loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chẳng hiểu sao, tôi cứ luôn nghĩ đến hình ảnh “Hội chợ phù hoa” khi xem tuyển Anh đá. Nó có cái gì đó thật tương đồng.
Với những người làm báo, hôm nay 21/6 là một ngày hội, thường thì sẽ rất rộn ràng, nếu không có Covid-19 thì cái sự rộn ràng này sẽ kéo cả tuần lễ và đỉnh điểm sẽ là lễ trao giải báo chí Quốc gia…
Nền văn học Anh dưới triều đại Victoria thế kỷ 19 có hai đại diện ưu tú là Charles Dickens và William Makepeace Thackeray, người được độc giả Việt Nam biết đến với tác phẩm “Hội chợ phù hoa”. “Hội chợ phù hoa” là một trong năm áng văn chương nổi tiếng nhất xứ sương mù và được đánh giá là một kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Anh thế kỷ 19. Chủ đề của cuốn truyện nhằm lột tả sự phù phiếm của cuộc đời-tấn hài kịch lớn mà mỗi người tham gia vào đó, sắm một vai trò chủ động hoặc bị động, như một món hàng, hoặc tự rao bán, hoặc để người khác định giá…
Người Anh với tính cách cố hữu là cao ngạo và vô minh luôn thích một con đường riêng, giống như cách họ chọn Brexit. Bởi vậy, dẫu dù tưởng như là cái đích của mọi đội bóng đến với một giải đấu lớn là đua tài, là hướng đến ngôi vô địch, nhưng dường như sân cỏ với đội tuyển Anh chính là một chốn phù hoa mà họ ở đó để phô trương bản thân, mưu cầu sự nổi tiếng… Mỗi người một tham vọng, ý đồ… từ các ngôi sao cho đến cả vị huấn luyện viên của họ đều mang cho riêng mình những toan tính cá nhân mà điểm chung duy nhất không phải là làm sao để chiến thắng mọi trận đấu và lên ngôi vô địch. Điểm chung đó chính là dung tưởng cảnh họ sẽ chụp ảnh như thế nào, quảng cáo cho hãng nào cho được giá, sẽ có giá ra sao trên thị trường chuyển nhượng nếu như họ vô địch. Nghịch lý là, giấc mơ đó được hình thành, thậm chí là khi giải đấu chưa bắt đầu.
Dù Gareth Southgate là huấn luyện viên thành công nhất trong vài thập kỷ gần đây với thành tích đưa tuyển Anh đứng thứ 4 tại World Cup 2018 thì anh này vẫn là một cựu cầu thủ người Anh với đầy đủ mọi phẩm chất truyền thống cố hữu. Do vậy, cái cách Southgate chọn cầu thủ để đưa đến sân chơi EURO, hay cụ thể hơn cho mỗi trận đấu đều mang ít nhiều tính chất “làm hàng”, điều này đã khiến đội bóng nhiều ngôi sao luôn luôn tầm thường và thi đấu trầy da tróc vẩy trước cả đối thủ được đánh giá cao hơn lẫn đối thủ được cho là kém hơn họ.
Nhìn cách họ thi đấu với Croatia và Scotland, tôi luôn ngạc nhiên là sao họ không thua? Thực tế là họ nên thua để đừng ảo tưởng về sức mạnh của mình hơn là thua ở trận đấu cuối cùng với Cộng hòa Czech, trận đấu mà tôi tin chắc rằng họ sẽ thua.
Có một vài người đã nói rằng, Anh giấu bài, Anh chọn nhánh đấu. Tôi đồng ý với nhà báo Hà Quang Minh trong một bài viết anh đã nhận định: Tuyển Anh của Gareth Southgate chẳng có bài gì để giấu và nếu các ngôi sao của họ không ghi bàn thì khả năng họ dừng chân ở vòng đấu loại trực tiếp là hiện hữu.
Cũng không thể so sánh tuyển Anh và Pháp, dù cả hai đang có tình trạng khá giống nhau, một trận thắng, một trận hòa và các ngôi sao được kỳ vọng đều chưa lên tiếng. Nhưng Pháp là ông lớn, họ có sự cao ngạo của nhà vua, đối thủ họ đánh bại là tuyển Đức chứ không phải Croatia vì thế, trận hòa với Hungary chính là một sự sơ sẩy, còn với tuyển Anh thì là không thể thắng, không thể ghi bàn…
Dẫu rằng, tình yêu có thánh hóa và không tránh khỏi có tình yêu đầy thực dụng, bên cạnh những toan tính thì cũng vẫn có những cống hiến chỉ vì đam mê… Nhưng, nếu kiến trúc thượng tầng không điều chỉnh, sân Wembley với tuyển Anh dẫu gần mà sẽ xa vời vợi khiến họ không thể đến… Cần nhớ rằng, sân cỏ đâu phải chốn “Hội chợ phù hoa”!
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng.
|
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
loading...