Giải Nobel 2018: Khi giải văn học bỗng thành 'trang trắng'
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một loạt cáo buộc quấy rối tình dục tới một nhân vật có liên quan đến Viện Hàn lâm Thụy Điển, tổ chức này đã quyết định hoãn trao giải Nobel Văn học, để lại một "trang trắng" đặc biệt cho năm 2018.
- Giải Nobel Y sinh 2018: Nhà khoa học Tasuku Honjo cam kết tiếp tục công trình nghiên cứu điều trị ung thư
- Hoãn giải Nobel Văn học 2018, Viện Hàn lâm Thụy Điển cải tổ mạnh sau bê bối tình dục
- Nhà toán học Langlands nhận Giải thưởng 'Nobel Toán học' Abel 2018
Cần nhắc lại, được Vua Gustav III sáng lập hồi năm 1786 và được gây dựng theo mô hình của Pháp, Viện Hàn lâm Thụy Điển bắt đầu tuyển chọn và trao giải văn học đầy thanh thế từ năm 1901.
Lần đầu tiên "khuyết" giải Nobel Văn học trong 70 năm
Kể từ đó, giải Nobel văn học - "Chén Thánh" của các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch - đã được trao cho các cây bút lớn nhất mọi thời, từ Albert Camus tới Samuel Beckett và Ernest Hemingway.
Danh sách này còn gồm cả biểu tượng rock Mỹ Bob Dylan (được trao giải hồi năm 2016) và lựa chọn này đã gây tranh cãi lớn khi nhiều người chỉ trích Viện Hàn lâm đã "phớt lờ" các nhà văn nổi tiếng khác như cây bút Mỹ Philip Roth, người đã qua đời hồi tháng 5/2017.
Sau tranh cãi về việc trao giải cho Dylan, năm 2017 Viện Hàn lâm đã nỗ lực làm "trơn" mọi thứ, cố gắng tránh chỉ trích bằng việc trao giải cho nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro.
Có điều, chỉ 3 tuần sau đó Viện Hàn lâm tiếp tục vấp phải tranh cãi lớn song lần này đã trở thành "tâm bão" của phong trào #MeToo.
Cụ thể Jean-Claude Arnault, nhiếp ảnh gia, phu quân của Katarina Frostenson, một thành viên Viện Hàn lâm đồng thời là nhà điều hành của một câu lạc bộ văn hóa đầy ảnh hưởng ở Stockholm, đã bị nhiều phụ nữ lên tiếng tố cáo vì một loạt hành vi xâm hại tình dục từ năm 1996 đến năm 2017.
Thêm nữa, cuộc điều tra nội bộ còn cho thấy những xung đột về lợi ích giữa ông Arnault và Viện Hàn lâm sau nhiều năm tài trợ cho câu lạc bộ của ông. Cuối cùng, ông Arnault đã phải hầu tòa về với tội danh cưỡng bức một người phụ nữ hồi năm 2011.
Sau bê bối quấy rối của ông Arnault, Viện Hàn lâm tìm cách "xoay xở" với scandal này và tiến hành các cải cách.
Một số trong 18 thành viên, được bổ nhiệm suốt đời, đã từ chối tham gia công việc của Viện Hàn lâm, gồm cả nữ thư ký thường trực đầu tiên Sara Danius đã cắt đứt mọi liên hệ với ông Arnault.
Bị "tê liệt" và chế nhạo trên toàn thế giới, bê bối này đã buộc Viện Hàn lâm phải tuyên bố trì hoãn trao giải Nobel Văn học năm 2018, "sự cố" đầu tiên trong 70 năm qua.
"Tôi nhìn thấy có những điểm yếu trong tổ chức này nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng điều như vậy có thể xảy ra" - Lars Heikensten, Giám đốc Quỹ Nobel, đơn vị tài trợ giải, nói với AFP.
Trong bối cảnh đầy lộn xộn và không có giải Nobel Văn học để ngóng chờ trong năm nay, hơn 100 nhân vật văn hóa Thụy Điển quyết định lập ra giải riêng trong thời gian chờ giải Nobel "tái xuất".
Giải "Nobel Văn học mới" được sáng lập coi như một sự phản đối về "tính thiên vị, sự ngạo mạn và thành kiến" và "nhắc nhở mọi người rằng văn học và văn hóa nói chung nên thúc đẩy tính dân chủ, minh bạch, đồng cảm và tôn trọng, không có đặc quyền" – theo nhóm người sáng lập giải "Nobel mới" gồm một số nhà văn, nghệ sĩ và nhà báo.
"Thụy Điển là một trong những đất nước dân chủ, minh bạch và bình đẳng giới nhất thế giới... đất nước này cần có một giải văn học lớn" - Alexandra Pascalidou, một trong những người sáng lập giải "Nobel Văn học mới", tuyên bố.
Giải "Nobel Văn học mới" sẽ được công bố vào ngày 12/10.
Hiện tại,Viện Hàn lâm Thụy Điển, "vòng tròn" khép kín với những cân nhắc lựa chọn giải thưởng được giữ kín trong 50 năm, đang bị nhìn nhận là "mất liên lạc" với hiện thực.
"Các thành viên vĩnh viễn và đang già hóa của Viện Hàn lâm cũng tạo nên một tình thế khó khăn khi có nhiều thành viên vẫn còn hoạt động ở độ tuổi mà họ không còn khả năng làm việc một cách chuyên nghiệp nữa. Thêm nữa, công chúng đã mất niềm tin vào tổ chức này. Viện Hàn lâm cần phải cải cách, cụ thể là phải minh bạch hơn và nghiêm ngặt hơn trong các quy định về lợi ích" - Madelaine Levy, nhà phê bình văn học thuộc tờ nhật báo Svenska Dagbladet, nói với AFP.
Giải Nobel Hòa bình thuộc về ai?
Năm nay không có giải Nobel Văn học, nhiều người lại càng "hóng trông" xem giải Nobel Hòa bình sẽ thuộc về ai khi giải thưởng này sẽ được công bố vào ngày 5/10.
Như thường lệ, nhiều tên tuổi có tiềm năng chiến thắng đang được "gọi tên". Nhưng đây luôn được xem là một trò chơi phán đoán với nhiều khó khăn khi danh tính của các ứng cử viên, năm nay là 329 người, luôn được giữ kín.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được đề cập đến với những nỗ lực mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Dan Smith, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) lại cho rằng tôn vinh ông Trump là "không phù hợp" do ông đã rút Mỹ ra khỏi các hiệp định quốc tế về khí hậu và chương trình hạt nhân của Iran.
Nhiều người đang nhắc tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, khi ông đã xúc tiến nhiều nỗ lực hàn gắn với Triều Tiên?
Nhiều tên tuổi khác cũng đang được bàn đến như bác sĩ phẫu thuật Denis Mukwege, và nhà hoạt động Yazidi Nadia Murad, cả hai đều tham gia chiến dịch chống lại nạn bạo lực tình dục, cũng như các chương trình Chương trình Lương thực Thế giới, Cao ủy Người tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR)...
Mùa giải Nobel năm nay được bắt đầu với việc trao giải Nobel Y học vào ngày 1/10. Sau đó, lễ trao giải Nobel 2018 sẽ được tổ chức trang trọng ở Nhà hát lớn ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 10/12 để tưởng nhớ ngày mất của Alfred Nobel, nhà khoa học Thụy Điển đã nhà sáng lập giải thưởng này. |
Việt Lâm (tổng hợp)