(Thethaovanhoa.vn) - Joachim Loew tuyên bố “Đức không sợ Italy”. Antonio Conte thì bảo “Đức trên các đội khác một bậc. Họ mạnh hơn tất cả”. Hãy tin không hề có chuyện lên dây cót tinh thần hay tâm lý chiến ở đây. Sự thật chắc chắn ít nhiều đều nằm trong đó.
8 lần đối đầu Italy ở EURO và World Cup trong lịch sử, Đức không thắng nổi lần nào. 4 trận hòa và 4 thất bại thực sự là nỗi ám ảnh. Người Đức dĩ nhiên không muốn nó tiếp tục kéo dài còn người Italy cũng hiểu đội Đức mà họ đối mặt hôm 2/7 này tuy vẫn giống mà lại rất khác với Die Mannschaft từng bị họ vượt qua ở bán kết EURO bốn năm về trước.
Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt con người, tuyển Đức ở EURO năm nay không thay đổi nhiều so với chính họ 4 năm về trước. Vẫn là Joachim Loew cầm quân, vẫn những Hummels, Boateng, Neuer, Kroos, Mueller, Khedira... trong đội hình. Chỉ khác là ở EURO này Đức có thêm Juan Draxler.
Nhưng nhìn vậy mà không phải vậy. Khác biệt quan trọng nhất là nhiều cầu thủ xuất sắc hàng đầu của Đức bây giờ mới ở vào độ chín còn tại EURO 2012 họ vẫn chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Chúng ta đang nói về những Kroos (26 tuổi), Mueller (26), Boateng (27), Hummels (27).
Ngay cả Khedira của EURO này cũng khác với Khedira của EURO 2012. Lí do? Anh chính là “tay trong” lợi hại của Joachim Loew lúc này bởi đang chơi cho Juventus và rất hiểu về những cầu thủ Juve vốn là nòng cốt của Azzurri ở EURO năm nay. Đó là điều mà 4 năm về trước ông Loew không có được. Kinh nghiệm của Khedira về bộ ba trung vệ BBC của Italy chắc chắn sẽ giúp Joachim Loew biết rõ hơn ông cần phải làm gì để phát huy tốt nhất hiệu quả tấn công của Đức trong cuộc chiến sau đây ít ngày.
Xem Italy đánh bại Tây Ban Nha 2-0
Phẩm chất cầu thủ và các giải pháp tiếp cận khung thành của Die Mannschaft rất đa dạng. Bằng bóng chết họ có Kroos, người khởi xướng các bàn thắng của Mustafi trong trận gặp Ukraine và Boateng ở trận thắng Slovakia. Bằng bóng bổng họ có Gomez, Mueller, Boateng, Hummels... Tất cả đều có thể không chiến tốt. Bằng sút xa họ có Schweinsteiger, Mueller, Boateng, Kroos, Khedira.... Nếu cần tạo đột biến bằng các pha xử lý kỹ thuật, đi bóng lắt léo để phá những hàng thủ “bê tông” hoặc chơi nhiều tầng, Đức có thể trông đợi ở Oezil và Draxler. Họ tấn công cả biên lẫn trung lộ.
Tóm lại là Đức có thể hạ gục đối thủ bằng nhiều cách khác nhau nên rất khó để đối thủ của họ có thể phòng chống được hết và trong suốt cả trận đấu. Cho tới lúc này, Đức là đội duy nhất ở EURO chưa thủng lưới. Dĩ nhiên, tất cả những Bắc Ireland, Ukraine, Ba Lan, Slovakia chưa thể coi là những thách thức đủ lớn cho hàng thủ của Die Mannschaft. Nhưng điều đó cũng không hề làm giảm đi mức độ tin cậy trong lối chơi phòng ngự của họ.
Tại sao phòng tuyến cuối cùng của Đức khó bị xuyên thủng như vậy? Ngoài việc họ sở hữu cặp trung vệ chơi khá chắn chắn là Hummels - Boateng, cộng với sự hỗ trợ phòng ngự từ cặp tiền vệ trung tâm Kroos – Khedira hay thậm chí cả Mueller cũng lùi về phòng thủ khi cần thì Đức có một lợi thế mà không đội nào có được là họ sở hữu một thủ môn chơi chân siêu hạng và rất linh hoạt trong việc dâng cao cản phá như một libero tầm cỡ là Neuer. Tất nhiên, phản xạ bằng tay của Neuer cũng rất tốt.
Nhờ có một thủ môn đặc biệt như vậy nên Joachim Loew không chỉ an tâm trong khung gỗ mà hàng thủ của Đức như có thêm một trung vệ quét và điều đó càng khiến họ trở nên khó bị đánh bại hơn nữa. Đấy là chúng ta nói về phẩm chất cầu thủ, bối cảnh thực tế cũng như các giải pháp tấn công của Đức ở EURO này.
Xem Đức đè bẹp Slovakia 3-0
Đối đầu Italy, Đức có hơn 1 ngày nghỉ để hồi sức và đó là lợi thế không hề nhỏ. Thêm nữa, chính lịch sử toàn hòa và thua Azzurri trong các trận chính thức hoàn toàn có thể trở thành lực đẩy tinh thần cực lớn cho Joachim Loew và các học trò, kích thích họ chơi với nỗ lực khủng khiếp để chiến thắng.
Với Italy thì sao? Ngoài chuyện chắc chắn mệt mỏi hơn đối thủ do được nghỉ ít hơn thì bản thân lối chơi mà Antonio Conte triển khai đã là thứ bóng đá khiến các cầu thủ tiêu hao nhiều năng lượng khi họ bắt buộc phải di chuyển không ngừng. Trong sơ đồ 3-5-2 mà Conte sử dụng thì các hậu vệ cánh của Italy (De Siglio/Florenzi), các tiền vệ lệch cánh (Giaccherini/Parolo), tiền vệ phòng ngự (De Rossi) và cả một tiền đạo lùi như Eder phải di chuyển lên xuống rất nhiều để tham gia cả tấn/phản công lẫn phòng ngự.
Thống kê cho thấy Italy chạy nhiều hơn Tây Ban Nha cỡ 8km trong trận đấu ở vòng 1/8 vừa qua. Đối đầu với Đức, về mặt con người, Conte có thể phải dùng Sturaro đá tiền vệ trụ thay De Rossi (chấn thương) còn Motta (treo giò). Đó có thể chưa phải vấn đề quá nghiêm trọng vì nếu De Rossi đá được thì anh có kinh nghiệm còn nếu Sturaro ra sân thì anh mang đến sức trẻ, khát khao thể hiện và sự máu lửa đã được kiểm chứng ở Juventus.
Nhưng vấn đề lớn hơn là Đức, vốn đã được nghỉ nhiều hơn, hoàn toàn có thể khiến Italy rơi vào tình trạng cạn kiệt thể lực bằng thứ bóng đá tấn công tốc độ trong khoảng thời gian dài. Đó chính là điều mà một Tây Ban Nha mệt mỏi không làm được ở vòng 1/8. Chính thứ bóng đá chậm chạp mà Tây Ban Nha thể hiện trong phần lớn thời gian trận đấu khiến họ không tạo ra được nhiều xáo trộn trong lối chơi phòng ngự vốn được tổ chức rất tốt của Azzurri.
Nhưng rất khó chờ đợi Die Mannschaft thể hiện một bộ mặt thiếu sinh khí như vậy bởi họ rất hiểu rằng mọi thứ trong lối chơi phòng ngự của Italy đều gần như hoàn hảo và cách có lẽ là duy nhất để phá vỡ kết cấu phòng ngự ấy ngoài chuyện họ phải kết hợp đa dạng các giải pháp tấn công khác nhau thì họ cần chơi thứ bóng đá tốc độ cao để tra tấn thể lực của các tiền vệ Thiên Thanh.
Tốc độ cũng chính là điểm yếu đáng kể của BBC nên chỉ có chơi nhanh thì người Đức mới hy vọng mở ra các khoảng trống nhằm hạ gục Buffon. Những điều đó không quá khó để nhận ra, nhất là khi Joachim Loew lại có thêm cả “nội gián” Khedira mách nước.
Vũ khí lớn nhất để Italy hy vọng không phải là một miếng đánh chiến thuật nào đó trước Đức bởi sau những gì đã thể hiện, thật khó chờ đợi Conte đưa ra một ý tưởng chuyên môn nào đó có thể gây bất ngờ để làm “quà” cho Die Mannschaft. Điểm tựa lớn nhất cho Azzurri như thường lệ vẫn là sức mạnh tập thể trong lối chơi và cả nguồn sức mạnh tinh thần to lớn mà Conte kích thích và phát động thành công nơi các cầu thủ để bất kỳ ai dù là đá chính hay vào thay người cũng đều chơi với 100% khát khao và nỗ lực vì sắc áo Thiên Thanh.
Dĩ nhiên, khi bóng chưa lăn thì mọi phân tích chuyên môn đều chỉ mang tính tham khảo. Nhưng cũng chính vì thế nên ngay cả lịch sử đối đầu chưa bao giờ thua Đức ở World Cup hay EURO của Italy cũng chỉ để tham khảo mà thôi.
HT