Giá trị bền vững của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Câu ca đó không ai biết có tự bao giờ nhưng bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt và ngày mùng 10 tháng 3 trở thành ngày Quốc giỗ của cả dân tộc nhằm tri ân công đức của các Vua Hùng lập nên nhà nước Văn Lang, nền móng của dân tộc ta bây giờ và dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Việt ở vùng Đất Tổ - nơi có Đền Hùng linh thiêng và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong Ngài phù hộ cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức đồng loạt cùng ngày trên khắp mọi miền của đất nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi. Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn.
Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc trải qua trên bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước mà có được.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất độc đáo có ý nghĩa sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.
Trải qua gần 10 năm kể từ khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được vinh danh là di dản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã không ngừng phát huy giá trị của di sản, thực hành tín ngưỡng một cách bài bản, khoa học nhưng cũng đậm nét truyền thống nhằm khơi gợi tinh thần đoàn kết, yêu nước, yêu nòi giống, chung tay bảo vệ thành quả mà Tổ tiên, cha ông để lại.
Trên tinh thần tôn vinh di sản, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tổ chức phần nghi lễ trang nghiêm, trọng thể mang tính cộng đồng; gắn với các hoạt động hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, có sức lan tỏa rộng rãi, tạo ấn tượng sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vừa để các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế mà còn phát huy được giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con nhân dân.
Tại hội nghị của Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, đồng chí Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ đơn thuần như các hoạt động tâm linh khác mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc. Trở thành đặc trưng tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam, ăn sâu, bám rễ vào máu thịt, tâm thức của mỗi người mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng với truyền thuyết sinh ra từ một bọc trăm trứng nặng nghĩa “đồng bào”. Dù ở bất cứ phương trời nào, dù già hay trẻ, dù có tôn giáo hay không, nhưng đã là “con lạc cháu hồng” thì cứ mỗi dịp tháng 3 ai ai cũng hướng lòng mình về nơi cội nguồn dân tộc.
- Bắc bộ có mưa và dông diện rộng trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương
- Phân luồng giao thông phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019
- Lịch nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước trông coi, hương khói cho Tổ tiên, vì thế chúng ta phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình bằng việc chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách và hướng tới sứ mệnh quốc tế cao cả của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà UNESCO muốn truyền tải đó là: Thông qua Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam, các quốc gia hãy thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên của dân tộc mình.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn ngày càng lan tỏa và thu hút rất đông du khách quốc tế tham dự đã chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam và nền văn hóa này có đầy đủ khả năng hội nhập vào thế giới nói chung và vào nền văn hóa thế giới nói riêng.
Kim Chi