(Thethaovanhoa.vn) - Sau thảm họa World Cup 2014, một lần nữa HLV Vicente Del Bosque lại phải đối mặt với câu hỏi: Bây giờ là gì? Hai năm qua, ông liên tục nhấn mạnh vào từ khóa “chuyển giao mượt mà”, nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn đang rất gồ ghề.
Nhìn lại sự xuống dốc
Năm 2008 có thể coi như một dấu mốc chói lọi trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Ở cấp CLB, Barcelona nổi lên dưới sự dẫn dắt của HLV trẻ trung Pep Guardiola, người mà sau đó ít lâu đã được huyền thoại Johan Cruyff mô tả là “tạo ra một tư tưởng bóng đá khác biệt”. Guardiola khiêm tốn nói rằng ông chỉ là người theo “tôn giáo” của Cruyff, rằng “Johan đã xây nên một thánh đường, nhiệm vụ của chúng tôi là giữ gìn nó”. Barcelona của Pep Guardiola đã làm nên những thay đổi lớn lao trong làng bóng đá châu Âu, đi kèm với đó là vô số những danh hiệu lớn nhỏ.
Cùng thời điểm đó, ĐTQG Tây Ban Nha cũng bắt đầu bước vào một kỷ nguyên “vô đối”. Mọi thứ bắt đầu vào năm 2008, khi cố HLV Luis Aragones loại bỏ Raul Gonzalez, trao quyền cho lứa cầu thủ Barcelona đang lên, với thủ lĩnh tinh thần Carles Puyol và thủ lĩnh chuyên môn Xavi Hernandez. Sau khi ông Aragones bước xuống, HLV Vicente Del Bosque đã tiếp nối thành tựu này.
Tây Ban Nha bước vào thời kỳ “bách chiến bách thắng”, song song với Barcelona. Điều thú vị là giải đấu cuối cùng mà Tây Ban Nha vô địch tính tới nay là EURO 2012, cũng là năm mà Pep Guardiola nói lời chia tay Barcelona. Nhìn từ góc độ chuyên môn, sự tương đồng trong phong cách chơi bóng của họ là hết sức rõ ràng.
Tuy nhiên, sau năm 2012, sự sa sút của Barcelona và Tây Ban Nha đã thể hiện rất rõ ràng. Với La Furia Roja, họ gặp rất nhiều vấn đề khi một số cái tên quan trọng suy giảm thể lực do tuổi tác, điển hình là Xavi và Xabi Alonso.
Một thực tế không thể phủ nhận là trong lối chơi của Barcelona và Tây Ban Nha là yêu cầu rất lớn trong sự linh hoạt và dẻo dai của các cầu thủ. Họ có thể không cần chạy nhanh, nhưng để hoạt động tốt trong những khoảng không gian hẹp, các cầu thủ Tây Ban Nha tiêu tốn thể lực và trí lực chẳng thua gì những cầu thủ bứt tốc cự ly dài.
Tuổi tác và những đôi chân trụ cột không thể đảm bảo cường độ hoạt động như những cỗ máy, Tây Ban Nha sa sút. Không kiểm soát bóng và tận dụng bóng tốt như trước đó, họ bị đặt vào những tình huống phòng ngự nhiều hơn. Ở đó, Tây Ban Nha lộ ra rằng họ thực chất không phải một đội phòng thủ thực sự chắc chắn. Hay như Guardiola nói về Barcelona của ông trước đây: “Chúng tôi là một đội phòng thủ rất kém, vì vậy nên chúng tôi mới muốn kiểm soát bóng thật chắc”.
Làm sao để trở lại?
Nhìn vào đội hình của Tây Ban Nha hiện tại, có thể nhận thấy rằng thực ra họ vẫn có nhiều hơn 23 cầu thủ tài năng cho đội tuyển. Một lứa cầu thủ trẻ trung mới mẻ đang xuất hiện. Dù vẫn khớp với hình ảnh chung về “cầu thủ Tây Ban Nha” mà thế hệ trước xác lập (kỹ thuật, khéo léo, nhạy bén, dẻo dai), họ đã bắt đầu thể hiện nhiều điểm khác biệt (giàu thể lực hơn, tốc độ hướng tới khung thành đối thủ cao hơn).
EURO 2016 đón nhận một danh sách có thể coi là “tân cựu giao duyên” của Tây Ban Nha. Những gương mặt của “Thế hệ vàng” vẫn còn nguyên khả năng cống hiến là Andres Iniesta, David Silva, Sergio Busquets, Sergio Ramos, Gerard Pique. Những gương mặt mới có người còn trẻ, như Koke hay Alvaro Morata; lại có những người đã quen mặt nhưng giờ mới có cơ hội, như Juanfran hay Thiago Alcantara.
Nhưng nhìn vào sự kết hợp của những cái tên ấy, đã có thể thấy rằng Tây Ban Nha sẽ không thể (và không nên) duy trì lối chơi cũ. Và lựa chọn một ngã rẽ phù hợp sẽ là thử thách cho HLV Vicente Del Bosque.
Del Bosque chưa bao giờ được xem là một nhà tiên phong về chiến thuật bóng đá, nhưng không ai đòi hỏi ông phải làm vậy. Đôi khi nhiệm vụ của HLV trưởng một ĐTQG chỉ là theo dõi những xu hướng chiến thuật và lựa chọn, lắp ráp một hệ thống phù hợp cho các học trò của mình - như Joachim Loew, người dẫn dắt Đức tới chức vô địch World Cup 2014, chẳng hạn.
Lựa chọn tốt nhất cho Tây Ban Nha lúc này có thể là một lối chơi kết hợp giữa phong cách của Barcelona và Atletico Madrid trong hai mùa qua: pressing từ xa một cách quyết liệt, giành lại bóng và tấn công trực diện, nhưng xen lẫn là những màn kiểm soát bóng để khiến đối thủ phải lùi xuống.
Các cầu thủ Tây Ban Nha có thể làm được điều đó. Nhưng liệu Del Bosque có làm được? Một điều khiến cho nhiều HLV cao tuổi kém thành công là việc họ không đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho đội bóng, mà lại chọn điều phù hợp nhất cho chính họ. Del Bosque cần tránh sai lầm ấy. Tây Ban Nha chưa cần một sự thay đổi toàn diện (như 2008), mà cần một màn rẽ lối phù hợp để chuyển giao mượt mà.
Cơ hội của Alvaro Morata
Sau thời gian không được trọng dụng tại Real Madrid, Morata đã có quyết định chính xác là chuyển sang Juventus. Tại đây, dù chưa phải sự lựa chọn hàng đầu, nhưng anh đã có cơ hội để phát triển bản thân. Morata giờ có thể đá cắm, đá lùi, thậm chí dạt biên trái. Với việc HLV Vicente Del Bosque loại Fernando Torres và Diego Costa, Morata đang là chân sút có khả năng được đá chính cao nhất. EURO 2016 cũng sẽ là thời cơ để Morata tự “quảng cáo” bản thân, khi rất nhiều tin đồn từ Italy đã khẳng định anh muốn rời Juventus. Với việc Tây Ban Nha không còn cố định với một lối chơi duy nhất, Morata sẽ cần thể hiện sự đa năng chiến thuật của mình, qua đó thu hút nhiều CLB trước khi lựa chọn điểm đến. |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa