Gái xinh Ngoại giao chia sẻ về những thứ cần biết trước khi học tiếng Pháp: Điều cuối cùng đơn giản nhưng ít người làm được!
Nữ sinh đã chỉ ra 6 điều mà ai cũng cần phải biết trước khi học "ngôn ngữ lãng mạn nhất trên thế giới".
Nước Pháp được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp nên thơ của những cảnh quan hay vị thế vững mạnh trên bản đồ kinh tế thế giới mà còn bởi nền văn học đồ sộ. Chí ít một lần trong đời bạn từng thổn thức khi dõi theo bước chân phong trần của cậu bé Rêmi trong tác phẩm Không Gia Đình, hay không khỏi xót xa cho số phận của Phăng-tin trong Những Người Khốn Khổ. Những tác phẩm này không chỉ để lại giá trị nhân sinh quan sâu sắc mà còn là động lực cho những ai muốn mày mò học thêm "ngôn ngữ quyến rũ nhất hành tinh" - tiếng Pháp.
Nói về lợi ích khi học tiếng Pháp là không thể đếm xuể, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: "Những ai phù hợp để học tiếng Pháp?"; "Học tiếng Pháp có khó không?"; "Cần phải chuẩn bị gì khi cần học tiếng Pháp?"... Việc thắc mắc như vậy là hoàn toàn bình thường bởi chúng ta cần rất nhiều thời gian để thuần thục một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, thậm chí có nhiều người phải bó giữa chừng một ngôn ngữ nào đó vì không hợp...
Thấu hiểu được những băn khoăn đấy, Nguyễn Diễm Quỳnh (sinh năm 2002) - sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao đã đúc rút qua được một vài kinh nghiệm thực tế cho những ai muốn học tiếng Pháp. Việc được tiếp cận với "ngôn ngữ lãng mạn nhất thế giới" này ngay từ khi còn nhỏ, thêm vào đó là tình yêu dành cho tiếng Pháp, đã giúp Diễm Quỳnh sở hữu chứng chỉ DELF B2 - một chứng chỉ kiểm tra khả năng Pháp ngữ của những người sử dụng tiếng Pháp không phải là tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, cô nàng cũng đạt được giải Khuyến khích trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia môn tiếng Pháp.
Thứ nhất: Nếu phụ huynh đang có ý định cho con học tiếp Pháp thì nên để trẻ tiếp xúc trước một thời gian. Bởi lẽ, có những người học tốt các ngôn ngữ trong hệ latinh, nhưng có những người lại tiếp thu nhanh với hệ chữ tượng hình, biểu âm. Sự "tiếp xúc ngôn ngữ" ở đây không phải mọi người bật bừa một video bằng tiếng Pháp lên cho trẻ nghe, mà hãy cho con tiếp xúc về văn hóa, đất nước, con người Pháp... xem trẻ có bị thu hút hay không. Bởi gì thì gì, chỉ có yêu thích mới có thể giúp chúng ta tìm động lực học tập được.
Thứ hai: Giống như mọi ngôn ngữ, tiếng Pháp không chỉ dừng lại ở 4 kỹ năng (Nghe, Nói, Đọc, Viết) mà còn trải dài thêm cả Ngữ pháp và Từ vựng. Ngữ pháp tiếng Pháp rất quan trọng đặc biệt trong trường hợp muốn sử dụng nó phục vụ cho công việc của bản thân. Đối với những ai mới bắt đầu, sẽ cảm thấy ngữ pháp của ngôn ngữ này rất khó, nhưng nó chỉ khó ở một vài chủ điểm như: chia giống/ số, chia động từ và các loại đại từ... Nhưng ngôn ngữ nào cũng sẽ cái khó - dễ riêng, việc của mọi người là cố gắng "chinh phục" mọi thứ.
Thứ ba: Tiếng lóng của giới trẻ Pháp khác xa so với những gì chúng ta học trên trường lớp. Vậy nên, trong một vài trường hợp khi giao tiếp với người Pháp, đặc biệt là người trẻ sẽ có lúc chũng ta không hiểu vì họ viết tắt quá nhiều. Nhưng đừng quá lo vì nó chỉ phản ánh một phần mức độ tự nhiên và phản xạ ngôn ngữ thôi. Để phản xạ ngôn ngữ tốt, các bạn hãy tự tạo ra cho mình một môi trường thụ động như: Xem các video bằng tiếng Pháp, đọc báo Pháp hay những mẩu tin ngắn bằng tiếng Pháp mỗi ngày...
Thứ tư: Không được "thần tượng hóa" bằng cấp. Sở hữu chứng chỉ tiếng Pháp không thể kiểm chứng được khả năng sử dụng nó. Bởi chứng chỉ ngôn ngữ chỉ là thang đo chứ không phản ánh mức độ đồng đều giữa các kỹ năng. Việc thi một tấm bằng khác hẳn với việc chúng ta học một ngôn ngữ thực thụ. Vậy nên, khi đã sở hữu được chứng chỉ tiếng Pháp thì việc quan trọng là phải luyện tập hàng ngày.
Thứ năm: Hãy xác định ngôn ngữ là công cụ để chúng ta khám phá các chuyên ngành khác. Bởi không có chuyên môn thì không thể làm được gì cả, thậm chí cả nghề Biên - Phiên dịch tiếng Pháp bởi nếu không có kiến thức, kỹ năng về biên dịch, phiên dịch thì chúng ta cũng sẽ chẳng làm được gì.
Cuối cùng: "Học ngôn ngữ cần sự kỷ luật". Không có bí quyết học ngoại ngữ, không có con đường tắt nào khác ngoài việc chăm chỉ, nỗ lực học tập và trau dồi kỹ năng. Mỗi ngày học một ít rồi "tích tiểu thành đại", rồi một ngày nào đó bạn sẽ chinh phục được ngôn ngữ mà mình yêu thích.
Tính đến năm 2022, tiếng Pháp được sử dụng bởi hơn 321 triệu người, theo Berlitz. Có đến 68 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng tiếng Pháp như: Canada, Thụy Sĩ, Bỉ... Thậm chí, đây còn là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức quốc tế (Liên minh châu Âu, Tòa án Quốc tế, Liên Hợp Quốc, UNESCO…).
Còn theo dự án của Đại học Laval và Mạng lưới nhân khẩu học của Cơ quan phát triển cộng đồng Pháp ngữ, dự kiến đến năm 2025 số lượng người nói tiếng Pháp sẽ đạt 500 triệu, đến năm 2050 con số này sẽ là 650 triệu người và lọt top 5 ngôn ngữ "quyền lực" nhất trên thế giới - theo nghiên cứu của Tiến sĩ Kai L. Chan mang tên The Power Language Index (Chỉ số ngôn ngữ quyền lực, viết tắt PLI).
Ảnh: NVCC