(Thethaovanhoa.vn) - Các “số 9 cổ điển” trở lại, không còn chỗ cho sự lơ ngơ về chiến thuật, Đức cô đơn và một đội bóng luôn cần sự cân bằng giữa tập thể và ngôi sao - đó là những điểm nhấn chuyên môn đáng chú ý tại giải đấu lần này.
Vòng chung kết EURO 2016 đã khép lại. 24 đội bóng đã mang tới rất nhiều điều đáng ghi nhận về chuyên môn.
1. Sự trở lại của các “số 9 cổ điển”
Kể từ thời điểm HLV Pep Guardiola sử dụng Lionel Messi cho vị trí “số 9 ảo” tại Barcelona vào mùa bóng 2009-10, ông đã bắt đầu một cơn si mê dành cho vị trí này. Công bằng thì Messi không phải “số 9 ảo” đầu tiên của bóng đá thế giới. Lịch sử đã ghi nhận những Mathias Sindelar, Nandor Hidegkuti, Johan Cruyff..., nhưng chưa khi nào vai trò này được thừa nhận nhiều tới vậy.
Sự lợi hại của “số 9 ảo” là nó giúp tăng cường sức mạnh công phá trung tuyến - các tiền vệ trung tâm sẽ được “tiếp viện” thêm nhân sự để phối hợp. Các trung vệ của đối thủ cũng sẽ luôn trong tình trạng phải đưa ra quyết định rời khỏi vị trí của mình hay đứng yên, cách nào cũng nhiều phần hại hơn phần lợi.
Tuy nhiên, chiến thuật hiện đại đã đưa ra lời giải đáp: lùi sâu hẳn, dựng ra các lớp rào chắn trước vòng cấm địa với cự ly hầu như không đáng kể. Khi ấy, mọi điểm mạnh của một “số 9 ảo” sẽ bị hóa giải, nếu không muốn nói là thừa thãi. Trừ khi một đội bóng có khả năng phối hợp ăn ý và có đầy đủ các nhân tố bù lại hạn chế (Tây Ban Nha 2012), cách tốt nhất để họ vượt qua những lớp phòng ngự dày chính là áp dụng một “số 9 cổ điển” - người sẽ tì đè, làm tường, dứt điểm ít chạm, không chiến...
Alvaro Morata (Tây Ban Nha), Mario Gomez (Đức) đã nhờ đó mà lấy lại vị thế của mình trong màu áo tuyển.
2. Không có chỗ cho sự ngây thơ
Đáng ngạc nhiên khi tại vòng chung kết EURO 2016, rất nhiều đội bóng “hồn nhiên” về chiến thuật đã góp mặt. Đây rất có thể là một hệ quả trực tiếp từ việc mở rộng khuôn khổ lên 24 đội của UEFA.
Thụy Điển, CH Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Bỉ là những đội bóng có hệ thống tổ chức quá sơ sài. Họ gần như chỉ là những đội lựa chọn một sơ đồ, một đội hình rồi đưa cầu thủ vào sân. Những yêu cầu quan trọng của chiến thuật hiện đại về cự ly đội hình, di chuyển không bóng, chiếm lĩnh không gian... đều không được thể hiện. Hầu hết trong số này đều đã có một kỳ EURO nhạt nhòa. Bỉ là đội duy nhất đi được tới tứ kết nhờ chất lượng cầu thủ rất cao, tuy nhiên khi gặp các đối thủ tổ chức tốt như Italy hay Xứ Wales, họ lập tức thất bại.
Bóng đá dĩ nhiên vẫn luôn cần sự cân bằng giữa chiến thuật và cầu thủ. Tuy nhiên, không có khả năng tổ chức chiến thuật tốt thì đồng nghĩa với thất bại.
3. Một mình Đức tấn công theo hệ thống
Hay nói chính xác hơn, là một mình Đức tấn công với hệ thống chiến thuật phù hợp. Tiếc rằng yếu tố con người đã cản bước đội bóng này ở bán kết gặp Pháp, khi tự họ thiếu đi những quân bài quyết định trong vòng cấm đối thủ.
Đã từng có thời gian, phòng ngự chặt đồng nghĩa với tổ chức hệ thống chiến thuật tốt. Nhưng kể từ khi Pep Guardiola xuất hiện, người ta mới nhận ra rằng một hệ thống chiến thuật tốt cũng có thể nằm ở khâu tấn công. Tấn công không chỉ đơn thuần là những bài miếng nhỏ lẻ hay dựa hẳn vào khả năng tạo đột biến của các cá nhân nữa.
Tuy nhiên, Đức là đội duy nhất vận hành tốt lối chơi này ở vòng chung kết EURO năm nay. Rất có thể bởi họ hưởng lợi từ Bayern Munich của Guardiola và Borussia Dortmund của Thomas Tuchel - hai đội bóng thượng hạng về tổ chức hệ thống tấn công.
Tây Ban Nha gặp mâu thuẫn giữa nhân sự và lối chơi, Anh quá yếu bóng vía để chơi tốt ổn định, Bồ Đào Nha hầu như chỉ kiểm soát thế trận tốt trung bình 45 phút/trận. Đức trở thành một hình tượng rất... cô đơn ở giải năm nay.
4. Tập thể và ngôi sao quan trọng như nhau
Sau khi Italy và Đức bị loại, đã có những ý kiến cho rằng sự “đồng đều” của hai tập thể này chính là lý do khiến họ bị loại, rằng họ cần phải có những ngôi sao nổi trội như trong quá khứ. Tuy nhiên, phía phản đối ý kiến nói trên cũng có thể lật ngược vấn đề rằng chính một tập thể gắn kết, được tổ chức chiến thuật tốt chính là lý do họ đi sâu tại EURO 2016.
Trên thực tế, đã có những đội bóng ngập tràn ngôi sao nhưng chỉ để lại ấn tượng xấu tại giải đấu này, mà tiêu biểu là Bỉ. Ngược lại, nhiều đội bóng ưu tiên tính chất tập thể hơn “làm nền” cho các ngôi sao lại gây ấn tượng, tiêu biểu là Ba Lan, Xứ Wales.
Sau cùng, mọi thứ đều cần sự cân bằng. Bồ Đào Nha và Pháp vào đến chung kết là minh chứng tiêu biểu nhất. Các ngôi sao của họ (Cristiano Ronaldo, Antoine Griezmann, Dimitry Payet, Paul Pobga...) có thể đã không gây ấn tượng xuyên suốt giải đấu, nhưng nền tảng tập thể tốt đã đưa họ vượt qua những thời điểm gian nan.
Bóng đá sau cùng vẫn cần sự cân bằng. Ngôi sao? Chưa đủ. Tập thể? Tốt, nhưng chưa đủ để đi tới trận đấu cuối cùng.
Sự yếu kém về chiến thuật của các đội bóng Anh Tại vòng chung kết EURO 2016, khu vực quần đảo Anh có tới 4/5 đại diện góp mặt: Cộng hòa Ireland, Bắc Ireland, Xứ Wales và Anh. Thành tích thi đấu của họ là tương đối tích cực khi đã có 1 đội dự bán kết, 1 đội vào tới tứ kết và 1 đội vượt qua được vòng bảng. Tuy nhiên, cũng tại giải đấu này, họ đã thể hiện sự thua kém rất lớn về chiến thuật so với các đội cùng dự.
Anh đã gây thất vọng như thường lệ
Trong số đó, CH Ireland là đáng chê trách nhất. Họ thi đấu như một đội bóng bước ra từ năm 2000. Bắc Ireland đáng nhận được sự thông cảm, khi lực lượng của họ quá yếu so với mặt bằng chung. Họ bù lại bằng việc tổ chức một hàng thủ vô cùng đông đảo, dao động từ 5 đến 6 hậu vệ tùy từng trận. Họ thường cũng chỉ có 1 tiền đạo duy nhất cắm ở phía trên. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, cũng giống như Xứ Wales, hàng thủ của họ chỉ đông người, chứ không có sự tổ chức thực sự tốt. Với Xứ Wales, khi vào sâu trong giải, điểm yếu của họ dễ dàng lộ ra trước Bỉ (bàn thắng của Radja Nainggolan) và Bồ Đào Nha.
Xứ Wales và Anh có một điểm yếu chung, nằm ở khả năng tổ chức tấn công khi cầm bóng. Cả hai đều thiếu đi cấu trúc vị trí phù hợp. Các cầu thủ của họ thi đấu cũng dựa nhiều vào tinh thần. Tuy nhiên, Xứ Wales chỉ bị vạch trần khi gặp đội chơi thấp (BĐN), còn Anh thì thực sự đã gây ấn tượng xấu từ đầu giải tới khi bị loại. |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa