Gần 700 nghệ sĩ sân khấu tranh đua hơn 250 giải thưởng tại giải toàn quốc
Tham dự Cuộc thi lần này gồm có 11 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc: Nhà hát Tuồng Việt Nam; Đoàn Tuồng Thanh Hóa; Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; Nhà hát Tuồng Đào Tấn; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa; Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội thành phố Hồ Chí Minh; Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định; Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ; Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế.
Nội dung các tác phẩm tham dự thi chủ yếu phản ánh tinh thần bất khuất của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước; ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Nội dung các tác phẩm tham dự thi chủ yếu phản ánh tinh thần bất khuất của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Được biết, số lượng giải thưởng cho vở diễn sẽ không quá 35% tổng số vở diễn tham dự cuộc thi, trong đó số lượng huy chương vàng cho vở diễn không vượt quá 35% tổng số cơ cấu giải thưởng của vở diễn. Số lượng giải thưởng cho diễn viên không vượt quá 35% tổng số diễn viên có tên trong bảng phân vai của các vở diễn tham gia cuộc thi, trong đó số lượng huy chương vàng cho diễn viên không vượt quá 35% tổng số cơ cấu giải thưởng của diễn viên.
Cuộc thi là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị; tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo nghệ thuật bằng giải thưởng cho vở diễn, cá nhân nghệ sĩ theo kết quả chấm điểm của Hội đồng Giám khảo.
Hoàng Yến