Ghi đậm dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII trong lịch sử lập hiến
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016. Bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã trao đổi với phóng viên về nội dung này.
Theo đại biểu, Quốc hội khóa XIII có vinh dự đã hoàn thành trọng trách thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, ghi đậm dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII trong lịch sử lập hiến của nước ta. Cùng với hoạt động lập Hiến, hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này cũng đạt được kết quả nổi bật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã thông qua các luật, bộ luật, trong đó, có nhiều dự án lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều vấn đề quan trọng, phức tạp như: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật trưng cầu ý dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật biển Việt Nam, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật quản lý nợ công, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...
Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng sẽ thông qua 7 dự án luật.
Hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, tập trung vào các vấn đề bức xúc, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của nhân dân. Theo đó không lựa chọn trước nhóm vấn đề cũng như Bộ trưởng trả lời chất vấn mà đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất cứ lĩnh vực nào, tất cả các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời chất vấn.
Đại biểu Quốc hội cũng đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn cho cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội; chất vấn các thành viên Chính phủ về những vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống, về kết quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, những bất cập còn tồn tại trong thực hiện chính sách, những định hướng chiến lược trong ngắn hạn, dài hạn về phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân…
Qua chất vấn, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Đại biểu đánh giá, kết quả giám sát trong nhiệm kỳ càng khẳng định rõ giám sát là phương tiện hữu hiệu trong thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, giảm dần tính hình thức, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, tạo được cơ sở cho việc quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hội nhập quốc tế.
Các nghị quyết của Quốc hội đã ngày càng sát yêu cầu thực tế, tập trung đi sâu vào chính sách kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước ở tầm vĩ mô, đề cập đến các vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân, được Nhân dân cả nước quan tâm và thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đã chỉ ra những hạn chế kể cả trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để xem xét, khắc phục nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trước hết, hoạt động lập pháp vẫn chưa khắc phục đáng kể việc điều chỉnh thường xuyên Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Một số đạo luật còn chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao. Một số quy định vẫn còn mang tính nguyên tắc chung nên khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Sự gắn kết phối hợp giữa cơ quan thẩm tra với cơ quan soạn thảo chưa thật đồng bộ, thống nhất, tài liệu phục vụ thẩm tra thường xuyên gửi chậm, nên khó bảo đảm cho việc xem xét kỹ lưỡng, toàn diện cả về nội dung và tính khả thi của quy định, dẫn đến chất lượng thẩm tra không cao.
Tính tranh luận, phản biện trong quá trình xem xét, thông qua luật có lúc còn hạn chế, nhất là việc bảo đảm để tranh luận đầy đủ, đối thoại đến cùng giữa đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Công tác phân tích chính sách, đánh giá tác động của dự án luật chưa được thực hiện một cách kỹ lưỡng, có chất lượng. Việc tổ chức lấy ý kiến và sử dụng các chuyên gia, các nhà khoa học chưa đạt hiệu quả cao.
Đại biểu cũng cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội trong một số kết quả chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa kiến nghị các biện pháp xử lý thích hợp nên hiệu quả chưa cao.
Một số vấn đề sau chất vấn còn chậm chuyển biến. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan còn chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa được như mong muốn.
Đối với quyết định một số vấn đề quan trọng, trong một số trường hợp chất lượng chưa cao; việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa bảo đảm sát thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất; đại biểu Quốc hội chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu, chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện để phân tích trước khi biểu quyết.
TTXVN