Giải Nobel Văn chương trước giờ G: Dạy viết cho nhà văn là giết chết nền văn học
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pháp La Croix, Engdahl bày tỏ quan điểm quyết liệt về tầm quan trọng của sự chuyên nghiệp và trải nghiệm trong văn chương. Theo ông, có một thực tế trái khoáy là văn học phương Tây thực chất đang nghèo đi dù được đầu tư nhiều hơn.
Các khoản đầu tư chính là tiền trợ cấp và ủng hộ tài chính cho giới sáng tác. Engdahl cho rằng điều này đang có tác động tiêu cực đến sức sáng tạo của nhà văn.
Sức sáng tạo nghèo đi vì quá nhiều tiền
“Tôi hiểu sức hấp dẫn của những khoản tiền ủng hộ, nhưng tôi thấy chúng đang tách nhà văn ra khỏi xã hội, và tạo ra một sự kết nối không lành mạnh giữa họ và các tổ chức tài trợ” – vị giám khảo Nobel nhận định - “Trước đây, nhà văn có thể là người lái taxi, thủy thủ, thư ký hay người bồi bàn. Samuel Beckett và nhiều nhà văn khác từng sống như thế. Khó khăn, nhưng họ tự kiếm tiền nuôi sống mình, từ góc nhìn văn chương”.
“Từ góc nhìn phương Tây, tôi thấy đó thực sự là một vấn đề, vì khi đọc các tác phẩm của những nhà văn châu Á hay châu Phi, tôi thấy trong đó một sự giải phóng nhất định” – ông nói tiếp - “Tôi hy vọng sự phong phú đang rất nổi bật trong văn chương Á Phi sẽ không bị làm nghèo đi vì xu hướng phương Tây hóa trong lối viết”.
Giải Nobel Văn chương là một giải thưởng quốc tế, nhưng vẫn thường gây tranh cãi từ quan điểm sắc tộc, châu lục, chính trị. Mọi năm, Engdahl và các thành viên khác trong Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn cố gắng chọn ra một cái tên chiến thắng xứng đáng, nhưng giải thưởng luôn khiến dư luận dậy sóng, bởi các tiêu chuẩn đánh giá trong văn chương rất đa dạng.
Engdahl nói với tờ báo Pháp rằng ông không rõ có thể tìm được “một tác phẩm xuất sắc nổi bật theo một hướng đi lý tưởng” (định hướng của Alfred Nobel khi lập ra giải Nobel) cho giải năm nay hay không. Những người chiến thắng đều trên 60 tuổi và không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi mà ông nhìn thấy ở các nhà văn ngày nay (xa rời hiện thực).
“Nhưng tôi băn khoăn về tương lai của văn chương vì tính chất thị trường ngày nay xuất hiện ở khắp nơi” – Engdahl nói. Lý giải cho băn khoăn này, ông cho rằng văn chương mang tính thị trường quá đậm nét sẽ biến thành một nền văn chương an toàn, biết rõ kỹ thuật “chuyển ngữ” những cảm xúc và trải nghiệm.
Engdahl khen ngợi nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek, chủ nhân Nobel Văn học 2004, và lên án những tác phẩm văn học “phá cách giả mạo”. Đó là sự phá cách theo công thức, chiến lược. “Những tiểu thuyết gia đó thường là được đào tạo trong các trường đại học ở châu Âu hoặc Mỹ” – ông nói.
Văn chương hiện đại thiếu đỉnh và trung tâm
Vị giám khảo Nobel cũng chỉ trích cả nền phê bình văn học thế giới. “Chúng ta nói cùng một cách về mọi cuốn sách được xuất bản, vì thế nền phê bình cũng ngày càng nghèo đi. Điều này cũng làm cách ly nền văn chương, dù văn chương không phải đang tệ đi mà chỉ là thay đổi vị thế trong xã hội”.
“Ngày trước, có những ngọn núi và những vùng trũng. Ngày nay, bức tranh toàn cảnh văn chương là một quần đảo, nơi mỗi hòn đảo là một thể loại khác nhau. Nhưng mọi thứ cùng tồn tại mà không có đỉnh hay trung tâm” – ông ví von.
Engdahl là một học giả thường có những phát biểu mang tính nhận định tổng quát về nền văn chương thế giới. Các nhận định của ông cũng thường gây tranh luận sôi nổi trong giới văn chương.
Năm 2008, ông từng tạo ra một cuộc tranh luận giữa hai bờ Đại Tây Dương khi tuyên bố: “Nước Mỹ đang tự cô lập, đang biến thành một hòn đảo. Họ không dịch đủ các tác phẩm văn chương nước ngoài và không thực sự tham gia vào cuộc đối thoại văn chương thế giới. Sự ngu dốt đó sẽ cản trở họ”.
Có lẽ sự ác cảm của Engdahl là một trong những nguyên nhân khiến lâu lắm rồi nước Mỹ không có chủ nhân Nobel Văn chương. Người Mỹ gần đây nhất có được vinh quang này là nhà văn Toni Morrison, vào năm 1993.
Giải Nobel Văn chương sẽ được công bố vào ngày 9/10. Cuộc đua đến giải thưởng năm nào cũng được làm nóng bởi danh sách cá cược đi kèm. Theo nhà cái Ladbrokes, ứng viên nặng ký của năm nay bao gồm: Haruki Murakami (Nhật Bản), Ngugi Wa Thiong'o (Kenya), Svetlana Aleksijevitj (Belarus), Adonis (Syria), Ismail Kadare (Albania), Patrick Modiano (Pháp)… |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa