Ghế Chủ tịch VFF ưu tiên người giỏi chuyên môn
(Thethaovanhoa.vn) - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn vừa đảm nhiệm chức vụ Quyền Chủ tịch sau khi ông Lê Khánh Hải từ nhiệm. Cờ lại đến tay ông Tuấn “tổng”, một người “tinh anh” phát tiết rất sớm.
Sở dĩ biệt danh ông là Tuấn “tổng” vì mới 34 tuổi, Trần Quốc Tuấn đã làm Tổng thư ký VFF, trẻ nhất trong lịch sử. Là con trai của cố Trưởng đoàn bóng đá Khánh Hòa, “Chín Lộc”- một người cực kỳ có uy tín trong giới bóng đá, ông Tuấn đã được bạn bè của bố dìu dắt rất nhiều trong sự nghiệp.
Nhưng, nếu không có trình độ chuyên môn cùng nỗ lực vượt bậc, vị quan chức bóng đá gốc Khánh Hòa khó có được như ngày hôm nay. Ông Trần Quốc Tuấn từng theo học ngành thể thao, đi tu nghiệp tại Nga từ năm 1990 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành Thể dục Thể thao vào năm 1998. Thời điểm đó, tiến sĩ thể thao nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay, nói gì người trẻ như vậy.
Năm 2000, Trần Quốc Tuấn bắt đầu gắn bó cùng bóng đá Việt Nam, trên cương vị giám sát trận đấu ở giải vô địch quốc gia, sau đó làm Phó ban tổ chức thi đấu VFF. Ngay từ thời điểm đó, người ta đã thấy một hình ảnh vị giám sát đĩnh đạc, hoạt bát, rất vui vẻ với mọi người. Và rồi rất nhanh, ông đã vượt qua rất nhiều tên tuổi gạo cội của làng bóng đá, trúng ghế Tổng thư ký VFF tại đại hội khóa V, nhiệm kỳ 2005-2009, lúc 34 tuổi.
Ngồi vào chiếc ghế nóng ở VFF, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, Ông Tuấn “tổng” đã nhanh chóng cho thấy sự đặc biệt lẫn khác biệt. Ông phát triển rất nhanh về chuyên môn bóng đá lẫn khả năng quản lý, điều hành, tổ chức.
Đặc biệt về đối ngoại, với lợi thế về ngoại ngữ, ông Tuấn đã nhiều lần kết nối để mang lại lợi thế cho bóng đá nước nhà. Ông cũng đại diện cho VFF tham gia vào rất nhiều tổ chức quốc tế như Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), trong một thời gian dài. Trong các tổ chức quốc tế, dấu ấn đáng kể nhất mà ông Tuấn tạo nên là vận động mở rộng Asian Cup 2019 từ 16 lên 24 đội trong vai trò Ủy viên Ban chấp hành AFC và là người đầu tiên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam được bầu vào thường vụ AFC (nhiệm kỳ 2019-2023).
“Chấn thương” nặng nhất trong sự nghiệp làm bóng đá của Trần Quốc Tuấn là việc ông buộc phải từ chức sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 2011. Trong thời gian đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng đặc trách môn bóng đá của Tổng cục Thể dục thể thao, ông Trần Quốc Tuấn vẫn đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự những cuộc họp của FIFA, AFC và AFF.
Tuy nhiên, bằng uy tín quá lớn, ông Tuấn “tổng” nhanh chóng được trọng dụng khi 100% ủy viên Ban chấp hành khóa VI VFF đã bỏ phiếu giữ ông ở lại ngôi nhà VFF.
Trở lại Liên đoàn bóng đá Việt Nam vào năm 2014 trên cương vị Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Trần Quốc Tuấn một lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn trong bối cảnh Chủ tịch Lê Hùng Dũng thường xuyên vắng mặt vì sức khỏe.
Thời điểm hiện tại, khi Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải xin rút lui khỏi vị trí do quá bận công việc tại Văn phòng Chủ tịch nước, ông Trần Quốc Tuấn sẽ đảm nhiệm vị trí quyền chủ tịch cho tới cho đến khi chủ tịch mới được bầu tại Đại hội VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022.
Có thể nói hiện nay, trong làng bóng đá không ai hội tụ nhiều phẩm chất để xứng đáng ngồi vào ghế Chủ tịch như ông Trần Quốc Tuấn. Nhưng, cái ghế này lại thường rơi vào, hoặc doanh nghiệp có máu mặt, hoặc người của Tổng cục TDTT và Bộ VH, TT&DL, gọi là “cơ quan quản lý nhà nước”, để bóng đá không đi chệch “định hướng”. Ông Tuấn không bén duyên ghế Chủ tịch, mặc dù ai cũng biết gần 10 năm “phó tướng”, hầu như ông phải “làm tất” về chuyên môn.
Cho nên, giới bóng đá đang rất kỳ vọng Đại hội VFF cuối năm 2022, ông Trần Quốc Tuấn chính thức được bầu làm Chủ tịch VFF, được “cắt đuôi” chữ “quyền”, vì xứng đáng ngồi vào vị trí đó. Như thế có lẽ sẽ tốt cho nền bóng đá và VFF hơn.
Hữu Quý