EU thông báo sẽ sớm phê duyệt việc sử dụng thuốc điều trị của Merck
(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 23/11 cho biết trong vài tuần tới, cơ quan này sẽ ra quyết định về việc liệu có phê duyệt thuốc viên điều trị COVID-19, có tên thương mại là Lagevrio, của hãng dược phẩm Merck (Mỹ), hay không.
Trong một tuyên bố, EMA cho biết sẽ đánh giá lợi ích và rủi ro của Lagevrio theo một tiến trình rút gọn và có thể đưa ra quyết định về thuốc này trong những tuần tới nếu có hồ sơ đề nghị cấp phép đầy đủ. Theo EMA, cơ quan này có thể đẩy nhanh tiến trình phê duyệt do đã xem xét một phần lớn dữ liệu về thuốc, trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật, dữ liệu sản xuất, cũng như dữ liệu về hiệu quả và an toàn.
Trước đó, ngày 19/11, EMA đã cho phép từng nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) tự ra quyết định về việc có sử dụng thuốc Lagevrio, còn được biết đến với tên gọi Molnupiravir, trong tình hình khẩn cấp "trong bối cảnh tỷ lệ tử vong và mắc COVID-19 gia tăng". Hiện cơ quan này đang cân nhắc việc ra quyết định tương tự đối với thuốc viên của Pfizer (Mỹ).
Hai loại thuốc này đang kỳ vọng là bước đột phá trong cuộc chiến chống COVID-19 khi các nghiên cứu cho thấy cả 2 loại đều có thể làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Theo EMA, thuốc viên Lagevrio của Merck không nên sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang không sử dụng biện pháp tránh thai và có thể mang thai.
Cùng ngày, Đức cho biết sẽ sớm ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với các quân nhân, trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi nước này cân nhắc việc bắt buộc tiêm vaccine nhằm chống lại làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19.
Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức, giới chức của bộ và các đại diện của quân nhân đã nhất trí đưa vaccine ngừa COVID-19 vào danh sách các loại vaccine bắt buộc phải tiêm cho quân nhân. Mặc dù quy định này chưa được chính thức hóa, song việc thực hiện sẽ sớm được triển khai.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quân đội Đức đang chuẩn bị triển khai binh sĩ hỗ trợ các chính quyền địa phương tiêm vaccine, xét nghiệm cùng các nhiệm vụ khác nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm được cho là có thể gia tăng trong những tuần tới. Cho đến nay, chỉ những binh sĩ thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài mới phải tiêm bắt buộc vaccine ngừa COVID-19.
- Thuốc điều trị - niềm hy vọng mới trong cuộc chiến chống Covid-19
- Chuyên gia cảnh báo thuốc điều trị Covid-19 không thể thay thế vaccine
- Dịch Covid-19: Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị từ huyết tương bệnh nhân đã bình phục
Việc gia tăng các ca mắc mới COVID-19 và số giường tại các khoa chăm sóc tích cực nhanh chóng kín chỗ đang châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt ở Đức về việc có nên bắt buộc tiêm vaccine cho tất cả người dân, giống như Áo đã làm hay không.
Giới chuyên gia cho rằng sở dĩ số ca mắc mới tại Đức ngày một gia tăng là do tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này tương đối thấp so với các nước Tây Âu, trong đó có Pháp, Italy và Tây Ban Nha, khi mới chỉ có 68% dân số nước này đã tiêm đầy đủ vaccine.
Tuần trước, Đức thông báo siết chặt hơn các quy định phòng chống COVID-19, trong đó có quy định trình giấy chứng nhận COVID-19 trước khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc đi làm. Một số bang của Đức đã hủy các sự kiện lớn, trong đó có việc tổ chức các chợ Giáng sinh, không cho phép người chưa tiêm vaccine đi tới quán bar, phòng tập thể dục.
Theo Viện Robert Koch, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 theo tuần tại Đức vào ngày 23/11 là 399,8 ca mắc mới/100.000 người dân - mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngọc Hà/TTXVN