Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Prekimalamak - Một thi sĩ khiêm nhường
(Thethaovanhoa.vn) - Trong sách Tiếng Việt 5 (tập 2) bộ giáo khoa hiện hành đang dùng cho cấp tiểu học, ở trang 58 ghi tên 2 tác giả, Nguyễn Tuân và Prê Ki Ma La Mác (Prekimalamak). Văn tài Nguyễn Tuân (1910 -1987) đã “vang bóng một thời” nhiều người biết, còn Prekimalamak là ai?
Nhà thơ Prekimalamak là người Việt Nam, dân tộc Châu Ro. Ông từng dạy ĐH Tổng hợp Hà Nội từ 1966, ĐH Sư phạn TP.HCM từ 1976. Và từ hơn 20 năm trước bài thơ hay Thanh đoản kiếm lưu truyền của ông, được trích đoạn làm bài chính tả ở sách giáo khoa Tiếng Việt 5.
Mải sống hơn mải viết
“Tại đây, các con/Tại đất Tây Nguyên ông bà mình này/Nơi mẹ đã đẻ ra ta và cắt rốn ta bằng cây nứa/ Chỗ tuổi nhỏ ta nằm nước bò qua bụng đỏ/Và gió cao nguyên thổi nhột lỗ tai non/Chính nơi đây các con/Xưa Đăm Săn, Y Sun, ông nội ta và lũ làng/Đã rèn dao và mài gươm dưới trăng trong suốt/Trong rừng già Mơ-nông, mặt trời không xuống đất/ Vẫn thanh đoản kiếm xưa Đăm Săn đuổi giặc/Nơ Trang Long, A-ma Dơ-hao, cha ta và lũ làng mài gấp/Hai mươi năm cạn nước sông Ba”.
Các nhà biên soạn giáo khoa chỉ yêu cầu học sinh tìm các chữ tên riêng. Chỉ với yêu cầu ấy thì ngoài rèn kỹ năng ngữ pháp nhận biết từ loại, từ đặc điểm viết hoa, còn có thể đọc hiểu một bài thơ hay, có điển cố đẹp của văn học phương Đông - mài gươm dưới trăng, có thể giáo dục lòng yêu nước qua bản đồ thơ ca vùng cao nguyên với chi chít các cột mốc địa lý, lịch sử, văn hóa viết hoa.
Từ tên tuổi tác giả bài chính tả này, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, nhìn rộng hơn, xa hơn về đời sống văn học nước nhà, thời đất nước bị chia cắt 1954-1975, ở nửa nước phía Bắc, kiên trì lập trường “Nam Bắc một nhà” mở các trường học sinh miền Nam, để “cựu chiến binh” 17 tuổi Prekimalamak chỉ mới biết đọc biết viết từ trường đời, học miết, rồi thành bạn cùng lớp ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội với Mã Giang Lân, Lệ Thu, Lữ Huy Nguyên, Diệp Minh Tuyền, Anh Ngọc…
Nhà thơ Anh Ngọc hồi tưởng: “…lớp rất vui. Nhiều lứa tuổi đến từ nhiều miền đất. Mọi người hào hứng và chăm chỉ. Những bài thơ viết về tình yêu sớm nhất của tôi, viết khi là sinh viên lớp này”. Sinh viên Prekimalamak cũng làm thơ nhưng chọn đề tài chính trị, lại gửi in báo Nhân dân nên được thi sĩ Xuân Diệu quan tâm, được Ban tổ chức Đại hội Nhà văn VN lần II họp ở Câu lạc bộ Đoàn kết mời dự với tư cách nhà văn trẻ. Và còn trẻ mãi tới hôm nay ở tuổi bát tuần khi chưa thành nhà văn hội viên cấp quốc gia vì mải sống hơn mải viết. Không chỉ dạy học, ông còn nghiên cứu văn học dân gian, là đồng tác giả với Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Bùi Mạnh Nhị trong công trình Ca dao dân ca Nam Bộ" (NXB Tổng hợp TP.HCM, 1984).
Nhiều tác phẩm yêu nước dành cho thiếu nhi
Đọc bản thảo tập hồi ký Mặt trận trong rừng già của Prekimalamak người viết bài ghi nhận những đóng góp của bản thảo này, cho văn học thiếu nhi, nếu nó được xuất bản. Mặt trận trong rừng già kể chuyện 4 năm (1951-1954) cao trào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Trong hồi ký, có nhân vật anh bộ đội tuổi 14 - tuổi khăn quàng đỏ, đấy chính là tác giả ngày ấy, với tên gọi Trần Vĩnh.
Vĩnh vốn nhỏ con, lại “năn nỉ” được nhập ngũ cho nên dù đã là bộ đội “chính danh”, một liên lạc viên cấp đại đội, thì Vĩnh vẫn là em út của đơn vị, vẫn được cưng nựng, càng được cưng nựng giữa mũi tên làn đạn!
Nhân vật Vĩnh kể, trên đường “tao ngộ chiến” gấp gáp, cả đơn vị vượt bờ sông dốc đứng chiếm điểm cao bằng cách “…các đồng chí cao, to, khỏe, tay người này nắm vào tay người kia làm thang đưa một số chiến sĩ lên trước rồi chuyển vũ khí lên sau” thì “Anh Tích xốc nách tôi đưa cho các anh trên bờ kéo lên”. Vĩnh còn kể: “Vào mùa lũ, mỗi lần đơn vị vượt sông, anh Tích thường gọi tôi “leo lên cổ tao”, rồi anh bơi đưa tôi qua sông”.
Chính anh Tích đã quyết tử để giữ đường sống cho đứa em út của đại đội: “Tôi rút một đoạn thì gặp chiến sĩ Lê Văn Tích người đầy thương tích. Anh Tích núp trong bọng cây cổ thụ, tay cầm trái lựu đạn đã bẻ chốt thắng an toàn. Anh giục tôi vô rừng chạy Tây. Anh quát với theo giao nhiệm vụ: Nói với đại đội. Tây đến đây! Tao tử thủ”.
Vĩnh tuổi nhỏ mà làm được việc lớn. Là bộ đội địa phương quân, nhưng đơn vị ăn uống rất “du kích” nên đói! Đại đội có sáng kiến gài bẫy thú rừng làm lương thực. Vĩnh kể: “Là thổ dân rừng Hắc Dịch, tôi được ban chỉ huy phân công dẫn đường! Tôi đưa đơn vị vào rừng cấm Bàu Cháy có nhiều thú hoang. Chúng tôi chặt cây dựng hàng rào làm bẫy đập chờ đêm xuống. Hàng rào dài cả cây số, ken rất kỹ để thú rừng muốn vượt qua chỉ còn cách qua bằng cửa chúng tôi mở sẵn và rơi vào bẫy. Sáng thăm bẫy, tôi liếng lắc chạy trước các anh. Bỗng nghe tiếng thở khò khè, tiếng rít. Một con báo lửa chừng bốn, năm mươi ký da lốm đốm vàng đang kẹt chân trước trong cần bẫy, lồng lộn nhe nanh”.
Vĩnh và đồng đội còn gặp trong rừng già ông voi “độc chiếc” chỉ một ngà và chỉ một mình một rừng, không bầy đàn. Ông voi to như quả đồi, da màu đất, ngà võng lên như thanh long đao. Nó hung dữ xông thẳng vào đội hình hành quân! Đại đội phó ra lệnh: “Không được bắn”!
Nhìn từ góc độ văn học thiếu nhi, hồi ký có nhiều trang viết theo kiểu sách đường rừng, đầy chất phiêu lưu mạo hiểm, hấp dẫn bạn đọc nhí. Nhưng đây vẫn là một tác phẩm văn học viết về chiến tranh, về cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại. Nhân vật trung tâm dù là một thiếu niên, cũng không tránh hết được những khốc liệt! Chính nhân vật Vĩnh mắt thấy tai nghe: “Chiến sĩ nuôi quân bị bắn vỡ nồi quân dụng, máu và óc anh tung tóe người tôi”! Đau đớn hơn, Vĩnh thốt lên sau một chiến bại, sau những hy sinh của đồng đội: “Trận công đồn Long Tân đã chính thức loại C2 đại đội thiện chiến, gan lì của tôi ra khỏi vòng chiến, thật đau lòng! Ngày ấy tôi 14 tuổi”.
Rất mong bản thảo Mặt trận trong rừng già được xuất bản để danh mục những tác phẩm viết về chiến tranh giữ nước dành cho thiếu nhi có thêm dòng, sau các tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Bí mật kho vũ khí của Hoàng Văn Bổn, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách, Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt của Phạm Thắng, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán… để những tiểu đội, trung đội, đại đội Thánh Gióng thì hiện đại có thêm quân!
Khiêm nhường và tài năng đích thực
Ngoài thất thập, tuổi “xưa nay hiếm” Prekimalamak mới ra được tập thơ mỏng 18 bài chưa đầy 100 trang - Hát đi em. Nhưng vừa trình làng, tập thơ được nối bản, lồng bìa mới đóng dấu đỏ chất lượng “Tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2014” được giới thiệu trên đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, được giới chuyên môn khen ngợi như:
“Anh trau chuốt, tinh lọc câu chữ, hình ảnh, hình tượng, làm cho bài thơ trở nên hoàn chỉnh. Từng đoạn thơ của anh như những rường cột chắc chắn để giữ vững ngôi- nhà - bài-thơ của anh” - nhà văn Thanh Quế.
“Hát đi em đã thể hiện được hồn và chất của người sáng tác, mà suy tư, liên tưởng, cảm xúc được lọc qua một tầng nghĩ có hồn sắc dân tộc sâu đậm! Mỗi bài thơ của ông có những dấu ấn riêng không hòa lẫn được trong những gì mà thơ Việt thường và từng có” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu.
“Khi tiếng thơ, tiếng hát đại diện cho dân tộc Châu Ro của ông cất lên thì đời sống văn học trân trọng đón nhận một thi sĩ khiêm nhường và tài năng đích thực” - nhà thơ Phan Hoàng.
Như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã nói, thơ Prekimalamak không “lẫn” được! Ông hoang dã phóng túng nhưng vẫn khoa học, chính xác:
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Con chim bồng chanh đỏ của nhà văn Đỗ Chu
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Những cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng
“Chúng tôi sinh ra ở vĩ tuyến thứ mười/ Nơi mặt trời đóng khố đỏ, đi chân đất mọc từ lỗ chân voi/ Nơi mặt trăng ở trần vú tròn như quả cau non đi lang thang/ ngủ hoang trên những ngọn bằng lăng tím”.
Lường thời gian từ cái đấu “lỗ chân voi” thì ước lệ, phỏng chừng, hoang dã quá đi. Nhưng lối nói phóng từng ấy, cách đong đếm tự nhiên ấy lại được đóng khung trong số 10 địa trắc học thì rất hiện đại, khoa học mà cũng rất dân tộc, đại chúng!
Ông viết nhiều về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, và trong đề tài này, những bài hay nhất của Prekimalamak là những bài không ngợi ca chung chung. Bài thơ dấu lặng không một danh từ riêng nhắc tên nhân vật, không cả những đại từ thay thế như cụ, bác, cha già; chỉ một toàn cảnh biển Đông đang dậy sóng, nơi nhà thơ hỏi núi, hỏi gió, hỏi chim hải âu, hỏi những tàu thuyền neo ngoài bến cảng, về thủy cơ viễn dương LatoucheTréville - con tàu đã mang nhân vật trữ tình của mình vượt biển, tìm đường cứu nước. Chỉ có biểnĐông mênh mông và một niềm tin sâu thẳm về việc kiên định với con đường đã mở từ ngày ấy: “Biển ào ạt dựng cây sóng dữ/ Vỗ vào mặt tôi nước tóe tràn bờ/ Đất nơi tôi ngồi đá vặn mình răng rắc/ Và trái tim tôi cũng nứt như đá kia!”.
Vài nét về Prekimalamak Prekimalamak sinh 1937 tại Hắc Dịch, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, có tên tiếng Việt là Trần Vĩnh. Ông tốt nghiệp khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội 1966, từng dạy ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM,hiện sống tại TP.HCM. |
(Còn tiếp)
Thái Thị Khánh Thành