(Thethaovanhoa.vn) - Nếu phải trả lời câu hỏi “kỳ EURO hay World Cup nào là đáng nhớ nhất trong khoảng 40 năm trở lại đây?”, hẳn nhiều người sẽ nhớ về Mexico 1986, với Diego Maradona, người vẫn còn làm cho rất nhiều tín đồ túc cầu giáo say mê với những câu chuyện kể về ông như một huyền thoại.
1. Maradona, kể từ kỳ World Cup ấy, đã trở thành một tiêu chuẩn của siêu sao, để làm thước đo cho bất kỳ những siêu sao nào ở thế hệ sau ông. Đó là một sự so sánh bất công, bởi tài năng mỗi thời mỗi khác. Nhưng người đời thì mặc kệ, họ vẫn thích phép so sánh đó, với một đáp án mặc định “Maradona là số 1”.
Và trong tất cả những lý do giúp họ mặc định chuyện Maradona là số 1 ấy, có một lý do bất kỳ ai cũng vịn vào đó mà lập luận. Đó chính là việc một mình Maradona, với tài năng trác tuyệt, đã dẫn dắt Argentina vô địch thế giới, và dẫn dắt Napoli vô địch Serie A hai mùa giải, 1986/87 và 1989/90.
Để rồi, từ mặc định đó, với hình dung Maradona như thể người hùng duy nhất có khả năng chấp tất, họ chán nản với thế giới bóng đá hiện đại, ngán ngẩm với các ngôi sao bóng đá hiện đại, khi cho rằng các siêu sao hôm nay không còn khả năng trở thành thủ lĩnh đầu tàu dẫn dắt cả một tập thể yếu kém đến đỉnh vinh quang như ngày xưa nữa. Và với sự chán nản cùng ngán ngẩm ấy, họ cho rằng bóng đá đã đánh mất đi khả năng tạo cảm hứng của vài ba thập niên trước.
2. Hôm nay, khi Wales đối đầu Bồ Đào Nha ở bán kết EURO, với chỉ hai điểm sáng lớn nhất, hai siêu sao của Real Madrid: Bale và Ronaldo, chúng ta có nên nhìn nhận lại hay không, với cách suy nghĩ khác, đánh giá khác?
Nếu Wales không có Bale, họ có vào tới trận bán kết này không?
Nếu Ronaldo không là tuyển thủ BĐN, BĐN có mặt ở EURO lúc này không?
Đó là hai câu hỏi ai cũng có thể trả lời ngay rằng “Không”.
Wales vẫn còn có Ramsey, Allen và BĐN vẫn còn có Renato Sanches, Quaresma, Nani, Pepe… nhưng rõ ràng, họ sẽ không đi tới đâu cả nếu không được dẫn dắt và truyền cảm hứng bởi Bale và CR7.
Hình mẫu một siêu sao dìu cả tập thể đến với thành công theo kiểu Maradona đang nằm ở chính Bale và Ronaldo chứ còn ở đâu nữa? Bóng đá không hề mất đi khả năng tạo cảm hứng của nó như chúng ta vẫn nghĩ. Bóng đá chỉ tiến bộ hơn hẳn, về mặt kỹ chiến thuật, về toan tính, về áp dụng khoa học và cả công nghệ. Nhưng bóng đá vĩnh viễn vẫn là bóng đá, vẫn tồn tại những cá nhân xuất chúng đủ tạo nên sức mạnh thần kỳ cho một tập thể bình thường.
Chỉ có chúng ta, với thói quen hoài cổ, luôn ngoái đầu về quá khứ với tiếc nuối, để rồi cùng tiếc nuối đó, nhìn vào hiện tại và tương lai với sự chán nản, mất lòng tin.
3. Thực tế, những người hay hoài cổ tới mức chán nản với hiện tại ấy thường là những người không thành công trong đời sống, không thỏa mãn với chính hoàn cảnh mình đang sống nhưng lại không cố gắng tìm cách nào để thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy, ngoài một cách duy nhất: than thở.
Nên nhớ, Maradona vẫn có những người như Burruchaga, Valdano, Sensini là đồng đội ở ĐTQG, và họ cũng là các cầu thủ giỏi. Còn ở Napoli, anh cũng không cô đơn. Bên anh là các tuyển thủ Ý như De Napoli, Bagni, Ferrara, Careca, Alemao, Zola, những người mà không ai có thể phủ nhận tài năng. Bởi vậy, huyền thoại hóa Maradona đến mức phủ nhận những giá trị của hiện tại, và cả tương lai, mà trong đó điển hình là thế hệ Bale, CR7, Messi, có thể coi là một sự phủ nhận đầy thiển cận.
Mùa 1989/90, khi Napoli đoạt scudetto, họ mặc trang phục của Kappa. Vâng, logo của Kappa là hai người dựa vào lưng nhau. Và siêu sao, cũng phải dựa vào lưng đồng đội.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa