Gậy 'tự sướng' liên tiếp bị cấm: Bước tiến công nghệ, bước lùi văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, các lễ hội âm nhạc Coachella và Lollapalooza ở Mỹ đồng loạt cấm sử dụng gậy chụp ảnh "tự sướng" (selfie) trong các buổi biểu diễn. Trước đó, một loạt bảo tàng, trung tâm văn hóa, sân vận động cũng ban hành lệnh cấm này.
Bắt đầu được sử dụng rộng rãi những năm gần đây, gậy selfie được ưa chuộng vì tính tiện lợi. Người ta không cần phải nhờ cậy một người khác chụp ảnh cho họ mà vẫn có được một hình ảnh với góc chụp rộng hoặc cao. Gậy selfie đặc biệt tiện dụng trong các chuyến du lịch, tham quan, đi xem ca nhạc vì có thể làm cánh tay nối dài cho người chụp.
Vậy vì sao một tiến bộ công nghệ lại đi ngược tiến bộ trong văn hóa?
Mê chụp ảnh, ứng xử không còn tính người
Theo tờ Washington Post, trong 20 năm nay, người ta ngày càng cảm nhận rõ một điều, đó là công nghệ đang phát triển nhanh hơn xã hội. Thay vì để công nghệ phục vụ cuộc sống, con người chuyển sang sống sao cho phù hợp với các sản phẩm công nghệ.
Gậy selfie có thể giúp người ta chụp ảnh với khung cảnh rộng. Vì thế, thay thế những bức ảnh selfie chỉ có mỗi gương mặt to đùng của người chụp là những bức ảnh có hậu cảnh.
Một trong những “giọt nước tràn ly” khiến gậy selfie bị kết tội làm méo mó nhân cách con người là vào ngày 28/3 vừa qua, khi một cô gái tên Christina Freundlich đã đăng ảnh mình tươi cười, ngay trước khung cảnh một vụ nổ khí ga làm 2 người chết. Freundlich khoe bức ảnh này trên Facebook trong khi công tác cứu hộ đang diễn ra. Ngay lập tức cô bị la ó là vô cảm.
Một bức ảnh khác cũng chụp trong hoàn cảnh trên, của một người dùng Instagram với nick Jeaniebeanie101, chụp anh và cô bạn gái cười và tạo dáng nhí nhố. Hình ảnh này, hay đúng hơn là hành động chụp ảnh, bị nói là đáng ghê tởm.
Trong thông báo về lệnh cấm, ban tổ chức đại nhạc hội Coachella ghi rõ: “Không cho phép gậy selfie hay những kẻ ái kỷ vào xem biểu diễn”. Họ đã đồng nhất “gậy selfie" với “chứng ái kỷ” (tự yêu bản thân), đồng thời không chấp nhận tính cách đó trong một buổi biểu diễn âm nhạc, vốn mang tính cộng đồng.
Mặc dù ngoài Coachella hay Lollapalooza, ở Mỹ vẫn còn vô vàn sự kiện âm nhạc khác chưa ban hành lệnh cấm gậy selfie, nhưng đây vẫn là một bước tiến trong việc xóa bỏ cây gậy này khỏi các buổi biểu diễn âm nhạc. Đầu năm nay, sân vận động White Hart Lane ở Anh cũng cấm mang gậy selfie vào sân, trong các trận đấu bóng đá.
Vừa làm phiền người khác, vừa bất hợp pháp
Vì sao gậy selfie lại là kẻ thù của các sự kiện đó? Nếu bạn ở trong một không gian rộng hoặc muốn chụp ảnh một nhóm đông người, không thể phủ nhận sự hữu ích của gậy selfie. Nhưng trong các buổi biểu diễn ca nhạc hay trận đấu thể thao thì khác. Đó là khi mỗi khán giả đứng trong không gian khá đông đúc và chật chội. Khi đó, gậy selfie trở nên phiền toái thực sự.
Trong một đám đông đứng xem ca nhạc, ai cũng muốn giơ máy quay hoặc điện thoại của mình cao hơn hẳn người khác đề ghi hình rõ hơn. Điều này chỉ có lợi cho riêng họ, và cản tầm mắt của những người đứng sau họ.
Thêm một lý do nữa, sử dụng gậy selfie làm gia tăng việc tự do ghi hình các buổi biểu diễn âm nhạc mà không có sự cho phép của nhà sản xuất – người giữ bản quyền. Các đoạn phim tự quay với chất lượng hình ảnh khá, nhờ quay ở độ cao vượt trội, được phát tán trên mạng, có thể đã vi phạm luật bản quyền.
Hiện nay ở Mỹ, các lễ hội âm nhạc lớn như Bonnaroo, Sasquatch và Governors Ball đều chưa cấm gậy selfie. Nhưng điều này rất dễ xảy ra trong tương lai gần, nhất là khi danh sách các "thủ phạm" có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông đã có khoảnh khắc chụp ảnh selfie đáng xấu hổ trong lễ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Đầu năm nay, nhiều sân vận động lớn nhất ở Vương quốc Anh, bao gồm cả sân O2 và Wembley ở London, cũng cấm gậy selfie. Sân O2 tuyên bố lý do là để đảm bảo an toàn cho mọi khán giả còn sân Wembley khuyến cáo chỉ nên dùng tay khi chụp ảnh tự sướng.
Thậm chí, các địa danh lịch sử như Cung điện Versailles của Pháp và đấu trường Colosseum ở Rome cũng có chính sách tương tự. Ở Colosseum, lệnh này được thiếp lập, sau khi một cặp du khách Mỹ bị bắt gặp lúc khắc tên vào bức tường của di tích và dùng gậy selfie để chụp ảnh “chiến tích” của họ.
Hạ Huyền (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa