EU đặt mua 2 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ
Cơ quan Phòng ngừa và Ứng phó khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) vừa ký hợp đồng khung mua sắm chung với công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch, theo đó đặt mua 2 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trong giai đoạn 2023-2024.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hợp đồng nói trên đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn của 14 nước tham gia mua chung, đồng thời bổ sung cho nỗ lực trong những tháng gần đây của HERA cũng như Cơ quan Điều hành Kỹ thuật số và Y tế châu Âu (HaDEA) nhằm mua hơn 334.000 liều vaccine bằng nguồn quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để đáp ứng nhu cầu tức thời của các quốc gia thành viên.
Ngoài mua vaccine, quỹ này cũng chi mua hơn 10.000 liều tecovirimat, một loại thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Trong hợp đồng ký với HERA, công ty Bavarian Nordic đặt kế hoạch bắt đầu tiến hành các đợt giao hàng đầu tiên theo hình thức mua chung vào quý II/2023.
Trong một tuyên bố chung của Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides, và Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chú trọng vào việc ngăn ngừa không để đậu mùa khỉ bùng phát thành dịch bệnh tại châu lục này.
Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da.
Những người mắc bệnh có thể lây truyền cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng. Virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.
Theo thống kê của WHO, kể từ khi đột ngột lan rộng ngoài khu vực Tây Phi cho đến ngày 10/11 vừa qua, bệnh đậu mùa khỉ đã khiến 49 người tử vong trong tổng số hơn 79.000 người mắc tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đợt bùng phát này chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, kể từ khi tăng lên mức đỉnh vào tháng 7 năm nay, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang liên tục giảm, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ - 2 khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu căn bệnh này bùng phát toàn cầu.