Giá dầu lao dốc khi nỗi lo nguồn cung gián đoạn dịu bớt
Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên 11/10, khi những lo ngại về gián đoạn nguồn cung do xung đột ở Trung Đông giảm bớt sau cam kết giúp ổn định thị trường của Saudi Arabia.
Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,83 USD (tương đương 2,1%) xuống mức 85,82 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 2,48 USD (2,9%) xuống mức 83,49 USD/thùng.
Brent và WTI đã tăng hơn 3,50 USD/thùng vào thứ Hai do lo ngại về cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas có thể leo thang, từ đó làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.
Sang phiên ngày thứ Ba, giá dầu đã giảm nhẹ sau khi Saudi Arabia cho biết đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế để ngăn chặn sự leo thang, đồng thời tái khẳng định nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ. Xu hướng giảm đó kéo dài sang tới phiên này.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty tư vấn năng lượng PVM cho biết hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm giá khi những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung đột ngột và bất ngờ đã dịu bớt.
Phó Giám đốc điều hành Magid Shenouda của tập đoàn giao dịch hàng hóa hàng đầu thế giới Mercuria cho biết, giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng nếu tình hình ở Trung Đông leo thang hơn nữa.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng giao dịch OANDA nhận định điều đang ngày càng trở nên rõ ràng đối với các nhà đầu tư là con đường phục hồi tăng trưởng toàn cầu đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi tiêu dùng tại Mỹ đang yếu đi còn kinh tế Đức có thể sắp đối mặt một cuộc suy thoái sâu sắc hơn.
Tại Mỹ, giá sản xuất tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng Chín khi chi phí năng lượng và thực phẩm đều tăng cao, nhưng áp lực lạm phát cơ bản tại các nhà máy vẫn tiếp tục giảm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vẫn bày tỏ kỳ vọng nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ “hạ cánh mềm”, bất chấp những lo ngại mới do tình hình ở Israel mang lại.
Trong một báo cáo, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến lượng dầu dự trữ trên toàn cầu sẽ giảm 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023 do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện từ Saudi Arabia, cùng với việc giảm mục tiêu sản xuất giữa các nước Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+).