Eurovision 2018 trở lại bóng bẩy
(Thethaovanhoa.vn) - Israel vừa giành chiến thắng tại Eurovision - Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu 2018. Bài hát thắng cuộc -Toy - do Netta biểu diễn, mang phong cách lòe loẹt, chiêu trò-đặc điểm vốn từ lâu đã là “thương hiệu” của cuộc thi này.
- Eurovision 2017: Chiến thắng của âm nhạc
- Eurovision 2017: Bồ Đào Nha bất ngờ thắng ứng viên nặng ký Italy bằng bài ca sầu mộng
- Eurovision 2017 khai màn, 7 vạn fan đổ về Ukraina
Khi nâng cúp năm ngoái, ca sĩ Salvador Sobral của Bồ Đào Nha đã nói với đám đông rằng anh hy vọng chiến thắng của mình sẽ mang “âm nhạc trở lại với những giá trị thật sự”. Anh nói: “Âm nhạc không phải là pháo hoa, âm nhạc là cảm xúc”.
Chiến thắng của sự khác biệt
Thế nên, hẳn Sobral không vui mừng lắm khi trao chiếc cúp cho Netta tại Eurovision 2018.Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Publico hồi đầu tuần trước, Sobral không ngần ngại nói rằng ca khúc của thí sinh đại diện Israel thật “kinh khủng”.
Nếu như thành công của Sobral năm ngoái được coi là chiến thắng của âm nhạc thì với Netta, đúng như cô nói, đó là chiến thắng của “sự khác biệt”.Ca khúc Toy của cô vô cùng kỳ quái, và người hâm mộ trong khán phòng rất hưởng ứng nó.
Trên sân khấu, Netta ăn mặc và trang điểm cực kỳ lòe loẹt, đứng trước hai chiếc giá cũng lòe loẹt không kém chứa toàn mèo thần tài Maneki Neko vàng chói. Các vũ công của cô, trong trang phục hồng - đen bó sát, làm mặt biểu cảm và nhảy những điệu giật cục. Thỉnh thoảng, cả Netta cùng các vũ công bất ngờ đập hai tay như gà, phụ họa cho đoạn cô hát giả tiếng gà. Và tất nhiên, màn trình diễn không thể thiếu pháo hoa bắn ngợp sân khấu.
Khán giả phía dưới, những người yêu thích Toy, đã đội những chiếc mũ hình con gà để thể hiện sự ủng hộ.
Toy sớm nhận được sự chú ý và yêu thích từ những vòng trước. Tuy nhiên, năm nay, có rất nhiều màn biểu diễn độc chiêu cũng được kỳ vọng sẽ mang cúp về cho quốc gia mình như Áo, Cộng hòa Síp và Thụy Điển. Rõ ràng, Netta cũng bất ngờ trước chiến thắng của mình.
Lảo đảo trên sân khấu, Netta không kìm được cảm xúc khi nói với khản giả: “Tôi hạnh phúc quá. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì sự lựa chọn khác biệt. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã chấp nhận những sự khác biệt giữa chúng ta”.
"Sự cố"quanh hậu trường
Bên cạnh pháo hoa, sẽ không còn là Eurovision nữa nếu thiếu đi những tranh cãi về chính trị theo cách này hay cách khác. Trong vài năm nay, chủ đề chủ yếu được nhắc tới là Nga. Ví dụ, năm ngoái, đại diện của Nga bị các nhà chức trách Ukraina cấm cửa do cô tới thăm Crimea sau khi Nga sáp nhập bán đảo này.
Năm nay, Nga vẫn đưa cô - Yuliya Samoylova - tới Eurovisiondự thi nhưng cô đã không đủ điều kiện để vào vòng chung kết hôm thứ Bảy.Năm nay, cũng như những năm trước, một số khán giả đã la ó khi kết quả bình chọn của Nga được công bố, như phản ứng trước chính sách chống LGBT của Nga.
Có một lượng lớn người đồng tính theo dõi Eurovision, và lá cờ sắc cầu vồng thường xuyên xuất hiện bên cạnh cờ của các nước dự thi.Tuy nhiên, khán giả Trung Quốc khi xem vòng bán kết hôm thứ Ba sẽ không thấy lá cờ sắc cầu vồng do kênhMango TV của họ đã làm mờ nó.
Đại diện Albania, Eugent Bushpeda - người có một hình xăm lộ trên cánh tay, cũng gặp rắc rối khi đài truyền hình Trung Quốc tiếp sóng, bởi quốc gia này đầu năm nay đã ra quy định cấm hình xăm xuất hiện trên truyền hình.
Mango TV cũng cắt tiết mục Together của đại diện Ireland Ryan O’Shaughnessy. Ca khúc nói về một mối tình đang tàn úa với sự minh họa của hai vũ công nam.
Đáp lại, Liên minh Phát thanh châu Âu EBU, đơn vị tổ chức cuộc thi, cho biết họ đã lập tức cắt đứt quan hệ với Mango TV và không cho phép đài này phát sóng chương trình bán kết hôm thứ Năm và chung kết hôm thứ Bảy vì đi ngược với “các giá trị của EBU về tính phổ quát và truyền thống đáng tự hào của chúng ta khi ca tụng tính đa dạng thông qua âm nhạc”.
Trong đêm chung kết, một người đàn ông cũng bất ngờ cướp micro của đại diện Anh SuRie khi cô đang biểu diễn ca khúc Storm để bày tỏ quan điểm: “Tất cả những tên phát xít của truyền thông Anh, chúng tôi yêu cầu tự do”.
Cuộc thi năm tới sẽ được tổ chức ở nước thắng cuộc, Israel.
Netta tên đầy đủ là Netta Barzilai, sinh ngày 22/1/1993 tại Hod Hasharon, Israel. Cô có nền tảng âm nhạc phong phú, theo học âm nhạc ở trường trung học và trường nhạc Rimon ở Israel. Ca khúc Toy do Doron Medalie và Stav Beger sáng tác, mang lại chiến thắng lần thứ 4 cho Israel tại Eurovision, giành được 529 điểm, hơn nước đứng thứ hai là Cộng hòa Síp 156 điểm. |
Thư Vĩ (Theo NPR)