Gái có công, chồng không phụ…
(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển nữ Việt Nam đã tạo nên chiến tích lịch sử khi giành tấm vé dự World Cup 2023. Đó là niềm vui vô bờ bến. Và cứ sau mỗi chiến tích đó, người ta lại nhắc đến câu chuyện nỗi khổ của các cô gái đi đá bóng.
Thực tế, đó là câu chuyện không chỉ của riêng ai. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, luôn có sự chênh lệch nhất định giữa các cô gái và chàng trai đi đá trong một nền quốc gia. Thậm chí, ở các quốc gia khu vực Trung, Tây và Nam Á, bóng đá nữ không được nhìn nhận ở vị thế xứng đáng.
Điều này phụ thuộc lớn vào văn hóa, ý thức hệ ở mỗi quốc gia. Tuy vậy, giá trị và thương hiệu mà bóng đá nữ mang lại thật khó để so với bóng đá nam. Từ đó, các doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành khó chú trọng đầu tư trọng điểm.
Cũng bình thường thôi khi mọi giá trị của thể thao phải sinh ra tiền. Có tiền, nhiều tiền thì mới có sự nhìn nhận nhất định. Thực tế, đến cả các quốc gia châu Âu, nơi có trình độ phát triển, các cầu thủ nữ luôn có sự chênh lệch lớn về mức độ quan tâm, tiền bạc.
Theo đó, một tháng, thu nhập của các ngôi sao chỉ dao động 60.000 đến 80.000 USD. Con số khá khiêm tốn so với mức thu nhập của các cầu thủ nam. Thế nhưng, hiệu ứng, giá trị hình ảnh, giải đấu và sự thu hút với các doanh nghiệp, các giải bóng đá nam bao giờ cũng ở mức độ rất cao.
Và rõ ràng, tương xứng với đó chính là sự đầu tư, thu nhập. Tuy vậy, không thể phủ nhận, bóng đá nữ Việt Nam đã có sự nhìn nhận chuẩn mực hơn trong những năm qua. Đó là sự thay đổi về thể thức thi đấu, tăng tiền thưởng, số đội, giải đấu để giúp các cầu thủ có nhiều hơn cơ hội thể hiện.
Ở các giải đấu lớn, VFF cũng như những doanh nghiệp luôn quan tâm lớn. Với chức vô địch AFF Cup 2019 và SEA Games 30, đội tuyển nữ Việt Nam ngập trong cơn mưa tiền thưởng. Các trụ cột có thể nhận mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng sau các giải đấu đó.
Hay như sau chiến tích tại Ấn Độ để giành tấm vé dự World Cup 2023, đội nữ Việt Nam không ngừng nhận các khoản thưởng từ VFF và các doanh nghiệp.
Đó là sự chăm lo lớn, thể hiện sự quan tâm và luôn dành đến đội nữ những giá trị nhất định cho thành công mà đội bóng mang lại. Thực tế, thể thao Việt Nam đã có sự chuyển mình lớn và khi thành quả đến, họ được tưởng thưởng xứng đáng.
Ngoài bóng đá nam và một số môn đặc thù được xã hội hóa, hầu hết các VĐV thể thao đều gặp khó khăn về mặt kinh phí. Ngay như các tuyển thủ quốc gia ở môn bơi, số VĐV có mức lương hàng tháng hơn 10 triệu đồng rất ít ỏi.
Không phải nói thế để so sánh và mọi so sánh đều khập khiễng nhưng ở thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam xứng đáng với những gì được nhà nước, xã hội quan tâm.
Gia Bình