Gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến - Nhà báo liệt sỹ đầu tiên của nền Báo chí cách mạng Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ gắn biển một trong những đường phố của Thủ đô Hà Nội mang tên Trần Kim Xuyến - Nhà báo liệt sỹ đầu tiên của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, người lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã diễn ra ngày 5/3/2014.
Dự lễ có đồng chí Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, Quận Cầu Giấy, Phường Yên Hòa, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ-Hà Nội), lãnh đạo xã Sơn Mỹ ( huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) quê hương Liệt sỹ Trần Kim Xuyến, đại diện dòng họ và thân nhân Liệt sỹ Trần Kim Xuyến.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của TTXVN và đông đảo người dân ở phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tham dự buổi lễ.
Phố Trần Kim Xuyến dài 550 mét, rộng 20m, thuộc dự án khu đô thị mới; bắt đầu từ ngã tư Trung Hòa - Vũ Phạm Hàm (cạnh Trung tâm lưu trữ quốc gia 1) đến điểm giao cắt với đường 30 mét (cạnh Cty CP phát triển công nghệ EPOSI).
Liệt sỹ Trần Kim Xuyến sinh năm 1921, tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Khóa I, là Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi Nha Thông tin (một trong ba Nha thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã, nay là TTXVN.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN khẳng định: “Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta cũng như sự tri ân của Đảng, Nhà nước, của chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng toàn thể cán bộ công nhân viên TTXVN đối với nhà báo Trần Kim Xuyến, đại diện tiêu biểu của giới báo chí cách mạng Việt Nam, người có đóng góp lớn cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là ngành Thông tấn, cũng như cho độc lập dân tộc”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long nhấn mạnh, việc Hà Nội đặt tên đường phố mang tên Trần Kim Xuyến thể hiện lòng biết ơn, ghi nhận công lao cống hiến to lớn của các Nhà báo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là niềm tự hào và ghi dấu ấn quan trọng đối với ngành Thông tấn xã Việt Nam và dòng họ, gia đình liệt sỹ Trần Kim Xuyến.
Thời gian qua, việc đặt tên, đổi tên đường phố ở Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và quần chúng nhân dân Thủ đô, bởi tên đường phố không đơn thuần giải quyết yếu tố quản lý đô thị mà còn hàm chứa cả ý nghĩa lịch sử, văn hóa và góp phần nâng cao tình yêu quê hương, đất nước cho người dân. Với tính quan trọng đó, nên quy trình đặt tên, đổi tên đường, tên phố và công trình công cộng của Hà Nội luôn phải tuân thủ tới 8 bước, từ lập danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên đến việc tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường phố, công trình công cộng…
Ông Phan Đăng Long cho biết: Năm nay, thành phố Hà Nội không đứng ra tổ chức lễ đặt tên cho từng đường phố, mà việc này được giao cho các cấp chính quyền cơ sở đứng ra phối hợp với các đơn vị, tổ chức, dòng họ tổ chức các buổi lễ nhưng thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa hoạt động này trở nên ý nghĩa, văn minh và tiết kiệm.
Nguyễn Văn Cảnh