(Thethaovanhoa.vn) - Bằng một cách nào đó, tuyển Đức vẫn thành công cho tới thời điểm này của EURO 2016. Càng đặc biệt hơn, thành công ấy được xây dựng dựa trên sức mạnh của một tập thể, trong đó có những cầu thủ không được xếp vào hàng sao số.
Rất nhiều những cái tên bình dânJuergen Klinsmann đã mang tới triết lý mới cho bóng đá Đức. Không cần phải hàng sao số, không cần phải những cái tên đã khẳng định được thương hiệu, vẫn có thể là ngôi sao của tuyển Đức. Đó cũng là lý do mà Mirolav Klose bước ra từ ánh sáng, trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Đức ở World Cup 2006. Joachim Loew là người kế thừa triết lý ấy. Khi tiếp quản chiếc ghế HLV mà Klinsmann để lại, nhà cầm quân này vẫn luôn trao cơ hội cho các cầu thủ chỉ được coi là “hàng bình dân” ở tuyển Đức.
Điều này thể hiện rất rõ ở việc Lucas Podolski vẫn luôn có tên trong danh sách triệu tập của tuyển Đức ở mỗi giải đấu lớn. Tiền đạo 31 tuổi từng có thời đầu quân cho Bayern Munich, nơi anh được kì vọng sẽ khẳng định được đẳng cấp của một trong những chân sút hay nhất thế giới. Nhưng 3 năm ở Bayern đã khiến Podolski chìm trong nỗi thất vọng. Dẫu vậy, Loew vẫn luôn trao cho anh cơ hội mỗi khi Đức triệu tập đội hình. Với 129 lần khoác áo tuyển Đức, Podolski đang là cầu thủ có thâm niên ăn cơm tuyển nhiều nhất ở EURO 2016 này.
Điều đáng nói, chính Podolski cũng không nghĩ rằng anh sẽ được Loew đưa tới Pháp. Ở tuổi 31, chân sút này đã phải lưu lạc sang Thổ Nhĩ Kì, nơi anh đầu quân cho Galatasaray.
Thậm chí Podolski cũng không nghĩ mình được gọi lên tuyển
Tương tự là trường hợp của Mario Gomez. Tiền đạo cao kều này chưa bao giờ được xếp vào hàng siêu sao ở tuyển Đức. Nhưng cứ mỗi lần tập trung, Gomez lại được triệu tập. Gomez từng có thời là chân sút số một ở Bayern Munich song hiện giờ anh cũng đang chơi bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong màu áo Besiktas.
Cả Galatasaray và Besiktas đều là những đội bóng tên tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nếu so với Bundesliga, giải đấu này vẫn kém một bậc. Sự chênh lệch ấy không khiến ông Loew bận tâm. “Triết lý của tôi rất đơn giản. Họ đã hay thì ở đội bóng nhỏ họ vẫn cứ hay”, Loew từng nói. Nếu không dựa trên quan điểm ấy, Loew đã có thể gọi một số tiền đạo đang chơi ở các CLB Đức, thay vì vẫn đặt niềm tin ở Podolski hay Gomez.
Hai tiền đạo của tuyển Đức không phải là những người duy nhất. Trong danh sách 23 tuyển thủ tới Pháp, còn có những cái tên rất “bình dân” như Jonathan Tah (Leverkusen), Emre Can (Liverpool) hay Julian Weigl (Dortmund). Hector, hậu vệ cánh của Cologne, cũng được HLV Loew trọng dụng. Thậm chí, anh này chơi cực hay khi được trao cho vị trí ở hành lang cánh trái của tuyển Đức.
“Tôi hiểu khả năng của mỗi người. Đó là lý do tôi triệu tập họ và tìm cách để phát huy tốt nhất khả năng của họ. Đừng chú ý nhiều đến tên tuổi hay thương hiệu, hãy đánh giá họ qua màn trình diễn trên sân bóng”, Loew nói.
Không hay ở CLB vẫn có thể hay ở tuyển
Ở Bayern Munich, Mario Goetze không được HLV Pep Guardiola sử dụng nhiều. Người hùng của Đức ở World Cup 2014 chỉ là sự lựa chọn thứ 4 trên hàng công của Bayern. Nhưng ở EURO 2016 này, Goetze lại là cái tên được HLV Loew đặt nhiều niềm tin nhất trên hàng công của tuyển Đức.
Để sử dụng Goetze, ông Loew đã có những thay đổi về mặt chiến thuật khi hy sinh một trung phong điển hình để chơi với “số 9 ảo”. Goetze được sử dụng ở chính vị trí ấy nhưng lại không thành công trong hai trận đầu tiên ở vòng bảng. Cuối cùng, khi trở lại với một “số 9 đích thực”, Đức tìm lại với sức mạnh vốn có. Và “số 9” ấy vẫn là Gomez, người tưởng như đã hết hạn sử dụng trong đội hình chính của tuyển Đức.
Việc sử dụng Goetze, một cầu thủ chuyên ngồi dự bị ở Bayern trước khi quay về phương án Gomez hay Podolski, hai cầu thủ chơi ở một giải đấu có đẳng cấp thấp, cũng chỉ ra hạn chế lớn nhất của Đức ở giai đoạn này là yếu tố con người. Họ có một hàng thủ mạnh với Boateng, Hummels, Neuer. Họ có một hàng tiền vệ hay với Draxler, Kroos hay Oezil nhưng lại đang thiếu đi những tiền đạo giỏi.
Goetze dù không hay ở Bayern nhưng vẫn được tin dùng ở tuyển Đức
Trên thực tế, Đức chưa bao giờ được coi là đội bóng sở hữu một tập thể toàn những ngôi sao. Bên cạnh những Kroos hay Oezil vẫn có những công nhân kiểu Khedira hay Schuerrle. Khedira bị Real Madrid thải hồi phải lưu lạc sang Juventus trong khi Schuerrle cũng bị Chelsea đẩy về Bundesliga trong màu áo Wolfsburg. Và như đã nói ở trên, Gomez hay Podolski sẽ chẳng phải rời Bundesliga nếu họ còn được đánh giá như những tiền đạo hay nhất nước Đức.
Nhưng cũng chính hạn chế này lại cho thấy đẳng cấp vốn có của người Đức. Ông Loew đã lắp ghép hoàn hảo giữa những ngôi sao gắn kết bên cạnh những cầu thủ hạng bình dân. Thành công ở World Cup 2014 chỉ là một nốt son chói lọi bởi khi bước vào bất cứ giải đấu nào, Đức vẫn luôn được xếp vào hàng ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch.
Điều đó chỉ ra cái tài của các HLV và đẳng cấp của một trong những đội bóng hay nhất thế giới.
Đức – Italy: Cuộc đại chiến bình dị Eder, Pelle, Insigne, Giaccherini, Parolo… Tuyển Italy cũng có một hệ thống tấn công gồm những cầu thủ ngôi sao hạng hai của bóng đá châu Âu. Không ai trong số họ được trao đổi với trị giá khoảng 20 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng, tức là chưa đủ để được coi là những ngôi sao. Họ chỉ khác với những ngôi sao hàng công của tuyển Đức, là không phải mài đáy quần trên băng ghế dự bị ở các CLB của mình. Thực tế ấy cho thấy tài năng của HLV Conte, người đã tạo nên một đội tuyển Italy đậm chất, chơi thứ bóng đá hội tụ đầy đủ những yếu tố tạo nên cảm xúc: vừa chặt chẽ, vừa bùng nổ. Italy đã đánh bại Tây Ban Nha 2-0 bằng lối chơi chủ động, đôi lúc dám cầm bóng tấn công để tạo nên các cơ hội rồi sau đó đưa trận đấu vào thế an bài với những pha phản công kinh điển. Đó cũng là cách họ đã hạ Bỉ với tỉ số 2-0 ở vòng bảng với bàn thắng sớm, rồi “chốt hạ” bằng bàn thắng thứ hai ở cuối trận. Và Italy của Conte sẽ cũng lại chơi như thế trước Đức của Joachim Loew, một đội bóng đề cao lối chơi kiểm soát nhưng hiện đại và hiệu quả hơn rất nhiều so với Tây Ban Nha. Đây thực sự là chung kết sớm của giải. |
Trần Giáp