Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17 - 2024 - KTS Hoàng Đạo Kính với Hà Nội (kỳ 1): Sứ mệnh một "hiệp sĩ của những di tích kiến trúc"
Hiếm có một kiến trúc sư nào dành cả đời chuyên tâm với công việc bảo tồn di tích và di sản văn hóa như GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, người đã ghi dấu trí tuệ của mình ở nhiều công trình văn hóa kiến trúc trên cả nước gần 50 năm qua. Cũng vì lẽ đó, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là "hiệp sĩ của những di tích kiến trúc".
Ở bề rộng, sự nghiệp của KTS Hoàng Đạo Kính trải dài từ Bắc vào Nam với việc bảo tồn, tu bổ nhiều hệ thống di tích tại Hà Nội, Huế, Hội An… Ở bề sâu, ông gắn bó với nơi "chôn nhau cắt rốn" bằng một tình yêu sâu nặng dành cho những di tích, di sản là biểu tượng của thành phố ngàn năm tuổi.
Từ những bước đi đầu tiên…
Nhưông bộc bạch, "gần 1/2 thế kỷ qua, tôi làm bảo tồn các di tích và di sản văn hóa ở khá nhiều nơi, trước tiên là Hà Nội, sau đó đến Huế, Hội An, tháp Chăm, rồi hàng trăm di tích khác trong cả nước. Nhưng, tôi gắn bó nhiều hơn cả vẫn là Hà Nội, gắn bó cả trong công việc chuyên môn lẫn trong suy nghĩ về thành phố này. Song cũng nghiêm túc mà nói, những việc mà tôi đã làm được cho Hà Nội ở khía cạnh trực quan có lẽ chưa nhiều, bởi không phải lúc nào cũng có thời cơ. Dẫu sao tôi cũng đã dành nhiều công sức, thời gian để lo toan cho những di tích của Hà Nội, được bao nhiêu tôi cũng lấy làm toại nguyện".
Khiêm tốn vậy, song nếu làm một phép liệt kê, dễ thấy sự nghiệp gắn bó với Hà Nội của KTS Hoàng Đạo Kính là cả một thành tựu đáng nể. Tiêu biểu, đó là những đóng góp của ông trong vai trò chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội…
Cụ thể, đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu ở thời điểm ông còn rất trẻ (cuối những năm 1970). Đây cũng là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ. Theo KTS, đình Tây Đằng là công trình kiến trúc gỗ cổ xưa nhất trong số những di tích đã được phát hiện, xây dựng vào khoảng thế kỷ 15 - 16.
"Trùng tu ngôi đình đặt ra nhiều vấn đề cho chúng tôi ở thời điểm cuối những năm 1970, khi hoàn cảnh kinh tế đặc biệt eo hẹp và chúng ta hầu như chưa hình thành những quan điểm bài bản về trùng tu di tích kiến trúc gỗ" - ông kể - "Bằng cách nào có thể cứu vãn một công trình kiến trúc gỗ, mà các thành phần cấu tạo của nó sau 5, 6 thế kỷ tồn tại đã mục nát? Nếu thay đổi bằng gỗ mới, công trình có thể chắc, bền nhưng làm như thế, chúng ta sẽ đụng chạm vào các tế bào lịch sử".
Như lời GS Kính, ông đã phải trải qua một quá trình tranh luận và thuyết phục để đi đến quan điểm chung mang tính nguyên tắc. Đó là: Tu sửa chủ yếu để đảm bảo cho di tích tồn tại lâu dài, không đặt ra vấn đề đưa kiến trúc hiện hữu về một giai đoạn lịch sử ước định, duy trì tối đa hiện trạng kiến trúc và trang trí của di tích. Ở đây, "bảo tồn, trùng tu di tích phải làm cho di tích khỏe lên, vững chãi lên, sống lâu hơn nhưng không trẻ lên, không làm thay đổi đặc trưng kiến trúc" - ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở quan điểm này, một loạt giải pháp kỹ thuật được đưa ra đối với việc trùng tu đình Tây Đằng. Đó là: Hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống "chắp - vá - nối" để giữ lại nó; cấu kiện nào không thể giữ lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc…
"Nhờ quan điểm và các thủ pháp kỹ thuật này mà lần đầu tiên một kiến trúc gỗ được cứu vãn và trùng tu trên cơ sở vận dụng các đòi hỏi của bộ môn trùng tu khoa học, kết hợp với kỹ thuật bảo trì dân gian" - GS Kính khẳng định - "Đến nay, có thể nói việc trùng tu đình Tây Đằng cuối những năm 1970 ở Hà Nội và ở Việt Nam đã hình thành những quan điểm và những bài bản trùng tu của các di tích kiến trúc gỗ. Có chuyên gia quốc tế gọi đó là "trường phái Việt Nam".
"Trước xu hướng nhiều nơi muốn khỏe hóa, trẻ hóa, thậm chí sang hóa di tích bằng việc thay mới, xây mới làm mất đi những chứng tích của thời gian, để bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc phải ứng xử khiêm tốn tối đa" - ông nhấn mạnh.
"Bảo tồn, trùng tu di tích phải làm cho di tích khỏe lên, vững chãi lên, sống lâu hơn nhưng không trẻ lên, không làm thay đổi đặc trưng kiến trúc" - KTS Hoàng Đạo Kính.
Đến dấu ấn ở những di tích biểu tượng
Cùng với đình Tây Đằng, trong những đóng góp nổi bật của KTS Hoàng Đạo Kính với Hà Nội, chúng ta phải kể đến vai trò "tổng công trình sư" của ông trong công cuộc trùng tu 2 di tích mang tính biểu tượng: Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà hát Lớn Hà Nội.
Với việc bảo tồn và trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đóng góp quan trọng của KTS Hoàng Đạo Kính gắn với việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ.
Những năm 1990, có nhiều phương án được đưa ra để bảo quản các tấm bia vô giá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khỏi những tác động của môi trường, thời tiết. Đó là, phương án tạo mái che hiện đại bằng cấu kiện hợp kim và các tấm kính hoặc phương án dùng hóa chất để bảo quản mặt bia. Đây đều là các phương án được phản biện chưa phù hợp, cũng như chưa có kiểm nghiệm trong thực tế.
Thế rồi, "chúng tôi đưa ra phương án: Tạo các mái che, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền, vừa không tương phản và vừa không mạo hiểm, lại dễ thực hiện. Để tránh tạo ra những nhà che bia có kích thước lớn, thách thức Khuê Văn Các và không gian sân thứ 3, chúng tôi chia thành 2 dãy, 8 nhà che bia, ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám" - KTS Kính nhớ lại.
Và rồi, Nhà che bia Tiến sĩ đã thực sự trở thành một bổ sung quan trọng, tương thích với diện mạo lịch sử nhiều thế kỷ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mà không phải ai cũng biết công trình này mới có tuổi đời hơn 30 năm.
Còn với vai trò chủ trì dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính cũng đặt vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản của mình: Trong bảo tồn di tích quan trọng nhất là giữ gìn tính nguyên gốc. Tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.
"Chúng tôi chủ trương giữ lại tối đa những dấu ấn thuộc về quá khứ, từ cách lợp mái bằng ngói Ardoise đến việc lắp các thiết bị hiện đại. Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay, trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình này" - ông kể - "Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một công trình tỏa sáng phục vụ tốt những nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó từ bên ngoài tới bên trong".
Kể ra như vậy để thấy, hầu hết những công trình trùng tu di tích của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính đã gửi trọn tâm huyết cả đời như một minh chứng điển hình và xác đáng để trở thành những hình mẫu về phương pháp tiếp cận, quan điểm khoa học đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Để rồi, những đóng góp của KTS Hoàng Đạo Kính trong các công trình trùng tu như đình Tây Đằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay Nhà hát Lớn Hà Nội,… và nhiều di tích, di sản khác đã trở thành những bước đi có tính chất khai mở, vạch lối để ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam có thể vận dụng vào các trường hợp tương tự một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Như thế, KTS Hoàng Đạo Kính đã định vị sáng rõ sứ mệnh là một "hiệp sĩ của những di tích kiến trúc" trong cả sự nghiệp, ngay từ những bước đi đầu tiên cho đến nay. Và, tên tuổi của ông xác lập một "định danh" sừng sững trong giới bảo tồn di tích và di sản văn hóa.
Đặt nền móng cho quan điểm trùng tu hiện đại
Từ sự khởi đầu ở đình Tây Đằng, các quan điểm trùng tu khoa học, hiện đại được hình thành - mà KTS Hoàng Đạo Kính có những đóng góp quan trọng - và đã được nhân rộng thành phương pháp tiếp cận phổ biến đối với nhiều công trình tu bổ sau này ở nhiều nơi trong cả nước như Hà Nội, Huế, Hội An…
(Còn nữa)