(Thethaovanhoa.vn) – Trước trận chung kết EURO 2016, không ít người cho rằng Fernando Santos chỉ là một chiến lược gia gặp nhiều may mắn, chứ không phải một HLV tài năng. Nhưng dường như chúng ta đã quá khắt khe với chiến lược gia 61 tuổi này.
Tất nhiên, sự khắt khe là có cơ sở. Đó là căn cứ vào hành trình không mấy thuyết phục của Bồ Đào Nha ở giải đấu lần này. Họ vật vã tiến đến trận chung kết EURO 2016 mà chỉ thắng đúng một trận trong 90 phút. Ở vòng bảng, họ hòa cả 3 trận vòng bảng nhưng vẫn đi tiếp với tư cách 1 trong 4 đội thứ ba xuất sắc nhất. Kế đó, họ rơi vào một nhánh đấu dễ dàng hơn với những Croatia, Ba Lan, và Xứ Wales trên hành trình đi tới trận chung kết.
Một Otto Rehhagel của Bồ Đào Nha
Nhắc đến Bồ Đào Nha, tất cả sẽ chú ý ngay tới Cristiano Ronaldo, nhưng thật ra, có một nhân vật đáng được nhắc tới không kém: HLV Fernando Santos, vốn chỉ được xem là phương án chữa cháy sau khi Paulo Bento bị sa thải cách đây hai năm. Chiến lược gia 61 tuổi này tuy giàu kinh nghiệm với gần 30 năm trong nghề, nhưng hầu hết dẫn dắt các đội bóng nhỏ và trung bình. Đỉnh cao trong sự nghiệp của ông là những năm tháng cùng Porto cách đây gần 2 thập kỷ.
Dưới triều đại Santos, Bồ Đào Nha bị cho là chơi lối chơi trái với truyền thống "Brazil châu Âu" nhất. Nhưng trong khi Brazil xịn đang mắc kẹt với thứ bóng đá thực dụng của Dunga, thì Bồ Đào Nha đã thành công rực rỡ cùng Fernando Santos, một Otto Rehhagel của bán đảo Iberique. Chức vô địch EURO 2016 là một minh chứng hùng hồn, khi Fernando Santos đã cho thấy dấu ấn đặc biệt trong thành công của các học trò.
12 năm trước, Bồ Đào Nha là ứng viên hàng đầu, nhưng đã thất bại tức tưởi trước Hy Lạp. Còn bây giờ, trong bối cảnh không được đánh giá cao (dù sở hữu Ronaldo), họ đi theo đúng con đường của Hy Lạp năm xưa: đầy thực dụng, thực dụng đến tàn nhẫn, nhưng biết cách tỏa sáng vào thời điểm quan trọng nhất. Ông chủ trương mang một chiếc xe bus 2,5 tầng ra sân, và rất thích đá kiểu cửa dưới, lùi sâu phòng ngự để chờ thời cơ.
Santos chủ trương sử dụng một chiếc xe bus 2,5 tầng, nhất là khi gặp đội mạnh
Tất nhiên, không phải lúc nào Bồ Đào Nha cũng vững chãi được như thế (trận hòa Hungary 3-3 là một minh chứng), song nhìn chung, Santos đã truyền được tư tưởng của mình cho các học trò để biến họ thành những chiến binh thực sự trong một tập thể gắn kết, chứ không phải sự rời rạc của những ngôi sao cá nhân.
Biệt tài sử dụng con người
Một HLV giỏi là người biết vận dụng tối đa những nguồn lực mà ông ta có, và Fernando Santos là một người như thế. Khi lão tướng Carvalho mắc nhiều sai lầm, ông mạnh dạn sử dụng Fonte. Khi Pepe vắng mặt Bruno Alves thay thế rất tốt (trận gặp Xứ Wales). Lúc William Carvalho bị treo giò, Danilo thay thế rất tốt. Và khi Vieirinha gât thất vọng, Cedric Soares là lựa chọn hợp lý. Việc ông sử dụng Renato Sanches một cách dần dần, đầu tiên là từ ghế dự bị sau đó là đá chính, cũng là một liệu pháp khôn ngoan để giúp anh tự tin hơn nhiều.
Tại Pháp, Bồ Đào Nha thường xuyên xuất phát với đội hình không trung phong với bộ đôi Ronaldo-Nani, bộ đôi đã ghi 6 trong tổng số 9 bàn thắng. Nhưng khi cần thiết, Fernando Santos vẫn còn những "lá bài trong tay áo". Đó là Ricardo Quaresma, với pha lập công ở phút 117 trận gặp Croatia, và đêm qua là Eder, một trung phong còn khá ít tên tuổi, với bàn thắng bằng Vàng ở phút 109 của trận chung kết gặp đội tuyển nước chủ nhà.
Với những biệt tài về sử dụng nhân sự ấy, Fernando Santos đã biến Bồ Đào Nha từ đội bóng một người thành một tập thể khó bị đánh bại. Ronaldo vẫn là chân sút trụ cột, nhưng Nani không hề kém, dù trước đây, anh bị xem là cái bóng của CR7. Trong khi đó, những Renato Sanches, Joao Mario, Silva đã trở thành một ê-kíp ăn ý nhờ tính kỷ luật đặc biệt mà Santos áp dụng với tuyển Bồ.
Santos từng bị xem thường về năng lực, nhưng bây giờ thì không ai có thể xem thường ông được nữa rồi.
Tuấn Cương