Emery, Sarri khởi đầu cho trào lưu 'HLV trưởng' ở Premier League
(Thethaovanhoa.vn) - Premier League đặc biệt so với các giải đấu lớn khác ở chỗ các HLV của họ thường được gọi là những “manager” (nhà quản lý) hơn HLV trưởng (head coach).
Hai đội bóng lớn của Anh thay HLV trong mùa Hè này là Arsenal và Chelsea khi Unai Emery và Maurizio Sarri đã cập bến Premier League để thay thế Arsene Wenger và Antonio Conte. Đáng chú ý, Emery và Sarri là những HLV trưởng thực thụ, chứ không phải nhà quản lý thường thấy ở bóng đá Anh.
Emery đã thay thế Wenger, người vẫn được biết đến là nhà quản lý của Arsenal trong 22 năm dẫn dắt Pháo thủ. Trong khi đó, Sarri cũng như người tiền nhiệm của ông ở Chelsea là Conte đều là HLV trưởng. Sarri và Emery sẽ là hai trong số 6 HLV trưởng thực thụ ở Premier League mùa tới, trong khi 14 HLV còn lại vẫn được gọi là nhà quản lý.
Ngoài Sarri và Emery, 4 HLV trưởng còn lại ở Premier League là Slavisa Jokanovic (Fulham), David Wagner (Huddersfield), Javi Gracia (Watford), Nuno Espirito Santo (Wolves).
Tuy nhiên, dù có khác nhau về tên gọi, dường như các HLV (HLV trưởng hay nhà quản lý) đều không còn là nhân vật có quyền tuyệt đối, người bao quát mọi vấn đề của đội bóng. Cựu hậu vệ của M.U và tuyển Anh Gary Neville đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp cho Sir Alex Ferguson, người đã giành 38 danh hiệu trong suốt 26 năm làm nhà quản lý ở Old Trafford. Tuy vậy, khi Neville đưa Graham Alexander lên làm HLV đội bóng của riêng mình là Salford City (National League), cựu hậu vệ này đã thay đổi cách nhìn về vai trò của một HLV hiện tại. “Thời gian trung bình của một HLV trong một đội bóng ở đẳng cấp cao nhất bây giờ là 13 tháng. Do đó, một nhà quản lý không còn hợp thời với bóng đá hiện đại”, cựu cầu thủ M.U nhận định.
Sự khác biệt là gì?
Khi Mauricio Pochettino gia hạn hợp đồng với Tottenham năm 2016, nghề nghiệp của ông đã được chuyển từ HLV trưởng sang nhà quản lý. “Chúng tôi đã đồng ý rằng điều đó là tốt cho bản thân tôi, cho CLB và cho tất cả. Đúng là nghĩa của từ “nhà quản lý” rất khác so với “HLV trưởng”. Có lẽ tôi luôn là nhà quản lý của đội bóng từ ngày đầu tiên tới đây. Và có lẽ từ này cũng miêu tả đúng hơn về nghề nghiệp của tôi”, Pochettino chia sẻ khi đó.
Không có vai trò rộng hơn như nhà quản lý, nhưng một HLV trưởng cũng có tiếng nói nhất định trong việc chiêu mộ cầu thủ và chuyển nhượng. Một trong những mâu thuẫn chính dẫn đến việc Conte rời Chelsea là ông chỉ có vai trò hạn chế trong chính sách chuyển nhượng của CLB.
Ở Arsenal trước đây, ông Wenger có toàn quyền trong chính sách nhân sự của đội bóng nhưng Emery sẽ không có quyền tự quyết như vậy, bởi Arsenal đã có cựu giám đốc bóng đá của Barca là Raul Sanllehi, với chức danh người đứng đầu các vấn đề liên quan tới bóng đá. Chính Sanllehi mới là người có tiếng nói quyết định trong các vấn đề về nhân sự ở Emirates.
Ngay cả ở một vài đội bóng mà HLV của họ vẫn được gọi là nhà quản lý như West Ham với Manuel Pellegrini và Everton với Marco Silva, họ vẫn có một ban tư vấn về các vấn đề chuyển nhượng. Ở West Ham, ông chủ David Sullivan vẫn tham gia nhiều vào quá trình đàm phán các vụ chuyển nhượng. Còn tại Everton, giám đốc bóng đá Marcel Brands là nhân vật chính trong các thương vụ của The Toffees.
Bóng đá giờ đã thay đổi
Với tư cách là một cựu cầu thủ, một cựu HLV, một chủ tịch CLB và một nhà bình luận, Neville có đủ thông tin và kiến thức để biết cách mà bóng đá hiện đại vận hành. Cựu hậu vệ phải 43 tuổi này đã dành 6 năm để tìm hiểu sự khác biệt trong vai trò của các HLV bây giờ.
Neville đã bổ nhiệm Graham Alexander dẫn dắt Salford chơi ở giải hạng 5 của Anh mùa tới và chức danh chính thức của HLV này là nhà quản lý. Tuy nhiên, Neville không coi Alexander là nhà quản lý theo kiểu truyền thống.
“Nếu một ai đó huấn luyện đội bóng mỗi phút mọi ngày, từ lựa chọn đội hình cho tới các buổi tập, thi đấu… thì làm sao anh ta có thể nghĩ về mục tiêu chuyển nhượng tiếp theo của đội bóng hay xác định xem ai sẽ tới CLB vào mùa giải tới. Đó là điều không thể”, Neville nói.
Thế nên, dù phần lớn các HLV ở Premier League hiện tại vẫn được gắn mác nhà quản lý thế nhưng vai trò của họ không còn như trước nữa, đặc biệt là với các trường hợp của Arsene Wenger và Sir Alex Ferguson.
16 Trong số 20 HLV đang dẫn dắt các đội bóng ở Premier League, 16 người vẫn được coi là nhà quản lý (manager). 14 14 trong số các HLV ở Premier League mùa tới là người nước ngoài (không thuộc Vương quốc Anh), trong đó nhiều nhất là Tây Ban Nha với 4 người. 59 Ở tuổi 59, Sarri là HLV già nhất từng dẫn dắt một đội bóng trong Top 6 đội mạnh nhất Premier League mà chưa từng giành danh hiệu nào. |
Vũ Mạnh (Theo BBC)