Giá vàng thế giới đi xuống do những bất ổn của ngành ngân hàng Mỹ
Giá vàng thế giới giảm trong phiên 26/4 trong bối cảnh lợi suất phục hồi cùng với sự chú ý của nhà đầu tư quay trở về các số liệu kinh tế sắp tới, sau khi kim loại quý này có lúc vượt mốc 2.000 USD/ounce nhờ những lo ngại mới liên quan đến ngành ngân hàng bất ổn của Mỹ.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.985,80 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao 2.009,32 USD/ounce trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.996,20 USD/ounce.
Cổ phiếu của ngân hàng First Republic đã chạm mức thấp kỷ lục sau một báo cáo cho thấy Chính phủ Mỹ không sẵn lòng can thiệp vào quá trình giải cứu ngân hàng đang gặp rắc rối này. Nhà chiến lược hàng hóa Daniel Ghali thuộc công ty tài chính TD Securities cho rằng đó là "chất xúc tác" đẩy giá vàng đi lên.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phục hồi từ gần mức thấp của hai tuần, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Giá vàng giảm mặc dù đồng USD cũng giảm 0,4%.
Các nhà giao dịch hiện đang tập trung sự chú ý vào dữ liệu GDP hàng quý của Mỹ, công bố ngày 27/4, tiếp theo là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi vào ngày 28/4. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các thị trường đã đặt cược khoảng 75% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 2-3/5.
Vàng, vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn, đã tăng giá lên mức cao nhất trong hơn một năm là 2.048,71 USD/ounce hồi giữa tháng 4/2023 khi cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ diễn ra.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm khoảng 1% xuống 24,8 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim tăng 0,2% lên 1.088,50 USD/ounce và giá palladium tăng 1,9% lên 1.511,23 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 27/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,55 - 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).