Một giả thuyết mới mà Liu Jiusheng đưa ra về đội quân đất nung tại khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng chính là các bầy tôi trung thành chứ không phải là các chiến binh như mọi người nghĩ.
(TT&VH) - Liu Jiusheng, phó giáo sư ở khoa Lịch sử của Đại học Thiểm Tây (Trung Quốc), vừa đưa ra quan điểm rằng đội quân đất nung tại khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng là sự mô phỏng các bầy tôi trung thành và cận vệ chứ không phải là những chiến binh như mọi người vẫn nghĩ.
Trước đây, người ta tin rằng đội quân đất nung 2.200 năm tuổi được chôn xung quanh lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho thấy vị hoàng đế đầu tiên của đời Tần (221-207 trước Công nguyên) muốn có các chiến binh phò trợ mình ở thế giới bên kia. “Sẽ là trái với truyền thống và những hệ thống giá trị của Trung Hoa khi chôn các chiến binh đất nung trong lăng mộ. Trung Quốc duy trì truyền thống yên bình ở cõi âm. Những nhân vật đất nung này có lẽ là các vị quan trong triều đình và cận vệ của Tần Thủy Hoàng. Những người có địa vị thấp hay binh lính bình thường không được tới gần Hoàng đế, thậm chí là lăng mộ của ông”, Liu khẳng định.
Theo giáo sư lịch sử Duan Qingbo ở Đại học Tây Bắc tại Tây An, quan điểm của Liu chưa được ủng hộ rộng rãi nhưng đã đưa ra một góc nhìn mới cho việc nghiên cứu đội quân đất nung nói trên. “35 năm sau khi phát hiện ra đội quân đất nung, chúng ta vẫn tiếp tục khai phá được nhiều khía cạnh và cách nhìn mới”.
Đội quân đất nung được những người nông dân ở huyện Linton, gần Tây An, tình cờ phát hiện vào năm 1974 khi đang đào giếng. Cho đến nay người ta đã tìm được hơn 1.000 tượng đất nung to như người thật ở đây. Quần thể tượng này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ tháng 12/1987, biến Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Đông Bắc Trung Quốc, thành một điểm thu hút khách du lịch.
Bảo Nguyên