Giá dầu châu Á giảm do lo ngại tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại
Giá dầu châu Á giảm trong phiên sáng 2/5 do lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Tại thị trường châu Á, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,21 USD, tương đương 1,1%, xuống 105,93 USD/thùng trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 99 xu Mỹ, tương đương 1%, xuống 103,70 USD/thùng.
Các thị trường giao dịch hàng hóa lớn ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á ngày 2/5 đóng cửa nghỉ lễ.
Theo báo cáo ngày 30/4 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt mức 47,4 điểm trong tháng 4/2022, dưới mốc 50 điểm - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, với việc các nhà chức trách nước này cho rằng sự suy giảm trong hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đã sâu sắc hơn.
Tobin Gorey, nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng Commonwealth Bank (Australia), nhận xét rằng suy giảm trong hoạt động sản xuất, sau khi Trung Quốc đã chứng kiến thị trường bất động sản lao đao và lo ngại về các quy định thắt chặt hơn, có khả năng là một vấn đề lớn đối với thị trường hàng hóa và nền kinh tế thế giới.
Về phía nguồn cung, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) ngày 1/5 thông báo tạm thời nối lại hoạt động tại cảng Zueitina để giảm lượng dự trữ trong các bồn chứa nhằm ngăn chặn "thảm họa môi trường sắp xảy ra" tại cảng. NOC hồi cuối tháng Tư tuyên bố tình trạng tạm dừng bất khả kháng đối với một số chuyến hàng tại Zueitina khi một số cơ sở dầu khí phải tạm ngừng hoạt động.
- Giá dầu tiếp tục giảm, chứng khoán khởi sắc
- Tiến triển trong đàm phán Nga-Ukraine 'kéo' giá dầu thế giới đi xuống
- Giá dầu thế giới giảm gần 4 USD
Trong diễn biến mới nhất, các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này có kế hoạch áp đặt lệnh cấm đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm 2022.
Động thái này có thể đẩy giá dầu lên cao hơn khi nguồn cung dầu lớn của Nga bị gián đoạn.
Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày được vận chuyển từ Nga đến EU, và Nga chiếm khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của EU trong năm 2020.
Trong khi các nước phương Tây hạn chế mua dầu của Nga do các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và bảo hiểm đối với dầu xuất khẩu của nước này, tác động đối với nguồn cung “vàng đen" toàn cầu đã tăng lên khi Ấn Độ đang tăng cường mua dầu Nga với giá rẻ.
Các nhà phân tích của ngân hàng Royal Bank of Canada ước tính nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ đã tăng từ dưới 100.000 thùng/ngày vào năm 2021 lên 800.000 thùng/ngày vào tháng 4/2022 và dự kiến Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu miễn là Washington không áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Reuters mới đây đưa tin các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang đàm phán về một thỏa thuận dầu kéo dài 6 tháng với Nga để nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi tháng.
Mai Ly (Theo Reuters)/TTXVN