Facebook giả mạo chiếm khoảng 60% số vụ lừa đảo trên mạng xã hội
(Thethaovanhoa.vn) - Báo cáo “Thư rác và lừa đảo trong quý 1/2018” của Kaspersky Lab cho thấy, hệ thống chống lừa đảo của hãng bảo mật này đã ngăn chặn hơn 3,6 triệu lượt truy cập vào các trang mạng xã hội lừa đảo, trong đó có có gần 60% là trang Facebook ảo.
- Nghịch lý người dùng tăng sử dụng Facebook sau vụ bê bối Cambridge Analytica
- Vụ bê bối dữ liệu của Facebook: Cambridge Analytica nộp đơn xin phá sản tại Mỹ
- Facebook đang lên kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử riêng?
Theo chuyên gia của Kaspersky Lab, kẻ gian thường tạo ra một bản sao của các website (ví dụ như trang Facebook ảo), cố gắng dụ dỗ các nạn nhân không có sự đề phòng và buộc họ phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, mật khẩu, số thẻ tín dụng, mã PIN…
Nếu như trong quý 1/2017, Facebook trở thành một trong 3 mục tiêu về lừa đảo nói chung (8%), sau đó là Microsoft (6%) và Paypal (5%) thì đến quý 1/2018, Facebook dẫn đầu trong danh mục lừa đảo mạng xã hội, tiếp theo đó là VK - một mạng xã hội trực tuyến của Nga và Linkedln.
Nguyên nhân là bởi mỗi tháng có đến 2,31 tỷ người dùng Facebook thường xuyên, gồm cả những người đăng nhập vào ứng dụng không xác định bằng cách sử dụng tài khoản Facebook, từ đó cấp quyền truy cập vào tài khoản của họ. Điều này làm cho người dùng Facebook trở thành đối tượng thu lợi cho tội phạm tấn công.
Một chuyên gia phân tích nội dung web tại Kaspersky Lab cho hay, mặc cho các sự cố toàn cầu gần đây, người dùng vẫn tiếp tục click vào các địa chỉ không an toàn và cho phép các ứng dụng không rõ nguồn gốc truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình. Trong khi đó, tấn công lừa đảo không ngừng gia tăng nhắm vào mạng xã hội và tổ chức tài chính, do đó người dùng phải nghiêm túc chú ý hoạt động trực tuyến.
Tình trạng lừa đảo qua Facebook tại Việt Nam cũng rất đáng báo động. Thời gian qua, báo điện tử VietnamPlus cũng liên tục phát đi những cảnh báo về tin nhắn giả mạo lan tràn qua Facebook để cảnh báo người dùng.
Chuyên gia của Kaspersky Lab khuyến nghị người dùng luôn kiểm tra địa chỉ đường dẫn và người gửi email trước khi click; không sử dụng Wi-Fi công cộng hoặc Wi-Fi không rõ nguồn mà không có password; không bao giờ chia sẻ dữ liệu quan trọng cho bên thứ ba; sử dụng biện pháp bảo vệ tin cậy ngăn ngừa hành vi lừa đảo…
Theo Trung Hiền/ Vietnam+