(Thethaovanhoa.vn) - Có một quán cà phê đã nổi tiếng cả thế giới vì xuất hiện đầu tiên ở Paris, được xem là “quán cà phê văn chương” đầu tiên trên thế giới, nơi ngày xưa đa số các tinh hoa Pháp đều thường xuyên đến đây, tranh luận, sáng tác và cho ra đời những tác phẩm bất hủ cho nhân loại - Le Procope.
Chúng tôi nghĩ mình quá hạnh ngộ, khi được chạm tay vào những mảng lịch sử lẫy lừng của Pháp ở một không gian đã 330 tuổi.
Cái mũ của Napoleon
Trái bóng ở Paris ngừng lăn, chúng tôi lại có dịp lang thang khám phá kinh đô ánh sáng. Hai anh em tìm về quán cà phê Le Procope, có từ năm 1686. Quán nằm ở số 13 phố Ancienne-Comédie, thuộc quận 6, trên một con phố cổ kính. Người Paris có câu ngạn ngữ: “Bạn chưa đến Paris nếu chưa một lần ghé Le Procope”. Hai ly cà phê chỉ giá tương đương 200 nghìn đồng, quả là quá rẻ cho một buổi ngược dòng ký ức tuyệt đẹp.
Vừa bước vào quán, ngay bên trái, một cảm xúc trào dâng khi chạm mặt tấm kính, đặt chiếc mũ của Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Napoleon lúc đó mới chỉ là một viên Trung úy. Có hai giai thoại, không biết đâu là sự thật. Trong một ngày đến quán ở Le Procope, ông đã lỡ bỏ quên chiếc mũ nhà binh của mình lúc vội vã tính tiền. Giai thoại khác, anh chàng trung úy không đủ tiền, nên đã phải “cắm” lại cái mũ.
Các bậc tài hoa đa số thuở hàn vi đều nghèo khổ. Bên mình cũng thế thôi, giai thoại những người nổi tiếng uống rượu phải ghi sổ nợ, phải trừ tiền rượu bằng tác phẩm, cũng rất nhiều.
Vậy thì hoàng đế Napoleon cắm mũ có gì lạ đâu. Ôi cái mũ của một tráng sĩ cả cuộc đời mải mê đánh nhau, mà đa số trận nào cũng cầm kiếm đi trước, về sau, dân xã hội gọi là “chất lừ”. Biết bao giờ nhân gian mới có được một người văn võ toàn tài, tính cách vừa kiêu hùng, vừa lãng mạn khôn xiết. Ông nói về yêu: “Trong chuyện yêu thương không bao giờ đầy đủ cũng như không có lúc nào thừa. Dù cho có viết cho nhau hàng nghìn hàng vạn lá thư cũng không bao giờ vơi được nỗi niềm thương nhớ đang chất chứa trong lòng hai kẻ yêu nhau”.
Ông lấy chiến tranh ra so sánh ái tình: “Trong chiến tranh hay trong tình yêu, muốn chấm dứt, phải đến gần nhau”.
Đàn bà trong mắt ông: “Đàn bà đẹp làm vui mắt, đàn bà hiền làm vui lòng. Người trước là một thứ nữ trang, còn người sau là một kho tàng. Ra đời trăm trận trăm thắng, nhưng về nhà không thắng nổi người đàn bà”.
Và đây là bình phẩm giá trị một con người: “Chiều cao của người đàn ông tính từ đầu lên đến... Trời”...
Cà phê ở quán Le Procope được coi ngon nhất Paris, những viên đường xinh xinh kèm theo tấm bưu thiếp quán tặng cho thực khách làm kỷ niệm.
Im lặng để nghe tiếng rì rầm từ bốn bức tường
Ngoài sách sử, chúng tôi cũng được nhân viên tận tình chỉ giáo thêm lịch sử của quán. Giữa thế kỷ VII, cà phê du nhập vào Pháp và dần trở thành một thức uống triều đình. Năm 1686, một người Ý gốc Palermo tên là Procope đã có ý tưởng mở quán cà phê, nơi khi đó chỉ toàn quán rượu. Ba năm sau, Nhà hát kịch Pháp được mở trên cùng con phố này đã giúp quán cà phê thu hút thêm khách.
Những nhân vật “ngồi đồng” thường xuyên ở đây hầu hết là các chính trị gia, nghệ thuật gia, triết gia lừng lẫy như La Fontaine, Voltaire, Rousseau, Diderot, Beaumarchais, Balzac, Hugo, Verlaine...
Vào thế kỷ XVIII, những ý tưởng tự do cũng đã khởi phát từ đây. Người ta tin rằng, chính tại nơi này, Diderot đã soạn cuốn Từ điển bách khoa toàn thư và Benjamin Franklin đã viết nên Hiến pháp Hoa Kỳ.
Đây cũng là nơi hội họp của các chính khách thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp như Robespierre, Danton và Marat. Người Paris còn khẳng định cuộc tấn công vào cung điện Tuileries đêm 10/8/1792, được phát lệnh từ chính Le Procope.
Chúng tôi, và cả những du khách đến tham quan, đều giữ im lặng, như sợ chỉ một tiếng động quá bình thường cũng phá vỡ các linh hồn đang trú ngụ ở Le Procope. Mơ hồ như những bức tường dội về âm thanh rì rầm của các cuộc tranh luận, tiếng rì rào của các con chữ đang ào ạt trên trang giấy trắng. Đây góc bàn viết của Victor Hugo. Kia là căn phòng nơi mà Voltaire, Balzac thường xuyên ngồi. Hình bóng của các bậc vĩ nhân vẫn còn hằn trên tường. Vẫn còn đó bút tích của bản chép Bản tuyên ngôn nhân quyền và công dân, những lịch sinh hoạt văn thơ.
Le Procope đã gìn giữ di sản của những chứng nhân một thời kỳ đầy biến động của lịch sử nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung, bằng một niềm đam mê và trân trọng đáng kinh ngạc. Chúng tôi thấu hiểu điểu đó, khi các nhân viên không hề tỏ ra chút khó chịu, bất chấp khách hàng “sục sạo” khắp quán để quay phim, chụp ảnh. Họ coi Le Procope không cho riêng mình, mà của Paris và cả nước Pháp.
Không chỉ có có giá trị lịch sử, Le Procope còn biết đến với thứ cà phê ngon nhất Paris. Các món ăn hiện đại nhưng vẫn còn đó những món xưa cổ, để thực khách thực sự được đắm chìm trong quá vãng vàng son của thế giới ẩm thực. Ngồi ở đây, nghe âm thanh của tiền nhân, chúng tôi cũng phải soi lại chính mình, đã đóng góp được gì cho cuộc đời ngắn ngủi này.
Quả thật, sau khi tham quan quán Le Procope, lại bị “bệnh cũ tái phát”, ước ao ở quê nhà những chủ quán cà phê (và nhà hàng) có thói quen vun vén cho quán mình giá trị lịch sử. Mỗi quán là một câu chuyện thú vị. Thành công hay thất bại đều có tính hướng nghiệp, cần phải kể cho cháu con, hậu thế. Lịch sử không tự nhiên mà có, vấn đề ý thức nâng niu, chắt góp ở mức nào. Thực tế ở ta, cũng có rất nhiều quán cà phê có giá trị về lịch sử, về đời sống của các bậc thức giả nổi tiếng một thời, nhưng sau thời gian bị mai một trong tiếc nuối khôn nguôi.
Hai anh em chúng tôi ngồi lim dim, thở nhẹ, nhấm nháp tách cà phê một cách từ tốn. Và chúng tôi đã thoảng nghe những thanh âm đâu đó vọng về từ những bức tường - những người bạn im lặng và bền bỉ đã đón - tiễn đưa bao nhiêu người bạn lớn của cuộc đời này.
Chia tay Le Procope, nhón một viên đường màu tím, bỏ vào miệng, nghe thấm tận tâm hồn cả Paris từ muôn kiếp.
Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa