhận ra: Trẻ con là sự cứu rỗi của chúng ta, khiến chúng ta yêu đời và sống trong lành hơn trước những u ám từ bệnh dịch và cuộc sống hàng ngày”.
Cuối cùng, thật bất ngờ là các chủ nhân của mùa giải Dế Mèn năm nay còn có 3 cái tên đến từ Bỉ - Thụy Điển - Pháp. Geralda De Vos là một nghệ sĩ Bỉ, bà đến Việt Nam theo một chương trình lưu trú nghệ sĩ, và thật kỳ lạ là bà quan tâm đến những chiếc dép vô tình bị đánh rơi trên các nẻo đường. Bà thực sự là “cô tiên dép rớt” như trong truyện với chiếc xe đạp chở đầy những chiếc dép ngoài đời. Họa sĩ Sofia Holt, người Thụy Điển đã đồng điệu với câu chuyện về Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos, và đã thể hiện bằng những bức tranh minh họa tuyệt vời, thấm đẫm những cảnh sắc Việt Nam.
Cũng giống như Quyên Gavoye, 2 tác giả của sách tranh Chiếc dép thất lạc là Geralda De Vos (Bỉ), Sofia Holt (Thụy Điển) cũng không thể sang Việt Nam để dự lễ trao giải và cũng gửi những phát biểu của mình qua clip. “Tôi và rất hạnh phúc khi được Ban tổ chức trao giải thưởng Khát vọng Dế Mèn cho chúng tôi” - Geralda De Vos mở đầu clip gửi cho Ban tổ chức. “Khi trò chuyện với Ban tổ chức qua email, chúng tôi nhận thấy đây là một giải thưởng rất ý nghĩa và thật tuyệt vời khi có một giải thưởng quan tâm đến đời sống tinh thần của các trẻ nhỏ. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các bậc phụ huynh và các bạn đọc nhỏ tuổi đã dành sự quan tâm, yêu thích đối với cuốn sách của chúng tôi. Và khi được trao giải thưởng này, chúng tôi cảm thấy được trân trọng và hiểu được trách nhiệm của mình khi sáng tác cho các em. Tôi cũng đang trong quá trình sáng tác cuốn sách tiếp theo, các bạn hãy chờ và đón đọc nhé!”.
Từ Thụy Điển, họa sĩ Sofia Holt nói: “Cũng như Geralda De Vos, cá nhân tôi rất vui khi nhận được giải thưởng này. Cách tôi minh họa trong cuốn sách chính là những gì tôi đã được trải nghiệm, học hỏi và trân trọng ở Việt Nam. Đối với mọi người trên thế giới, đó như là cách tốt nhất để đi du lịch không mất phí đến Việt Nam bằng cách đọc cuốn sách này. Chúng tôi cũng đang bắt tay thực hiện một cuốn sách mới và cũng sẽ xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách mới này cũng sẽ được đông đảo mọi người đón đọc như là Chiếc dép thất lạc”.
Hy vọng sẽ tìm được Hiệp sĩ Dế mèn
Đánh giá về chất lượng mùa giải năm nay, PGS-TS Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét: “Trước tiên, nhìn vào lực lượng người viết dự giải có thể thấy viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Nhìn rộng hơn, khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ, và của người lớn vẫn là khát vọng thường trực và đau đáu. Đây là điều may mắn và đáng quý. Giải thưởng đã góp phần kích hoạt, khích lệ những mơ ước, khát vọng này.
Thứ hai, khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán” được chất “giáo huấn”. Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, khiến truyện tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống.
Thứ ba, những người viết ít nhiều đã có ý thức hoặc bằng những cảm thức tinh tế hướng ngòi bút vào các vấn đề sinh thái, môi trường, cụ thể hơn là thiên nhiên với loài vật, cỏ cây, hoa lá. Năm nay, dự giải có rất nhiều tác giả trở về với thiên nhiên, với không gian sinh thái, như để thầm nói với bạn đọc trước nhất là với những đứa trẻ rằng, thiên nhiên chính là bầu bạn, là mái nhà che chở, nuôi dưỡng tâm hồn, và giúp con người cảm thấy yêu và gắn bó hơn với đời sống này. Những tác phẩm như Cá Linh đi học, Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Cơ Bản là Cơ Bản v.v… là ví dụ”.
Còn nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, thì đưa ra một sự liên hệ thú vị với thế hệ thiếu nhi thời ông: “Trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính… Thế nhưng văn chương thì... thời chúng tôi có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có. Nay xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai”.
Dẫn 2 câu thơ rất nắn nót của Trần Dần: “Tôi tiếc khi chân trời không có người bay/ Và lại tiếc khi người bay mà không có chân trời”, Trưởng BGK nhận định: “Các em hiện giờ có rất nhiều điều kiện chứ không như chúng tôi ngày xưa Hiện giờ trong công cuộc đổi mới của chúng ta, chân trời ngay dưới gót chân của các em, chỉ có điều các em có bay được không.
Giải thưởng năm nay có em bé 9 tuổi, có những tác giả người nước ngoài hoặc Việt kiều, chứng tỏ cuộc thi có sự lan tỏa rộng không phải chỉ trong nước. Tôi hi vọng năm tới chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc sắc hơn, sẽ tìm được Hiệp sĩ Dế mèn. Kết quả năm nay cho chúng ta niềm tin ấy, sự hi vọng ấy”.
Trực tiếp trên sân khấu của Lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa: gửi lời chúc mừng những tác giả, báo Thể thao và Văn hóa sáng kiến hay nghĩ ra sân chơi đặc biệt dành cho các em thiếu nhi.
Ông chia sẻ: thiếu nhi ở đâu, thiếu nhi ở Việt Nam ngày càng được yêu mến và chúng ta cũng luôn làm nhiều điều hạnh phúc cho các em. Nhưng để có một giải thưởng như giải Dế Mèn thì không đơn giản..
"Tôi nhớ, những năm chống Mỹ, đất nước nhiều khó khăn, bom đạn mù mịt, xuất hiện một đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi tuyệt vời đáng giá. Có những người dành cả đời để viết cho các em như Võ Quảng, Lê Phương Liên...Có những nhà văn lớn viết rất nhiều đề tài nhưng mảng tươi thắm nhất dành cho thiếu nhi như Tô Hoài, có những nhà văn không có ý đồ cho thiếu nhi nhưng viết cho con như nhà văn Duy Khán: "Tuổi thơ im lặng" lại là tác phẩm đưa tác giả vào cõi bất tử. Cũng như vậy, đó là Xuân Quỳnh nhưng tác giả viết nhiều thể loại như Bầu trời trong quả trứng, bến tàu trong thành phố...
Với tôi, tác phẩm viết cho thiếu nhi phải là tác phẩm khiến cho cả người lớn trẻ con đều thích. Nếu trước đây có Đoàn Giỏi, Tô Hoài thì nay có Nguyễn Nhật Ánh và đặc biệt là đội ngũ các tác giả nhí viết cho chính mình. Có thể gọi họ là dàn đồng ca nhí - trong đó có tôi.
Những năm gần đây, còn nhiều người viết cho đề tài này, cũng có cả những tờ báo lớn dành các trang viết cho thiếu nhi nhưng giờ cũng đã không còn và đó là điều đáng tiếc.
Trẻ con luôn cần món ăn tinh thần cho các em và tôi đánh giá rất cao tinh thần của báo Thể thao & Văn hóa khi đã huy động sáng tác từ người lớn đến trẻ nhỏ cho thể loại, đề tài này.
Theo đó, đến mùa thứ 3 tổ chức, Giải thưởng Dế Mèn được tổ chức càng ngày càng sâu sắc và chuyên nghiệp. Năm nay, dù không có giải thưởng lớn nhưng kết quả này vẫn tiếp tục mở ra bát ngát đón chờ "hiệp sĩ dế mèn" vào những năm tiếp theo.
Cũng xin chia sẻ rằng hiện nay, Hội Nhà văn cũng phát động cuộc thi viết cho thiếu nhi - cũng xuất phát từ sức lan tỏa của giải thưởng Dế Mèn.
Xin mượn lời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng nói: "Viết cho trẻ con là phải rất hiểu trẻ con và hiểu cả người lớn bởi trong bất cứ đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành và trong mỗi một người lớn cũng luôn có một đứa trẻ không bao giờ già đi", để chúc cho giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa sẽ càng ngày càng phát triển hơn, thu hút được sự đóng góp tham gia của các tác giả trong và ngoài nước, để dành tặng cho các em các tác phẩm sẽ đồng hành cùng các em không chỉ ở những năm tháng tuổi thơ" - nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.
Mùa giải mở rộng biên độ
Khởi động từ đầu tháng 4, giải thưởng đã thu hút 89 tác phẩm/ chùm tác phẩm dự thi (tính đến hạn chót nhận tác phẩm là ngày 5/5), với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản trong thời gian từ quý II năm 2021 đến tháng 5/2022. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...
So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại và điều đặc biệt là so với 2 mùa giải trước, biên độ cuộc thi năm nay đã mở rộng.
Nếu như ở 2 mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước, thì mùa giải lần 3 này đã thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.
Đáng chú ý hơn, giải Dế Mèn năm nay đã nhận được một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9 - 12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua.
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng trên sân khấu, tác giả Phạm Huy Thông của "Cơ bản là cơ bản" cho biết cách đây 30 năm, anh đã từng nhận giải thưởng cho thiếu nhi do Unicef tổ chức tại Việt Nam.
"Lúc đấy tôi rất run không biết nói gì và cảm xúc này một lần nữa lặp lại vào tối hôm nay. Tôi đã thử viết nhiều thể loại, nhưng với niềm vui và tạm gọi là thành công khi mình viết cho thiếu nhi. Giải thưởng này nhắc nhở tôi: có lẽ chỉ nên viết cho thiếu nhi.
Tôi cảm ơn ban tổ chức, cũng là sếp của tôi đã cho tôi cơ hội làm việc tại nhà trong một tuần khi mắc Covid. Cùng với sự chia sẻ của mọi người trong cơ quan, là cơ hội giúp tôi được chia sẻ cảm xúc suy nghĩ của mình qua tác phẩm này".
Khép lại mùa giải Dế Mèn 2022, BTC xin chân thành cám ơn các các quý vị trong Hội đồng giám khảo, trong Ban sơ khảo đã làm việc hết mình với tinh thần “hiệp sĩ” để đưa ra được kết quả cuối cùng cho mùa giải năm nay; xin chân thành cám ơn các tác giả trên khắp cả nước, đặc biệt là các tác giả nhí đã nhiệt tình gửi tác phẩm dự thi giải Dế Mèn; các đơn vị xuất bản, làm phim đã chung tay đề cử các tác phẩm tốt nhất đến với Giải thưởng.
BTC cũng gửi lời cám ơn đến các báo đài, các đơn vị truyền thông và những người yêu mến giải thưởng đã đưa tin, đã chia sẻ về Giải thưởng.
Đôi nét về giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn Dế Mèn - là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập và tổ chức từ năm 2020, Giải Dế Mèn nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Cơ cấu giải thưởng bao gồm Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) và một số giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire). Trong mùa giải đầu tiên, giải Hiệp sĩ Dế Mèn đã được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm Làm bạn với bầu trời cùng sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi với 40 đầu sách và 4 giải Khát vọng Dế Mèn. Mùa thứ 2, không có giải “Hiệp sĩ Dế Mèn”, 5 giải đồng hạng “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho: 1/ Tiểu thuyết Đi trốn (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bình Ca. 2/ Phim hoạt hình Khúc gỗ mục của Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam do NSND Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (Biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa; Biên tập: Bùi Hoài Thu; Nhạc sĩ: Trọng Đài). 3/ Chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của hoạ sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007). 4/ Truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng). 5/ Bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các hoạ sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương. |
Ngọc Minh