(Thethaovanhoa.vn) - Khi cả thế giới đang mải dõi mắt theo nhịp bóng lăn trên sân cỏ, từ Euro 2016 đến Copa America Centenario, thì còn có một cuộc đua quan trọng đang âm thầm diễn ra trong những ngày này. Dự báo: thị trường chuyển nhượng sẽ có kỷ lục mới trong mùa hè năm nay. Euro 2016 và, ở một mức độ thấp hơn, Copa America Centenario là dịp quan trọng cho cá ngôi sao... chào hàng trước mùa bóng mới?
Nhận định về sự bùng nổ của thị trường chuyển nhượng trong mùa hè năm nay là hoàn toàn hợp lý, khi ba đội giàu mạnh nhất Premier League - Chelsea, M.U, Manchester City - vừa đồng loạt thay HLV. Ở đẳng cấp cao, dĩ nhiên nhà cầm quân mới sẽ đem đến lối chơi mới, quan điểm chiến thuật mới, triết lý mới, mà đi kèm theo đó dứt khoát là phải có những ngôi sao mới, để phục vụ cho những điều quan trọng ấy. Mà hễ các đội giàu nhất Premier League đồng loạt chuyển nhượng ồ ạt, đối thủ của họ trong bản đồ châu Âu dĩ nhiên cũng bị cuốn vào cuộc đua chuyển nhượng.
Đội mua lép vế đã đành...
Đấy là chưa kể những chi tiết quan trọng khác, bất kể liên quan hay không. Paris SG cũng phải tính chuyện trẻ hóa lực lượng và tìm kiếm con đường mới, khi tham vọng tiến xa ở Champions League vẫn chưa khởi sắc sau nhiều năm "rải tiền". HLV tài giỏi Diego Simeone có thể thay đổi địa chỉ. Bayern Munich cũng đang chuẩn bị cho thời kỳ mới, dưới sự dẫn dắt của tân HLV Carlo Ancelotti... Cuối cùng là một chi tiết dễ đoán: nhiều khả năng Euro 2016 sẽ giới thiệu những ngôi sao mới cho thị trường chuyển nhượng. Đây mới là chi tiết quan trọng. Mua các ngôi sao nổi lên ở một giải lớn như Euro hoặc World Cup có phải là chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan?
Ngôi sao Euro thì ai không thích. Nhưng phải đặt ra câu hỏi là bởi không hề có sự đơn giản như vậy. Tất nhiên, những ngôi sao vừa tỏa sáng tại Euro luôn có giá chuyển nhượng rất cao. Mặt khác, cả thế giới đã thấy họ xuất sắc như thế nào. Lời mời sẽ đến từ nhiều "đại gia", và chắc chắn là đều hấp dẫn. Đội bóng muốn mua các ngôi sao ấy đương nhiên phải chịu lép vế trong mọi sự mặc cả như giá chuyển nhượng, lương hoặc các điều khoản cá nhân khác, nếu không muốn bị phỗng tay trên.
Rõ ràng, đấy không bao giờ là hoàn cảnh bình thường. Cho dù cuộc chuyển nhượng có thành công về chuyên môn đi nữa, đấy cũng chỉ là chuyện "hòa vốn" (vì đội mua người đã phải chi đậm). Cần nhớ: bóng đá bây giờ còn là kinh doanh. Gia đình Glazer người Mỹ đâu có xem các thành công về mặt chuyên môn là ưu tiên một ở đội M.U mà họ sở hữu. Còn nếu thất bại về mặt chuyên môn, sự tai hại của những quyết định đến từ hào quang Euro, World Cup sẽ không dừng lại ở chỗ "mua nhầm người". Nào là phải hy sinh chỗ đứng của cầu thủ khác, biết đâu thuộc loại xứng đáng. Nào là ảnh hưởng tâm lý có thể phát sinh trong phòng thay đồ (ngôi sao mới cần hòa nhập với đội bóng, hay ngược lại?)...
Khập khiễng giá trị chuyên môn
Bàn về chuyên môn thuần túy, cách chơi của các ĐTQG luôn khác xa với cách chơi của CLB, bởi đấy là những loại hình bóng đá khác hẳn nhau. Với không ít nhà cầm quân, Euro gần như là nhiệm vụ duy nhất trong suốt nhiều năm - xong việc thì giải tán (World Cup cũng vậy). Vốn cầu thủ trong tay họ luôn cố định, nếu thiếu ngôi sao ở vài vị trí thì cũng đành chịu, chứ không thể mua. Hơn nữa, ĐTQG không thể có sự nhuần nhuyễn, ăn ý như CLB, vì họ không tập hàng ngày, không thi đấu hàng tuần. Hoàn cảnh khác, nhiệm vụ khác thì công việc cũng khác, sản phẩm cũng khác.
Trong nhiều trường hợp, HLV của các đội mạnh chỉ tập trung toàn bộ trí tuệ và nguồn lực chuyên môn vào 1-2 vấn đề rất ư là cụ thể. Cách dùng người hoặc bài bản chiến thuật đều bị cuốn cả vào đấy. Nào là "vũ khí bí mật" trong hình hài của một cầu thủ tầm thường mà toàn đội phải tập trung phục vụ. Nào là "chim mồi" vốn rất nổi tiếng nhưng kỳ thực sẽ không gánh vác nhiệm vụ quan trọng, để đánh lừa đối phương. Muốn vô địch Euro 2016 thì Pháp, Đức và TBN sẽ phải mổ xẻ nhau thật kỹ. Ưu tiên một của các HLV Didier Deschamps, Joachim Loew và Vicente Del Bosque cứ phải là vô hiệu hóa lẫn nhau. Đâu ai quan tâm đến việc phòng thủ thế nào để vô hiệu hóa... Lionel Messi!
Ngược lại, các CLB mua người là để sử dụng hàng tuần, trong suốt nhiều năm, ở giải VĐQG của họ, và với các đội bóng lớn thì thêm trận địa Champions League. Hào quang của một ngôi sao nào đấy, trong hoàn cảnh cụ thể của Euro 2016, nếu như trở nên vô dụng ở Premier League trong mùa bóng 2016-2017 thì đấy đâu phải là chuyện kỳ lạ! Vậy nên, đừng nghĩ cứ phải xem kỹ Euro để tuyển quân cho mùa bóng tới ở đấu trường CLB.
Louis Van Gaal và các tuyển thủ Hà Lan, Argentina thành công vang dội ở VCK World Cup 2014. Nhưng thầy trò Van Gaal phát huy năng lực thế nào khi họ kéo về M.U sau giải đấu ấy, có lẽ không cần nhắc lại. Di Maria chỉ trụ được một mùa ở Old Trafford. Đấy chỉ là một ví dụ. Một ví dụ khác, theo cách nhìn khác: vì Euro 2012 mà Manchester City sai lầm, không... bán Mario Balotelli!
Man City đã sai lầm vì VCK EURO 2012
Mua thế nào cho có lợi?
Hào quang ở Euro, World Cup đôi khi chỉ là một vài khoảnh khắc lóe sáng, quyết định toàn cục, mang tính cá nhân. Hào quang ở đấu trường CLB lại là sự ổn định lâu dài, với những mối quan hệ rõ ràng trong cả đội bóng. Câu hỏi đặt ra: các CLB nên chuyển nhượng thế nào cho có lợi?
Người ta chia các cầu thủ thành 6 nhóm khác nhau, theo vai trò trên sân: thủ môn, trung vệ, hậu vệ cánh, tiền vệ trụ, tiền vệ công, tiền đạo. Những bản hợp đồng lớn nhất trong 5 mùa bóng liên tiếp được đưa vào nghiên cứu. Giá chuyển nhượng và thành tích sau khi chuyển nhượng là những chi tiết quan trọng, được tính điểm. Kết quả cho thấy: các bản hợp đồng mua thủ môn luôn đem lại hiệu quả chuyên môn cao nhất, kế đến là hậu vệ cánh và trung vệ. Càng về phía trên trong đội hình thì xác suất "mua nhầm người" càng tăng cao. Và, hãy tự hỏi: ngôi sao sáng nhất trên các sân khấu hoành tráng Euro, World Cup thường chơi ở vị trí nào?
Một chi tiết nữa, tương đối dễ hiểu: đợi ngôi sao tỏa sáng tại Euro hoặc World Cup mới vội vã liên hệ thì quá muộn rồi. Theo luật, các CLB thoải mái liên hệ với những ngôi sao chỉ còn thời hạn hợp đồng 6 tháng. Với những ngôi sao mà hợp đồng còn thời hạn lâu hơn, tất nhiên phải liên hệ thông qua CLB chủ quản. Nhưng nếu quả thật cần mua, vẫn cứ liên hệ với đội chủ quản 6 tháng trước khi mùa bóng kết thúc (vậy nên: các hợp đồng quan trọng trong mùa hè thường đã được đàm phán ngay từ đợt nghỉ đông).
Mua ai để có lợi nhất?
Hồi mới gia nhập Barcelona, Luis Suarez "ngồi chơi xơi nước" vì bị treo giò sau vụ "cắn người" tại World Cup 2014. Barcelona sao lại tuyển mộ Suarez trong hoàn cảnh ấy? Xin thưa: họ đã đàm phán từ rất lâu trước đó, chứ đâu có đợi Suarez chứng tỏ tài nghệ trong màu áo Uruguay. Hệ quả là CLB xứ Catalonya phải chấp nhận mất tiền trong thời gian Suarez bị treo giò, như một "tai nạn" ngoài dự kiến. Ngược lại, thành công về mặt chuyên môn từ bản hợp đồng mua Suarez coi như miễn bàn.
Nhưng vẫn có những hợp đồng được gấp rút đàm phán, xuất phát từ diễn tiến cụ thể ở Euro hoặc World Cup. Và cũng vẫn có xác suất thành công? Tất nhiên rồi. Vì bóng đá không có quy luật bất di bất dịch nào. Cũng vì bóng đá luôn dành chỗ cho những quyết định táo bạo, và cho cả sự may rủi nữa.
TÂN GIA