Giải Nhất điêu khắc TP.HCM ‘đạo’ ý tưởng nước ngoài?
(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm 'Cuộn' đoạt giải Nhất Điêu khắc TP.HCM 5 năm một lần nhưng bị cho là "đạo" ý tưởng nước ngoài. Đâu là sự thật?
Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đưa tin về triển lãm Điêu khắc TP.HCM 5 năm một lần đang diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh, trong đó tác phẩm “Cuộn” của tác giả trẻ Phạm Đình Tiến đoạt giải Nhất. Hội đồng nghệ thuật chấm giải triển lãm này gồm những nhà điêu khắc và họa sĩ uy tín: Phan Gia Hương, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Trung Tín, Huỳnh Văn Mười, Nguyễn Xuân Tiên, Hoàng Tường Minh, Nguyễn Hoàng Ánh.
Tư tưởng lớn gặp nhau?
Thế nhưng mới đây, nhiều người trong giới mỹ thuật cho rằng, “Cuộn” đã “đạo” ý tưởng từ một tác phẩm nước ngoài. Cụ thể, họa sĩ Hồ Minh Quân viết trên trang cá nhân của anh: “Điêu khắc nước ngoài và điêu khắc TP.HCM. Những tư tưởng lớn gặp nhau. Tác phẩm bên trái của nhà điêu khắc Philippe Morel, bên phải là tác phẩm đạt giải Nhất điêu khắc 5 năm TP.HCM và kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Mỹ thuật TP.HCM”.
Tác phẩm "Cuộn" - giải Nhất 5 năm một lần của Điêu khắc TP.HCM
Họa sĩ Hồ Minh Quân đưa ra hai bức hình chụp tác phẩm của Philippe Morel và “Cuộn” của Phạm Đình Tiến để người xem tự so sánh. Họa sĩ Hồ Minh Quân không bình luận gì thêm về chuyên môn điêu khắc để người xem có thể hiểu hơn thế nào là “những tư tưởng lớn gặp nhau”.
"Cuộn" được cho là "đạo" tác phẩm của Philippe Morel qua góc hình chụp này
Thể thao & Văn hóa đã liên lạc với nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật triển lãm Điêu khắc này. Anh Bùi Hải Sơn xin được trả lời trên tư cách cá nhân, chứ không phải ý kiến chính thức của Hội đồng nghệ thuật, như sau:
“Đối với dạng bố cục tròn hay hình cầu, nhìn tổng quát 2 tượng có nét tương đồng theo góc ảnh chụp. Tuy nhiên, đối với một tác phẩm điêu khắc, cần tham khảo đầy đủ các góc độ để có thể đánh giá khách quan. Sự tương đồng về bố cục không là cơ sở duy nhất để khẳng định có sự sao chép về mặt ý tưởng của tác giả. Cần tìm hiểu rõ năng lực và quá trình sáng tác của tác giả để có sự đánh giá công bằng, không nên vội vã đoán xét khi chỉ dựa trên những thông tin hình ảnh”.
Tác giả “Cuộn”: Tôi không chấp nhận việc sao chép!
Còn tác giả Phạm Đình Tiến, thì cho rằng: “Nhìn sơ qua hai tác phẩm na ná giống nhau về phần hình và posing, tôi nghĩ đấy là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì khối cầu cũng thường được sử dụng trong điêu khắc. Tôi hoàn toàn không có sự sao chép hay tham khảo nào, vì tôi cũng mới chỉ nhìn thấy tác phẩm này của Philippe Morel. Về khả năng bản thân thì tôi tự tin không cần hình mẫu tham khảo nào cũng có thể làm tốt việc này. Chủ quan về tính cách, tôi không thể chấp nhận sao chép một tác phẩm người khác”.
Tác giả trẻ Phạm Đình Tiến đang làm phác thảo "Cuộn"
Nói sâu về chuyên môn, Phạm Đình Tiến, cho biết: “Về mặt khối cũng như ý tứ tác phẩm, tôi nghĩ là hoàn toàn khác nhau. Khối cuộn thể hiện sự căng thẳng bế tắc, còn tác phẩm của Philippe Morel mềm mại uyển chuyển. Về quá trình tôi làm tác phẩm thì có từ phác thảo nhỏ rồi mới làm lớn, nếu là sao chép tôi có thể phóng lớn ngay mà không cần phác thảo”.
Và sau đó phóng lớn tác phẩm
Phạm Đình Tiến nói về quá trình hình thành: “‘Cuộn’ không phải ra đời trong ngày một ngày hai, mà là một phần trong chuỗi tác phẩm có từ trước đó, có sự thống nhất về phong cách và liền lạc về ý tưởng trong chuỗi tác phẩm trước và sau đó. Ý tưởng hình thành tác phẩm nằm trong chuỗi các tác phẩm thể hiện cảm xúc của bản thân trong sự vận động, hợp rồi tan, nén lại và tan chảy. Tác phẩm ‘Cuộn’ lần này là một lát cắt trong chuỗi tư duy đó”.
“Giải thưởng không phải mục đích”
Phạm Đình Tiến chia sẻ thêm: “Ý tưởng về hình dáng một thân thể đang cuộn mình lại bắt nguồn từ con tê tê hay cuộn mình lại để chống lại sự xâm phạm từ bên ngoài. Có lẽ trong chúng ta không ít lần đã từng cuộn mình lại để phòng thủ, tránh né hay để tìm lại chính mình. ‘Cuộn’ cũng như một trạng thái thu mình lai tích trữ năng lượng cho một sự biến đổi sau đó”.
"Cuộn" ở một góc hình khác
“Về ngôn ngữ liên tưởng, nhìn xa tác phẩm như một khối cầu liên tưởng đến hình dạng của trái đất nhưng chi tiết cho ta thấy trong đó là một thân thể có sức sống và đang cố chịu đựng để chống lại sự xâm hại từ những con người trên hành tin này”.
“Ngôn ngữ chất hướng tới là đồng, vì độ bắt sáng của đồng mang đến cảm giác tích trữ năng lượng rất phù hợp cho hình khối này. Tôi cũng đã thử qua màu bạc nhưng không hiệu quả”.
Và một góc hình khác nữa
“Còn về chuyện giải thưởng, tôi chưa bao giờ cho rằng nó là mục đích cho đam mê nghệ thuật của mình. Nhưng tôi rất vui và tự hào vì được Hội đồng nghệ thuật dựa trên những tiêu chí rõ ràng cụ thể, quan sát rất kỹ và đọc được tôi không chỉ tác phẩm này mà cả quá trình làm việc trong nhiều năm. Nhưng có vài người cho rằng tôi đạo nhái tác phẩm để lãnh tiền giải thưởng - những lời nhận xét dễ thương đến… đau lòng. Không ai dại gì làm chuyện này vì đấy là một chuyến đi buôn lỗ vốn nhất.
Hoàng Nhân