GĐKT của bóng đá Việt, ông là ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày vừa qua, việc VFF và GĐKT Jurgen Gede nhất trí không gia hạn hợp đồng là một sự kiện thu hút được sự quan tâm của dư luận cũng như người hâm mộ. Mặc dù ông Gede không để lại nhiều dấu ấn trên cương vị quản lý vĩ mô của một GĐKT, nhưng ở góc độ hỗ trợ chuyên môn cho HLV trưởng các ĐTQG trẻ thì chuyên gia người Đức đã làm rất tốt.
Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như ông Gede tiếp tục ở lại Việt Nam ngay cả sau khi đã chia tay VFF, vì kinh nghiệm và mức độ am hiểu bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá châu Á nói chung của ông Gede là một yếu tố giúp ông nâng cao giá trị.
Chức danh GĐKT với bóng đá Việt Nam đã không còn là chuyện hiếm thấy, nhất là tại sân chơi V-League, nhưng GĐKT ở V-League đôi khi không giống với GĐKT ở các nền bóng đá khác.
Có một số đội bóng sử dụng GĐKT như là một HLV trưởng, còn HLV trưởng thực chất lại chỉ như trợ lý, còn có CLB lại đăng ký chức danh GĐKT như là của để dành, phòng hờ khi HLV trưởng đương nhiệm bị sa thải thì lập tức sẽ có người thay thế ngay, hoặc đơn giản hơn là họ lấy được một HLV chất lượng về mà chưa biết bổ nhiệm vào đâu thì tạm thời cứ làm GĐKT.
Lịch sử bóng đá Việt Nam không thiếu những trường hợp GĐKT mà như HLV trưởng, còn HLV trưởng lại giống trợ lý như vậy, và thậm chí có những đội bóng còn thành công rực rỡ với mô hình này, tất nhiên với điều kiện là GĐKT phải có năng lực hoặc ưu thế vượt trội so với HLV trưởng, còn HLV trưởng chấp nhận vai trò làm nền, đóng thế, chỉ xuất hiện ở các cuộc họp báo trước và sau trận.
Với truyền thống sử dụng GĐKT như thế của V-League thì việc dự đoán điểm đến tiếp theo của ông Gede tại Việt Nam là một trò chơi khá thú vị, vì không biết ông Gede sẽ sắm vai trò như thế nào ở V-League, nếu như ông nhận lời làm việc cho một đội bóng nào đó. Tuy nhiên, dù là GĐKT theo kiểu nào thì chắc chắn đấy cũng sẽ là một “đặc sản” mà chỉ riêng bóng đá Việt Nam mới có.
Huy Anh