FLC Thanh Hoá đua vô địch: Trên mũi giày Hoàng Đình Tùng
(Thethaovanhoa.vn) - Với 9 bàn thắng ghi được sau 13 trận đấu (lượt trận thứ 14 thắng S.Khánh Hoà BVN, Hoàng Đình Tùng không đăng ký danh sách vì đã nhận đủ 3 thẻ vàng), tiền đạo đeo áo số 2 của FLC Thanh Hoá, Hoàng Đình Tùng, thực sự là đang nắm giữ hồn cốt và tham vọng xưng vương của đội bóng xứ Thanh.
“Ngủ dậy” là có bàn thắng
Một giai đoạn dài tính bằng nửa thập niên, các cầu thủ đã kháo nhau rằng, Đình Tùng cứ ngủ dậy là có bàn thắng, ám chỉ khả năng đánh hơi bàn thắng của Tùng “con”. V-League 2008, Đình Tùng khi ấy mới 20 tuổi, đã ghi đến 12 bàn thắng để cùng với Ngọc Thanh của Hải Phòng, đoạt danh hiệu “đồng vua phá lưới nội”, dù là không chính thức. 7 năm sau, dù thời thế đã khác đi nhiều và bản thân Đình Tùng từng trải qua giai đoạn khó khăn ở Hải Phòng, nhưng cái duyên ghi bàn vẫn không mất đi.
Cùng với Đình Tùng, một tiền đạo gốc Thanh Hoá khác là Lê Văn Thắng (XSKT.Cần Thơ) cũng đang có 8 bàn thắng. Trước khi xuôi Tây đô, Thắng đã rời xứ Thanh để đầu quân cho V.Ninh Bình (đội bóng đến nay đã chính thức giải thể) và đây có thể xem là một mất mát cực lớn. Văn Thắng sinh năm 1990, còn thần tượng của anh, Đình Tùng, cũng chỉ hơn 2 tuổi. Nếu có đủ 2 cầu thủ này trong đội hình, FLC Thanh Hoá hẳn phải lợi hại hơn nhiều.
Địa linh sinh nhân kiệt, câu này rất sát nghĩa với mảnh đất xứ Thanh. Ngay trong địa hạt nhỏ như bóng đá và ở kỷ nguyên V-League, Thanh Hoá là nơi sản sinh ra rất nhiều tiền đạo giỏi, ví như cựu tiền đạo tuyển quốc gia Nguyễn Ngọc Thanh, Đình Tùng, Văn Thắng và cả Tăng Tuấn (người cũng đang có 7 bàn thắng trong màu áo B.Bình Dương)… Đất Thanh, nếu hiệu triệu được những người con xa xứ về cống hiến cho quê hương, thì chức vô địch V-League đâu chỉ là giấc mơ nữa!
Hình bóng quân vương
FLC Thanh Hoá đang phả hơi nóng vào gáy B.Bình Dương, với chỉ 1 điểm ít hơn, sau 14 lượt trận. Tuy nhiên, trong tiềm thức, FLC Thanh Hoá, Than Quảng Ninh không những không được liệt vào hàng ngũ “quân vương”, thậm chí còn xếp sau cả SHB.Đà Nẵng, Hà Nội T&T và ĐTLA. Nó bắt đầu từ một nếp nghĩ: V-League là cuộc chơi của những ông bầu, chứ không phải sàn diễn của riêng những đội bóng nặng tính cộng đồng, mà xứ Thanh hay đất Mỏ đang là tiêu biểu.
Năm 2011, SLNA vượt qua Hà Nội T&T hùng mạnh, để lần đầu tiên vô địch V-League sau 10 năm chờ đợi. Có thể nói, xứ Nghệ lúc đó đã không chỉ cứu rỗi cuộc chơi không trở nên nhàm chán mà còn nói lên được vai trò của đào tạo trẻ là bất biến. Về mặt cơ chế và thời thế, FLC Thanh Hoá lúc này thậm chí còn thuận lợi hơn SLNA cách đây 4 năm, khi tập hợp đủ tài lực, nhân lực và trí lực. Ngoài ra, bóng đá xứ Thanh còn được xem là tài sản của người dân, như slogan căng trên SVĐ tỉnh.
Việc xây dựng đội bóng giàu tính bản địa là rất quan trọng. Bằng với sự đồng lòng, đội ngũ CĐV hùng hậu SLNA từng giúp CLB trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, mà câu chuyện người hâm mộ quyên tiền để ủng hộ đội bóng giữ chân hiền tài, cho đến bây giờ vẫn là một điển tích. Ở các đội bóng mà ông bầu chủ chi, không bao giờ có được diễm phúc này. Cuộc đua đến chức vô địch V-League 2015 vẫn còn dài và nếu duy trì được sự ổn định, FLC Thanh Hoá hoàn toàn có thể lên ngôi.
2. Cùng với ĐTLA, FLC Thanh Hoá mới chỉ để thua 2 trận kể từ đầu mùa, một kỷ lục. Đó là các thất bại 0 – 4 trước SLNA ở vòng 6 và trước đó, lượt trận thứ 2, đội bóng xứ Thanh cũng đã để thua 0-2 tại Lạch Tray. Nhưng bù lại, FLC Thanh Hoá từng hạ cả 3 cựu vương khác là SHB.Đà Nẵng (vòng 1), HAGL (vòng 3) và Hà Nội T&T (vòng 5). 20. Dù đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng, với 1 điểm ít hơn nhà vô địch B.Bình Dương, nhưng FLC Thanh Hoá lại đang là đội để thủng lưới nhiều nhất trong tốp 9 đội dẫn đầu, với 20 bàn thua. Đây là con số rất đáng báo động, khi hàng công của FLC Thanh Hoá, gần như chỉ có mỗi Đình Tùng biết ghi bàn (9 bàn). 5. Thanh Hóa bây giờ thực ra có tiền thân là Thể Công. Năm 2010, Thể Công đã bán đội bóng cho tỉnh Thanh. Qua 5 năm phát triển, người dân tỉnh này đã coi đội bóng hiện nay là hồn cốt Thanh Hóa. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa