(Thethaovanhoa.vn) - Họ đã chờ đợi đến tận phút 89 để rồi nhảy cẫng lên vì sung sướng, ôm hôn nhau và ca hát. Trước đó là 88 phút nghẹt thở. Nghẹt thở vì thất vọng, vì căng thẳng, vì chờ đợi, vì lo sợ đội bóng của mình sẽ thất bại, vì Albania thậm chí chơi tốt hơn và có một cơ hội đưa bóng đập cột. Nhưng rồi, những giây phút nặng nề ấy cũng trôi qua.
Trước trận đấu, Marseille như một nàng công chúa ngái ngủ. Những lá cờ nước Pháp đã tung bay trên các cửa sổ từ nhiều ngày nay, và tăng thêm nữa với mật độ cao hơn vào ngày Pháp đá ở Velodrome. Nhưng thành phố ấy vẫn chưa có vẻ gì là hào hứng với trận đấu. Những quán bar có màn hình lớn rất vắng người. Những thanh niên vẫn chạy trên các quảng trường. Những người già vẫn đi dạo. Chẳng có dấu hiệu gì của việc ở Marseille sắp diễn ra một trận đấu lớn.
Đối với Deschamps, HLV đội Áo Lam, đá ở Velodrome cũng chẳng khác trở về nhà, bởi Marseille là đội bóng mà anh đã gắn bó nhiều năm trong sự nghiệp. Người ta chờ đợi sự ủng hộ điên cuồng của Marseille, một sự ủng hộ rất khác với ở Paris, bởi hình như ở các thành phố cảng miền Nam, nơi mà giới cần lao rất đông và coi bóng đá như một niềm vui sống lớn lao, người ta điên vì bóng đá hơn là ở Paris hoa lệ. Một ngày trước trận đấu, trên kênh TF1, Deschamps bảo rằng, Marseille luôn đem đến cho anh những kỉ niệm đẹp, và đấy là những kỉ niệm về các chiến thắng. Những thước phim của quá khứ được chiếu lên ngay sau đó: Những thắng lợi để đời với Olympique Marseille trong những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990, trong đó có chức vô địch Champions League 1993, đỉnh cao và cũng là vực sâu của đội bóng ngày ấy, khi scandal dàn xếp tỉ số giữa họ và Valenciennes trước khi đá chung kết với Milan vỡ lở, đẩy Marseille xuống hạng 2. Và những kỉ niệm không thể nào quên ở World Cup France 98. Với Deschamps đeo băng đội trưởng, tại Marseille, Pháp đã thắng Nam Phi 3-0 trong trận mở màn giải đấu mà sau đó đội Les Bleus đã đăng quang vô địch thế giới.
Sự yên bình trước trận đấu
18 năm sau, Pháp không chơi trận khai mạc giải ở đây, mà chỉ là trận đấu
thứ hai, nhưng rất quan trọng. Bởi đấy là trận đấu mang tính quyết định
việc vào trong của họ ở EURO 2016. Có lẽ nào thành phố đem đến những
điều tuyệt diệu cho Deschamps và cho đội Áo Lam trong quá khứ lại có thể
bình chân như vại và không làm gì để hưởng ứng lời kêu gọi của một
người con thành phố?
Không, đấy là một sự yên bình giả tạo. Marseille,
thành phố lớn thứ hai của nước Pháp, thực ra đang ở tâm bão. Người ta
yên lặng lúc đầu là để ầm ỹ về sau. Những ai có vé đổ ra sân. Hàng nghìn
thanh niên không có vé đến khu fanzone, biến nơi ấy thành một sàn nhảy
discotheque khổng lồ. Hàng biết bao người khác ngồi trước tivi và chuẩn
bị cờ quạt để phất lên một khi Pháp chiến thắng. Những người Albania
cũng từ khắp nơi trên đất Châu Âu đổ về đây, trong một ngày hội mà có lẽ
trong đời họ không được chứng kiến nhiều lần. Những chiếc xe mang biển
Ý, Đức, Thụy Sĩ, nhưng cắm lá cờ đỏ có hình con đại bàng đen của Albania
đã chạy ngập đường Marseille những ngày qua. Hàng nghìn người Albania
và Pháp đã tập trung ở khu trung tâm cổ Marseille từ trước trận đấu để
nhảy nhót, hò hét và uống bia với nhau. Trận đấu giữa họ trở thành một
ngày vui chung cho tất cả.
Nhưng niềm vui cuối cùng chỉ thuộc về
người Pháp, vào đúng phút 89. Phải có mặt cùng họ, chứng kiến khuôn mặt
họ, với nỗi âu lo thường trực, sự bức xúc và căng thẳng vô cùng trong
suốt thời gian trước đó mới hiểu được bóng đá có thể khiến ta rơi vào
những vực thẳm tâm lí nào và không hề tốt cho tim mạch. Đám thanh niên
trước mặt tôi đã liên tục la hét và ôm đầu sau những cơ hội mà Pháp bỏ
lỡ, và thậm chí không dám nhìn lên màn hình mỗi khi Albania tấn công
nguy hiểm. Một cặp vợ chồng ngồi gần đó thì tỏ ra vô cùng căng thẳng.
Người chồng bực tức sau một pha hỏng ăn của Pháp và ném xuống đất chai
nước đang cầm trên tay. Một thanh niên làm tình nguyện viên ở khu
fanzone thì nói với người đứng cạnh rằng, "Nước Pháp bây giờ thiếu một
Zizou. Anh ấy ở đâu bây giờ?". Tất cả chìm trong mỗi lo lắng không thể
tả được bằng lời, khi người ta thấy đội tuyển bất lực. Đội Áo Lam đã
biến họ thành những người như thế ở giải đấu này, biến những ngày tháng 6
này thành một chuỗi ngày kì lạ của hàng loạt những sự kiện chỉ có tác
dụng làm cho lượng adrenaline trong máu tăng vọt: khủng bố đã tái xuất,
bạo lực từ các vụ biểu tình chống dự luật lao động lan rộng, hooligan
hoành hành ngoài sân cỏ, và đội Pháp toàn bắt người hâm mộ đợi đến phút
89 mới chiến thắng.
Hồi hộp chờ bàn thắng. Ảnh Anh Ngọc
Khi Marseille không ngủ
Marseille chỉ thực sự bừng tỉnh sau bàn thắng thứ
2 của Payet. Cả thành phố như trong một cơn điên loạn của âm thanh khi
tiếng còi cuối cùng cất lên. Đám thanh niên lái xe như điên và bóp còi
ầm ỹ. Những đoàn người cầm cờ chạy trên phố. Những người yêu nước cất
lên bản quốc ca La Marseillaise hoàng tráng và hào hùng. Bài hát ra đời ở
Marseille trong Cách mạng Pháp được nghe ở chính Marseille trong một
ngày chiến thắng của đội Pháp nghe thật xúc động. Không có máu của kẻ
thù tưới trên luống cày, như lời bài hát. Chỉ có những cầu thủ Albania
đầu hàng họ ở những phút cuối cùng, trong một trận đấu mà người hâm mộ
chưa thể hài lòng với những gì họ đã thấy trước mắt.
Nhưng chiến
thắng là điều quan trọng nhất, và những cuộc ăn mừng như thể Pháp vừa vô
địch EURO ở Marseille lại cho thấy một điều khác: chiến thắng trên sân
cỏ đang giúp nước Pháp hàn gắn những vết thương lớn lao mà các vấn đề họ
phải đối mặt đang gây ra. Đấy là chiến thắng của một đội tuyển đa chủng
tộc, ở một thành phố mà 1/3 dân số là người nhập cư. Và càng đi sâu
trong giải, hình ảnh của một đội Pháp như năm 1998 sẽ càng hiện ra, như
là biểu tượng của giá trị Pháp thời hiện đại: sự sống chung giữa các sắc
tộc và tôn giáo, giữa người bản địa và cộng đồng nhập cư. Sau chiến
thắng ở World Cup 1998 và những cuộc khủng bố trong những năm qua, sự
kết dính ấy không còn nữa. Và nước Pháp bây giờ có rất nhiều việc phải
làm…
Trên đường phố Marseille, sau khi trận đấu kết thúc. Ảnh: Anh Ngọc.
Đêm Marseille mát rượi, cả thành phố như đổ ra đường. Khu Vieux Port, khu cảng cũ ở trung tâm thành phố, chìm trong khói pháo và tiếng còi của những người đang phấn khích cực độ. Xe cảnh sát và cứu thương đang rú còi chạy đi đâu đó, trong một khung cảnh gợi lên nhiều cảm xúc về một thành phố không ngủ vì một trận bóng đá. Xe tôi dừng ở một ngã ba. Phía trước, trong bóng tối, hai người vô gia cư đang lấy thùng các tông bỏ lại trên hè và mang đến chỗ ngủ dưới một mái hiên, chẳng quan tâm đến hàng trăm cổ động viên đang nhảy múa trên đường.
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Marseille, Pháp)
Thể thao & Văn hóa