Gia tộc 'đỉnh' nhất Trung Quốc: Lật đổ tâm huyết của Tào Tháo để lập vương triều riêng, số đời Hoàng đế vượt qua cả nhà Thanh hùng mạnh
Ở Trung Quốc từng có rất nhiều quốc gia tồn tại, nhiều bậc đế vương mang họ hiếm trong lịch sử.
Nghiêu-Thuấn-Vũ được xem là ba vị đế vương đầu tiên của nền văn minh Hoa Hạ, họ Tư Mã thời Tây Tấn, họ Thác Bạt thời Nam Bắc triều, còn có họ Ái Tân Giác La thời Thanh…
Suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc, bạn biết được họ của bao nhiêu vị Hoàng đế? Họ Lý của nhà Đường, họ Triệu của Tống triều hay gia tộc của Chu Nguyên Chương thời nhà Minh?
Những họ lớn kể trên xuất hiện nhiều vị Hoàng đế, nắm giữ quyền lực tối cao cũng không phải chuyện lạ. Nhưng Trung Quốc có một họ thuộc danh sách những họ hiếm nhất, song gia tộc này lại xuất hiện rất nhiều Hoàng đế, còn có nhiều bậc vĩ nhân. Đó chính là Tư Mã thị.
Nguồn gốc của họ Tư Mã
Trong cuốn Thiên gia tính ghi chép, Trung Quốc lúc bấy giờ có gần 1.200 họ, trong đó có 55 gia tộc làm Hoàng đế.
Họ Tư Mã xuất hiện sớm nhất ở Tây Chu, cũng không phải tồn tại ngay từ đầu, mà là phát triển từ một chức quan. Nguồn gốc của họ Tư Mã có rất nhiều cách giải thích khác nhau:
Đầu tiên là một đại thần quản lý quân binh thời Tây Chu, và chức quan này được gọi là Tư Mã, sau gia tộc của vị quan này đã dùng Tư Mã làm họ.
Thứ hai, ban đầu Tư Mã bắt nguồn từ họ Trần hoặc họ Điền, sau đó vì người trong tộc làm chức quan Tư Mã, nên đã lấy chức này làm họ của mình.
Thứ ba, họ Tư Mã phát triển từ họ Cơ - được xem là khởi nguồn họ người của Trung Quốc, xuất hiện từ giai đoạn đầu tiên khi người Hoa Hạ bắt đầu có quan niệm về họ tên.
Thứ tư, họ Tư Mã có nguồn gốc từ nhánh họ Mị trong họ Mị Nguyệt. Đây là một họ cổ đại của Trung Quốc, là họ của quý tộc nước Sở thời Chu.
Thứ năm, thuở xưa có một người đàn ông tên là Vương Đạo đã thay đổi họ của gia tộc mình thành Tư Mã để thoát khỏi họa sát thân.
Cách giải thích thứ sáu nhận được nhiều sự đồng thuận nhất. Đó là ở thời kỳ Xuân Thu chiến quốc, vị quan giữ chức Đại Tư Mã của một quốc gia, đã thay đổi họ của gia tộc bằng tên chức quan đang giữ vì rất tự hào với những cống hiến cho đất nước.
Hoàng đế họ Tư Mã
Trên thực tế, lịch sử thống trị đất nước mà gia tộc Tư Mã từng được ghi chép chính là quốc gia được thành lập sau khi Tào Tháo thời Tam quốc qua đời.
Gia tộc Tư Mã chiếm lấy quyền lực của Ngụy quốc. Tuy rằng Tư Mã thị sau đó leo lên ngôi vị Hoàng đế, trở thành quý tộc Hoàng thất chân chính, song thời gian cai trị của họ không quá vinh quang để trở thành một phần nổi bật trong lịch sử Trung Quốc.
Thời Tam quốc xuất hiện rất nhiều nhân vật anh hùng. Nhưng người lợi hại đến đâu cũng không thể địch lại “sinh lão bệnh tử”.
Sau khi cục diện Tam quốc đỉnh lập (Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô) hình thành, nhân tài các quốc gia cũng lần lượt qua đời, không còn những nhân vật đại tài có thể xoay chuyển càn khôn như Gia Cát Lượng, Tôn Quyền xuất hiện. Ngược lại, thế lực có thể khống chế được cục diện đều là những gia tộc lớn, trong đó có Tư Mã thị.
Tào Phi (con trai của Tào Tháo) lên ngôi chấp chính Ngụy quốc được xem là vị Hoàng đế khá tài giỏi trong Tam quốc lúc bấy giờ. Nhưng khi Tào Phi qua đời, sự bất trung của Tư Mã Ý bắt đầu lộ ra. Tư Mã Ý đi theo Tào Tháo ngay từ đầu nên gia tộc Tư Mã sở hữu quyền lực tối cao trong triều đình nhà Ngụy. Sau khi Tào Phi qua đời, Tư Mã Ý bắt đầu thực hiện kế hoạch đã ấp ủ bấy lâu, lật đổ chính quyền sở tại để mình hoặc hậu nhân trong gia tộc nắm giữ thiên hạ.
Điều này đã trở thành hiện thực khi đến thời Tư Mã Chiêu. Lúc bấy giờ, Tư Mã Chiêu ép Hoàng đế thoái vị, nhường ngôi cho mình, thành lập nên triều Tây Tấn.
Nhưng Tây Tấn tồn tại không dài, tổng cộng hơn 100 năm. Hoàng đế Tây Tấn đều đoản mệnh, hơn nữa anh em trong tộc Tư Mã còn thường xuyên tàn sát, hãm hại lẫn nhau. Chỉ tồn tại trong hơn 100 năm nhưng Tây Tấn có đến 15 Hoàng đế họ Tư Mã. Có người tại vị tương đối dài, có một số Hoàng đế lên ngôi chỉ có vài ngày.
Gia tộc Tư Mã có nhân khẩu chưa tới 30 nghìn người, lại xuất hiện 15 vị Hoàng đế. Trong khi đó, nhà Thanh hùng mạnh tồn tại đến 276 năm mà chỉ có 12 đời Hoàng đế.
Điều khiến người ta ngạc nhiên là ngoài xuất hiện nhiều Hoàng đế, Tư Mã thị còn là dòng dõi sinh ra vô số người tài. Trong đó tiêu biểu nhất là Tư Mã Quang - nhà sử học, văn học, chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Tuy rằng Tư Mã Quang chưa từng làm Hoàng đế, nhưng ông còn nổi danh hơn của những vị Hoàng đế Tây Tấn.
Có thể nói, từ vương triều cổ đại Trung Quốc cho đến hiện tại, mỗi chức quan trong triều đình đều xuất hiện người của gia tộc Tư Mã. Nói Tư Mã thị là họ người “đỉnh” nhất Trung Quốc cũng không ngoa!
Nguồn: Sina