Gia tăng tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử
Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (vape) trong thanh thiếu niên đang diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử đang cho thấy còn nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường do có thể tự phối trộn các nguyên liệu thậm chí cả ma túy.
Trẻ hóa độ tuổi hút thuốc lá điện tử
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng tại 11 tỉnh, thành phố trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi này tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt ở nhóm nữ giới từ 11-18 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%. Kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do việc người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca. Nhóm dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người; từ 19-24 là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người.
N.V.A (Hà Nội) mới 17 tuổi nhưng đã có "kinh nghiệm" 2 năm hút thuốc lá điện tử. V.A cho biết: "Em được bạn cho thử hút và thấy hay ho nên hút từ lúc đó đến giờ. Mùi nó thơm chứ không hôi như thuốc lá thông thường, hôm nào mà không có là thấy bứt rứt trong người. Loại này dễ mua trên mạng, đa dạng lại nhiều sự lựa chọn.
Cách đây ít ngày, Trung tâm chống độc viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân 19 tuổi bất tỉnh sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Bệnh nhân được nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch đến tính mạng. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân do người nhà đưa đến, bác sĩ đã phát hiện chất ADB-Butinaca một loại ma túy thế hệ mới. Bệnh nhân đã điều trị được hơn một tuần nhưng vẫn ở trong tình trạng nguy kịch. Đáng lưu ý kết quả kiểm tra phổi cho thấy bệnh nhân hút thuốc từ lâu nhưng người nhà lại nói rằng con mới hút được mấy tháng.
Thuốc lá điện tử đã được chứng minh là gây nghiện không kém gì thuốc lá thông thường. Điều làm cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường là có thể sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, kết quả 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm. Tuy nhiên những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Đề cập đến tác hại của thuốc lá mới với giới trẻ, theo Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, những sản phẩm này khiến những người trẻ tuổi làm quen với nicotine và khiến họ bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đã có nhiều quốc gia cấm sử dụng thuốc lá điện tử
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự, còn ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.
Số liệu của WHO và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Hoa Kỳ) cho thấy, số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm này đang tăng lên. Đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm: Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Venezuela.
Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei).
Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho rằng trong khi chờ Quốc hội ban hành, bổ sung Luật về phòng, chống thuốc lá điện tử, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ rất quan trọng. Phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Tuyên truyền phổ biến cho người dân, thế hệ trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị cuốn vào tệ nạn xã hội, tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.
Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, để tạo dựng môi trường học đường không khói thuốc cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội cũng như sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý mua, bán thuốc lá, hạn chế thuốc lá trong đời sống xã hội.