'Galaxy Concert': Cuộc gặp gỡ các thế hệ học trò xuất sắc của Giáo sư Ngô Văn Thành
(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 6/11 tới, GS.TS - NSND Violon Ngô Văn Thành sẽ cùng với các thế hệ học trò xuất sắc biểu diễn chương trình Galaxy Concert - Dải ngân hà tại Phòng hoà nhạc lớn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có dịp trò chuyện với GS.TS - NSND Violin Ngô Văn Thành về đêm nhạc.
* Xin chào GS.TS - NSND Ngô Văn Thành! Giáo sư có thể chia sẻ ý tưởng và ý nghĩa đêm nhạc “Galaxy Concert”?
- Chúng tôi có ý tưởng xây dựng buổi hòa nhạc hội tụ những nghệ sĩ violin xuất sắc nhiều thế hệ đã mấy năm nay. Trong chương trình ngày 6/11, chúng tôi cố gắng đưa tiếng đàn, tài năng của nhiều thế hệ nghệ sĩ để quý vị có thể thưởng thức. Đó là những nghệ sĩ đã thành danh, những giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng, cùng các nghệ sĩ ở cơ sở khác.
Galaxy có nghĩa là dải ngân hà, nơi những ngôi sao xuất hiện lấp lánh trên bầu trời, cũng giống như những nghệ sĩ tài năng từng giành giải nhất trong các cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế. Hiện giờ họ đã trưởng thành, thành danh, đã từng và vẫn đang có nhiều đóng góp, cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam.
* Đêm nhạc quy tụ nhiều tài năng, là học trò của giáo sư và là những nghệ sĩ thành danh, giáo sư sẽ sắp xếp các tiết mục ra sao?
- Có khoảng 15 nghệ sĩ hiện nay đã thành danh biểu diễn trong chương trình. Khách mời đặc biệt của Galaxy Concert là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. NGND Trần Thu Hà cũng là người thầy từng dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trở thành những nghệ sĩ tài năng hàng đầu trong làng nhạc Việt.
Các nghệ sĩ biểu diễn là NSƯT Nguyễn Công Thắng, Ngô Hoàng Linh, Trường Sơn, Tố Chinh, Hoàng Lan, Mai Anh, Trần Quang Duy, Huyền Anh… Họ đều rất hào hứng và tôi nghĩ mình chỉ là bệ phóng, làm nền để các bạn tỏa sáng.
* Giáo sư có thể “bật mí” thêm tiết mục đặc biệt trong “Galaxy Concert”?
- Chương trình mở đầu bằng bản nhạc Bài ca tung cánh, 20 nghệ sĩ violin và piano cùng chơi, đó là hình thức độc đáo mà lâu lắm chúng ta không được thưởng thức. Sau đó là các tiết mục độc tấu, có những tiết mục độc tấu của các nghệ sĩ trẻ vừa đoạt giải và có cả tiết mục của các nghệ sĩ gạo cội.
Kết thúc sẽ là bài Hà Nội niềm tin và hi vọng, một ca khúc mà tôi nghĩ là có ý nghĩa khơi dậy tinh thần dân tộc. Chương trình sẽ rất gần gũi và chắc chắn công chúng sẽ đón nhận, để cùng các nghệ sĩ tạo nên một đêm hòa nhạc thành công.
- Hoàng Rob: Nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên làm Violin Concert đương đại trên du thuyền
- Đinh Hoài Xuân tiếp tục mang 'Cello Fundamento Concert 4' đến với khán giả Hà Nội
* Giáo sư dành rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, đã đào tạo rất nhiều thế hệ học trò thành danh. Tổ chức đêm nhạc vào tháng 11 với Ngày Nhà giáo Việt Nam, cảm xúc của giáo sư có gì đặc biệt?
- Với nghệ thuật, tình thầy trò có nhiều điều đặc biệt, người thầy phải vừa yêu âm nhạc, vừa yêu thương con người, họ vừa là thầy - trò, mà cũng là đồng nghiệp.
Sau nhiều năm giảng dạy, tôi có sự đúc kết rằng, không chỉ chỉ các học trò tri ân mà mình cũng phải tri ân các học trò của mình. Người ta thường nói “không thầy đố mày làm nên”, nhưng tôi cũng thấy “không trò đố thầy làm nên”.
Tôi luôn coi học trò là những người thân thương nhất trong cuộc đời mình và tôi rất tự hào về họ. Giảng viên không chỉ dạy 4-5 năm tốt nghiệp Đại học xong rồi thôi, không gặp lại nhau nữa, mà họ gần gũi khi đi học, đến lúc tốt nghiệp rồi lại cùng đi dạy, đi diễn cùng nhau.
Họ là học trò nhưng tôi nghĩ rằng mình chỉ giúp được phần nào, giai đoạn nào đó chứ không thể dạy hết được. Học trò tài năng họ có thể tìm cách học, sáng tạo và còn được nhiều người thầy rèn giũa.
Khoảng thời gian vừa qua, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nghệ sĩ đều chỉ có thể tập luyện chứ không thể biểu diễn. Thế nên tôi nghĩ, khi tạm yên ổn rồi thì chúng ta lại biểu diễn phục vụ công chúng. Các nghệ sĩ đang rất hào hứng.
Tổ chức đêm nhạc dịp này, chúng tôi mong muốn có sự tiếp nối đời sống âm nhạc Việt Nam. Có nghệ sĩ vĩ đại trên thế giới đã nói rằng: Nếu một ngày không tập đàn thì mình biết, 3 ngày không tập đàn thì vợ biết, 5 ngày không tập đàn thì công chúng biết. Nghệ sĩ luôn khao khát được biểu diễn, tôi cho đó là ước mơ rất chính đáng.
Chúng tôi cũng có ước vọng rằng, đêm nhạc gần gũi giữa thầy trò sẽ tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ, cũng là những người thầy tiếp tục con đường cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam phát triển hơn, hay hơn.
* Với những người yêu nhạc nói chung và những người đang có con em đang học nhạc, giáo sư có lời chia sẻ hay trăn trở nào?
- Tôi thấy âm nhạc mang đến cho con người hạnh phúc nhiều hơn là bất hạnh, đau khổ. Âm nhạc gắn bó với chúng ta từ lúc sinh ra đến khi đi khỏi cõi đời này. Khi mình buồn nhất, khó khăn nhất, âm nhạc luôn là người bạn thân thiết.
Âm nhạc và nhất là âm nhạc cổ điển giúp người ta hướng thiện, gần gũi, sống tích cực hơn. Các em học nhạc từ nhỏ cũng có bản năng trở thành những người tốt, bởi nghe nhạc thì người ta khó làm điều xấu.
40-50 năm ở Học viện Âm nhạc, trước khia là Nhạc viện Hà Nội, tôi thấy hầu hết các em học âm nhạc đều rất thông minh và ứng xử văn hóa. Chưa biết mình có thành tài hay không nhưng trở thành người có văn hóa trong một xã hội là rất cần thiết.
* Xin cảm ơn giáo sư đã chia sẻ!
Vài nét về GS.TS - NSND Ngô Văn Thành Nghệ sĩ Ngô Văn Thành tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky năm 1979, sau đó tốt nghiệp nghiên cứu sinh biểu diễn violin năm 1982 tại lớp GS, NSND Igor Bezrodny. Đầu thập niên 1990 cho tới năm 1996 ông từng là chủ nhiệm khoa Dây của Nhạc viện Hà Nội. Năm 1996 ông giữ cương vị Phó giám đốc Nhạc viện và giai đoạn 2006 - 2011 ông đảm trách vị trí Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, hiện giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tới bây giờ khi tuổi đã cao, nhưng ngọn lửa nghề trong ông vẫn luôn cháy sáng. Bằng tất cả tình yêu dành cho âm nhạc, những kinh nghiệm quý báu, cùng vốn kiến thức quý giá trong sự nghiệp của mình, giáo sư Ngô Văn Thành vẫn đang nỗ lực truyền giảng, vun đắp cho các thế hệ học trò của mình. |
Ngân An (thực hiện)