Hà Nội đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn
Ngày 5/12/2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố tổ chức Hội nghị "Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn".
Trong năm 2024, Hà Nội đón nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á". Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục "Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam" ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố - nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hoá, lịch sử.
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được du khách đánh giá rất cao về giá trị tài nguyên, giá trị văn hóa cũng như công tác bảo tồn và tôn tạo. Sự thân thiện của cộng đồng địa phương cũng đã tạo được rất nhiều dấu ấn trong lòng khách du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội thanh bình và hiếu khách.
Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai, thực hiện mô hình của Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh…
Nhiều điểm du lịch của Hà Nội đã tổ chức mới nhiều sản phẩm về đêm, đẩy mạnh hợp tác công tư, cơ chế tự chủ của các ban quản lý điểm đến, đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, ứng dựng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống vé điện tử, đổi mới tuyên truyền quảng bá trên website, mạng xã hội, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Hà Nội là địa phương đậm nét văn hóa dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử với hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa. Đây là nguồn lực để thực hiện công nghiệp văn hóa của Hà Nội, một nguồn lực lớn mà không địa phương nào có được. Việc triển khai mô hình tuyên truyền "Di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn" cho thấy, mô hình có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, di sản trên địa bàn.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình, chỉ ra điểm tốt để phát huy, nhân rộng, điểm chưa tốt để khắc phục. Cần phải có mô hình tiêu biểu để chia sẻ và nhân rộng, đó là minh chứng cho hiệu quả của việc phát huy giá trị của di tích.