Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Món ngon cũng có vị nước mắt
Năm 2020, NXB Kim Đồng ấn hành tập tản văn Miền Tây lạ lắm à nghen của Trương Chí Hùng. Các nhà biên soạn giáo khoa đã bàn bạc với tác giả, để từ cảm hứng và chất liệu ngôn ngữ đã có trong cuốn sách, viết thành bài tập đọc mới Món ngon mùa nước nổi, cho sách Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.
"Đây là bài đầu tiên tôi được in trong sách giáo khoa. Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời cũng là nhà văn, tôi cảm thấy rất vui mừng và khá bất ngờ vì tác phẩm của mình được chọn" - Trương Chí Hùng chia sẻ- "Khi dấn thân vào con đường sáng tác văn chương, tôi chỉ biết cố gắng sao cho mỗi tác phẩm của mình sẽ tạo dấu ấn tích cực đối với độc giả. Được vào giáo khoa là một bước tiến quan trọng để tôi kiên định hơn trên chặng đường sáng tác".
Ngon thật! Nhưng chẳng lẽ húp canh suông?
Bài tập đọc giúp học sinh lớp 4 biết thêm một món ngon dân dã, học thêm một số phương ngữ Nam bộ:
"Cá linh là món quà thiên nhiên ưu ái dành tặng người dân miền Tây vào mùa nước nổi. Vào mùa này, cá linh từ miệt thượng nguồn sông Mê Kông "trôi" về đồng bằng sông Cửu Long nhiều vô số kể. Người dân đặt dớn, mỗi ngày thu hoạch tới mấy giạ.
Cá linh chế biến được nhiều món. Nhưng món ăn dân dã được bà con nơi đây chuộng nhất là cá linh nấu canh chua […]. Khách phương xa đến ăn một lần rồi lưu luyến mãi miền Tây.
Còn dân ở đây, dù có đi đâu về đâu, hễ nghe nhắc tới canh chua cá linh thì dường như bao nỗi nhớ quê hương lại hiện về, ngập tràn ký ức".
Ký ức quê của tác giả cũng "ngập tràn", nhưng chẳng ngon tí nào, vì phải kiếm gạo để nấu cơm, nếu không muốn húp canh suông! Lúc mới học lớp 5, nhà văn tương lai đã phải đi mần cỏ lúa kiếm tiền đong gạo. Anh kể: "Chủ ruộng đã đợi chúng tôi sẵn ở bờ kinh. Đó là một phụ nữ trung niên, mặt xương, cổ đeo dây chuyền vàng, ánh mắt sắc lẻm đến mức tôi không dám nhìn thẳng vào. Bà ta tỏ ra không bằng lòng cho tôi làm công, vì tôi nhỏ quá. […]. Đến xế chiều thì cũng xong công nhật. Tôi ra ngồi trên bờ mẫu, mệt bơ phờ, chân tay mỏi rã rời. Nhưng về tới nhà thì tôi còn buồn hơn, vì bà chủ ruộng đến nhà nặng nhẹ má tôi, rằng bà mướn nhân công mần cỏ, chớ không phải mướn một đứa con nít hỉ mũi chưa sạch đến giẫm lúa của bà. Má tôi chỉ biết xin lỗi và năn nỉ bà bỏ qua. Má nói bà trả công bao nhiêu cũng được, nhưng hãy cho tôi được làm để phụ giúp gia đình, vì nhà tôi nghèo lắm. Má còn nói thêm nhiều điều nữa, nhưng tôi không nhớ được, chỉ nhớ ánh mắt má rưng rưng nhìn tôi, khiến tôi vô cùng chua xót. Tôi tự hứa với lòng, từ đó về sau không bao giờ làm gì để má phải cầu lụy người khác nữa".
Cậu bé nhà nghèo Trường Chí Hùng rồi cũng học xong đại học, được giữ lại làm giảng viên, từng đi nghiên cứu về Hán ngữ ở một đại học bên Đài Loan (Trung Quốc), đang học lên tiến sĩ trong một chuyên ngành thuộc ngôn ngữ học.
Kiên định với miền đề tài mình đã chọn
Anh trí thức gốc nông dân ấy nói về sự gắn bó giữa nghề văn mà mình đam mê và vùng đất mình từng trải nhiều nhất: "Tôi sinh ra và lớn lên tại tỉnh An Giang, vùng đất biên viễn Tây Nam tổ quốc. Vùng đất và con người miền Tây luôn tạo cho tôi những xúc cảm đặc biệt. Hầu như mọi tác phẩm của tôi đều viết về quê hương mình, qua những thăng trầm, biến chuyển của thời cuộc".
Sự kiện định giúp Trương Chí Hùng được Tặng thưởng tác phẩm bút ký hay nhất của tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 2022, với bài Phận cỏ.
Bài ký này có những toàn cảnh mô tả sinh động, với cảm hứng phản biện của người viết sắc sảo: "Chợ cỏ vẫn họp ở Ô Lâm mỗi ngày, kẻ bán người mua tấp nập. Có người ngợi ca rằng, đó là nét văn hóa đặc sắc của địa phương, rằng đời sống người dân vì thế được cải thiện. Tôi không bàn luận về những mỹ từ mà người ta nói về chợ cỏ. Mỗi lần ghé qua đây, tôi thường chỉ đứng lặng ở một góc chợ, nhìn người bán cỏ đứng co ro bên những bó cỏ của mình. Dễ nhận ra vì quần áo họ thường ướt đẫm từ bụng trở xuống".
Các thảo dân trong bài "co ro" vì lạnh, vì công việc bắt họ phải: "… trầm nửa thân mình dưới nước, cắt những ngọn cỏ mọc ven kinh, bó thành từng bó nhỏ để ngay ngắn trên tắc ráng. Hầu như họ chẳng nói gì với nhau, chỉ tập trung vào đôi mắt, vào đôi tay để sao cho thao tác được nhanh nhất. Bởi có thể, một chút lơ là thôi sẽ khiến bữa cơm chiều không được no bụng".
Những mô tả mang tính trực họa, dẫn dòng văn tới được một so sánh giàu tính biểu cảm, tạo chất thơ cho bài vốn là tự sự: "Họ như những thân cỏ mọc lên từ nước, nửa thân còn ngập, rễ vẫn bám trong đất bùn […]. Họ gieo vào lòng tôi nhiều nỗi xót xa, về những phận đời".
Ở câu triết lý rất thuyết phục vừa dẫn, cái tứ của bút ký trở nên sáng rõ khi tác giả tích hợp được, cảm xúc của người cầm bút và kỹ thuật viết văn trong lối chơi chữ điệp phụ âm đầu, để mờ chồng "phận đời" với "phận cỏ", nếu nói bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Trương Chí Hùng thật khéo dẫn chuyện, khi cài hai nhân vật phụ cho bút ký văn học này. Đó là hai đứa con của cặp đôi "phận cỏ" - anh Chau Sang và chị Hen. Đi theo hai đứa nhỏ này vào bài ký, là "điểm sáng" tư tưởng của tác phẩm, cái "điểm sáng cuối đường hầm" mà người viết đã treo cao, soi lối thoát cho những "phận đời" cơ cực:
"Điểm sáng nhất của căn nhà nhỏ này có lẽ là hai chiếc bàn nhựa xanh đỏ, trên ấy là mấy quyển tập, sách được xếp ngăn nắp, hai chiếc ghế cóc để bên cạnh. Đó là góc học tập của con anh Chau Sang, một đứa lớp 7 và một đứa lớp 3. Thấy người lạ đến nhà, chúng bẽn lẽn trốn vào lòng mẹ, như những chú gà con tìm đôi cánh chở che khi gặp bão dông. Thi thoảng chúng len lén nhìn tôi, đôi mắt đen láy, to tròn. Tôi thích những đôi mắt trẻ thơ, đầy ắp tinh khôi. Trong bữa cơm chiều, tôi thấy anh Sang và chị Hen hay nhìn hai đứa nhỏ, rồi lại nhìn nhau cười hạnh phúc".
Góp nét riêng vào mảng văn học xanh An Giang
Môt đồng hương An Giang của tác giả - cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp - đã viết: "Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà…".
Ngay bên nhà Trương Chí Hùng là sông Vàm Nao nổi tiếng. Anh tâm sự: "Năm ấy tôi được học bổng đi chuyên tu về Hán ngữ bên Đài Bắc, tình cờ gặp được người bạn đồng hương tên là Tuyết Mai, lấy chồng Đài Loan và định cư bên ấy từ lâu…".
Tuyết Mai thành nhân vật văn học của Trương Chí Hùng: "Ông nội và ba của Mai đều theo nghề giăng lưới cá bông lau. Thuở trước, cá dày đặc trên khúc sông này. Vào mùa cá bông lau sông vui như hội […]. Mai cũng thỉnh thoảng theo ghe ba đi giăng lưới bông lau. Nhưng ba vừa bủa lưới xong là Mai nằm trên bộ vạc tre phía sau ghe ngủ ngon lành, đến khi thức giấc là cả bầu trời sao đêm lấp lánh, và cả một bầu trời đang lấp lánh dưới mặt nước sông […]. Thế nhưng, bầu vú nào thì cũng đến ngày cạn sữa. Những con cá bông lau ngày càng thưa vắng. Ông nội của Mai bán mấy tay lưới, chiều chiều ra bờ sông ngồi rít những hơi thuốc thật dài, phả khói vào mảng trời ký ức xa xăm. Ba Mai kiên trì hơn nhưng vẫn thường hay nén tiếng thở dài sau những đêm trở về tay trắng. Đồ đạc trong nhà Mai bán đổ bán tháo chạy gạo. Mai ít khi xuống bến sông. Rồi đến một ngày, cô phải gạt nước mắt chấp nhận dạt trôi xứ người để có tiền xoay xở cho cả đàn em nheo nhóc".
Đồng cảm với nhân vật Tuyết Mai, trong bút ký Man mác Vàm Nao (đoạt giải Nhất cuộc thi Bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII năm 2017) chính tác giả đột hứng, vào vai nhân vật, tạo ra đoạn cao trào, xúc động nhất:
"…khi về nước, tôi lập tức chạy về nhà, xuống cây cầu ván bắc dưới bến Vàm Nao, thọt hai chân xuống nước rồi điện thoại cho Mai. Tôi mô tả cho Mai hình dung cảnh vật quanh tôi, những chiếc ghe chở gạch chạy xuôi dòng, những bông lục bình vô tư tím, bờ bãi xanh um những luống hành luống hẹ, những liếp đậu liếp cà. Và nước sông Vàm Nao vẫn trong vẫn mát […]. Tôi nói nhiều, nhiều lắm, đến khi nghe bên kia Mai sụt sịt mới thôi".
Nếu nối bài tập đọc Món ngon mùa nước nổi vào dòng Vàm Nao đang có cơ cạn kiệt nguồn cá đặc sản, ta vừa trích dẫn, thì nghe trong món ngon kia có vị mặn mòi của nước mắt con người.
Sức viết dồi dào
Trương Chí Hùng (sinh 1985) là giảng viên khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang. Là tác giả của tập thơ Một nửa nhà quê (NXB Hội Nhà văn, 2014), tập tản văn Trong sương thương má (NXB Kim Đồng, 2019), tập bút ký Man mác Vàm Nao (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), tập tản văn Miền Tây lạ lắm à nghen (NXB Kim Đồng, 2020), tập bút ký Nẻo đời phiêu bạt (NXB Phụ nữ, 2021), tập tản văn Sống cùng nước (NXB Kim Đồng, 2023)...