'Giấc mơ lớn' cho Hà Nội từ con sông lịch sử
(Thethaovanhoa.vn) - Giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm, xây dựng một hệ thống hạ tầng chống ngập khổng lồ gắn với đường cao tốc ngầm, biến toàn bộ không gian kéo dài 15km của sông thành một công viên văn hóa đặc biệt để phục vụ cộng đồng, đó là giấc mơ lớn cho cả Hà Nội thay vì riêng con sông Tô Lịch.
Ý tưởng này gắn liền với đề xuất Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Văn hóa - Lịch sử - Tâm linh, được Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch. Ý tưởng này đã được đề cử Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội.
“Giải quyết tận gốc”
Thực tế, những ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch đã được nhắc tới khá nhiều trong vài năm gần đây, khi con sông gắn liền với lịch sử hình thành Hà Nội hơn 10 thế kỷ luôn ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Gần nhất, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cũng đã được thành phố Hà Nội triển khai với nguồn vốn hơn 16 ngàn tỷ đồng. Theo đó, hệ thống gồm các cống bao này sẽ thu gom toàn bộ nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch, giúp cải thiện ô nhiễm của dòng sông.
Tuy nhiên, để có thể làm “sống lại” sông Tô Lịch đúng nghĩa, rõ ràng dự án này là chưa đủ để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão và cuối cùng, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh cho xứng đáng với vị trí của sông.
Cũng cần nhắc lại, về bản chất, Tô Lịch vẫn là “dòng sông hở” và có vai trò thoát nước chính cho Hà Nội như các trường hợp sông Nhuệ hay sông Hồng. Vào mùa mưa với cường độ lớn, mực nước của các dòng sông này dâng cao, dẫn đến lượng nước tại sông Tô Lịch không tiêu thoát được ra sông Nhuệ nên phải dẫn nước về trạm bơm Yên Sở rồi bơm cưỡng bức xả ra sông Hồng. Một lượng lớn nước chưa kịp tiêu thoát sẽ ùn ứ, tràn ngược lên trên quá các hố ga thoát nước và hình thành các điểm ngập úng cục bộ ở 2 bên sông và xa hơn là toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch, (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích là 77,5km2).
Ở một góc độ khác, các trục đường dọc sông Tô Lịch như Láng, Bưởi, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Khang... hiện nay vẫn luôn xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Trong đó, việc các luồng xe phải dừng chờ tại các điểm giao ngã tư hay nút giao thông lớn theo đèn tín hiệu là một trong những do dẫn tới tình cảnh tê liệt giao thông tại đây vào các giờ cao điểm hay những ngày mưa lớn.
Và, đề xuất của công ty JVE chọn cách tiếp cận tổng thể và táo bạo, khi đặt ra việc giải quyết toàn bộ những vấn đề này bằng các giải pháp đồng bộ của mình.
“Đường hầm” chống ngập khổng lồ kết hợp cao tốc
Điểm nhấn quan trọng trong đề xuất của JVE là việc xây dựng một hệ thống hầm ngầm chống ngập khổng lồ ở khu vực cạnh sông Tô Lịch, bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước, bể điều áp khổng lồ. Theo đó, vào mùa mưa, hệ thống này có vai trò tiêu thoát, tích trữ nước, đồng thời bơm xả nước ra sông Nhuệ khi mưa bão qua đi (mực nước sông Nhuệ xuống thấp).
Ở phía trên hệ thống hầm chống ngập này, một hệ thống cao tốc ngầm 2 tầng (dành cho 2 chiều riêng biệt) cũng sẽ được xây dựng và có kết nối với các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Khi sử dụng hệ thống cao tốc này, các xe ô tô không có nhu cầu dừng quá nhiều tại các nút giao thông để rẽ phải, rẽ trái có thể nhanh chóng đi xuyên qua các ngã tư tới điểm muốn đến và lưu thông thuận lợi trên quãng đường từ cửa ngõ cầu Nhật Tân đến đường vành đai 3 trên cao.
Theo kế hoạch, các hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ đường kính gần 17 mét, chạy dài khoảng 12 km dọc sông Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Đặc biệt, để không ảnh hưởng tới dòng chảy hiện có, cũng như không phạm vào khu vực lòng sông, hệ thống đường ngầm đặc biệt này sẽ được đặt ngầm ở phía dưới các trục đường nhựa hiện có bên cạnh sông Tô Lịch.
Như chia sẻ, đề án chống ngập của JVE Group có sự tham vấn về mặt chuyên môn từ phía Nhật Bản. Trên thực tế, tại Thủ đô Tokyo tại quốc gia này, một hệ thống hầm ngầm cũng đang hoạt động rất hiệu quả và ước tính tiết kiệm khoảng 360 triệu USD/năm so với tình trạng bị thiệt hại do úng ngập gây trước đây.
Đáng nói, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group, hệ thống hầm ngầm chống ngập tại Tokyo chỉ vận hành vào mùa mưa và không kết hợp với cao tốc ngầm. Tại Kuala Lumpur (Malaysia), một dự án tương tự cũng trên đường triển khai, tuy nhiên tùy cường độ của mưa bão mà một phần hay toàn bộ hầm ngầm cao tốc sẽ không sử dụng được khi chuyển sang trạng thái chỉ phục vụ chống ngập. Trong khi đó, hệ thống được đề xuất tại sông Tô Lịch vận hành tách biệt và có thể khai thác quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao.
“Công viên đặc biệt” cho toàn Hà Nội
Và, khi giải quyết được các vấn đề về úng ngập, ách tắc giao thông, trục sông Tô Lịch sẽ được cải tạo để trở thành một không gian văn hóa - du lịch đặc thù, giống như con sông Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nhưng lại mang đậm bản sắc văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Không ảnh hưởng tới quỹ đất 2 bên sông, không gian này được khai thác dựa trên việc kè thẳng đứng sông Tô Lịch và làm đường dạo bên dưới. Theo đó, lòng sông để tự nhiên và áp dụng Công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc mùi hôi, cũng như phân hủy tầng bùn đáy. Dọc theo làn nước đã được xử lý của sông là hàng cây, vỉa hè đi bộ, thảm thực vật... tạo thành không gian công cộng phục vụ người dân Thủ đô.
- Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021: Tình yêu lớn trong 'mùa Covid'
- Công bố đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021
- Khởi động giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14-2021
Cũng theo đề án, một hệ thống các bức phù điêu sẽ được đặt dọc sông, tương ứng với 18 triều đại trong lịch sử Việt Nam. Nội dung của những bức phù điêu sẽ được chọn lọc tạo ra một “câu chuyện theo trục thời gian” đầy đủ của lịch sử cho từng triều đại/thời đại, trong đó có thể là những thông tin về thân thế của vị vua sáng lập nên triều đại, các trận đánh nổi tiếng, các chính sách được ban hành, các nội dung liên quan tới di sản, văn hóa, lịch sử, tâm linh. Ngoài phần phù điêu, các hệ thống tượng đài, văn bia, hoặc công trình mô phỏng các kiến trúc - mỹ thuật nổi tiếng trong lịch sử cũng sẽ được bố trí dọc đường đi bộ hoặc giữa sông Tô Lịch.
Tương tự, cũng tùy theo từng đoạn của sông Tô Lịch, các dịch vụ du lịch như đi thuyền rồng trên sông, bán hàng lưu niệm, tổ chức lễ hội, tái hiện các không gian văn hóa Việt Nam hay biểu diễn văn hóa truyền thống... cũng sẽ được nghiên cứu để thiết lập và tổ chức theo từng giai đoạn, với sự tham vấn từ giới chuyên môn.
Như thế, nếu được triển khai, sông Tô Lịch không chỉ được hồi sinh về cảnh quan, mà còn trở thành một chuỗi không gian văn hóa - lịch sử - tâm linh tiêu biểu nhất của toàn Hà Nội, giống như vai trò đặc biệt của nó trong quá khứ. Giấc mơ ấy tuy có thể chưa thành hiện thực trong một sớm một chiều, nhưng rõ ràng đã khiến chúng ta tự tin, hào hứng và vững tâm hơn rất nhiều so với cảnh bị “bỏ quên” của sông Tô trong hàng chục năm qua.
ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI 1. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. 2. Ý tưởng xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh. 3. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo. 4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội. |
Trí Uẩn
Diễn ra từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 28/02/2022, Bia Hà Nội tổ chức đồng thời hai chương trình khuyến mại chào đón Tết 2022 áp dụng đối với sản phẩm Bia Hà Nội Vàng và Bia Hà Nội Xanh. Cụ thể, khi tham gia Chương trình khuyến mại “Bật nắp ngay trúng triệu lộc vàng” áp dụng cho sản phẩm Bia Hà Nội Vàng trong thời gian từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 28/02/2021, Khách Hàng sẽ có cơ hội trúng hàng triệu giải thưởng có giá trị hấp dẫn bao gồm: 02 Giải Đặc Biệt mỗi giải 10 cây vàng SJC 9999; 06 Giải Nhất mỗi giải 01 cây vàng SJC 9999; 80 Giải Nhì mỗi giải 01 chỉ vàng SJC 9999; và hàng triệu Giải Ba, Giải Tư với mã nạp tiền điện thoại lần lượt là 50.000 VNĐ và 20.000 VNĐ. Cơ hội trúng thưởng ẩn chứa trong thẻ cào nằm trong mỗi thùng Bia Hà Nội Vàng phiên bản Tết. Khách Hàng tìm mã số dự thưởng dưới lớp phủ bạc trên thẻ cào, nhắn tin mã dự thưởng theo cú pháp đến tổng đài 8079 sẽ có cơ hội trở thành chủ nhân của những giải thưởng cực lớn nêu trên. Chi tiết thể lệ tham gia chương trình khuyến mại dành cho Bia Hà Nội Vàng tại đây: https://bit.ly/CTKM_TET2022_BHN |