Em gửi lại tuổi hai mươi trên cát
(Thethaovanhoa.vn) - Thu Hồng, nữ du kích xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Cô đã hy sinh ngay trong những ngày đầu chiến dịch Tổng tiến công năm 1972.
- Nhiều nhà báo liệt sĩ vẫn nằm lại nơi chiến trường
- Hà Tĩnh đặt tên đường Trần Kim Xuyến: Vinh danh nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến tại quê nhà
Nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc TTXVN) khi còn là phóng viên chiến trường đã chụp ảnh Thu Hồng - người chiến sĩ trước khi người con gái ấy hy sinh. Và sau đó, chính ông là người được anh chị em trong đội du kích giao cho mang cuốn nhật ký của cô về cho ba má cô, những cán bộ lãnh đạo của Quảng Trị ngày ấy. Cuốn nhật ký cô viết cho riêng mình mở đầu bằng dòng chữ: "Tổ quốc gọi con! Con nguyện đi theo con đường ba má đang đi...".
Những ngày tháng 7 này, góp phần kỉ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, nhà báo Trần Mai Hưởng đã sáng tác bài thơ Tuổi Hai mươi để tưởng nhớ một trong hàng triệu người trẻ tuổi đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến vì độc lập tự do của đất nước.
Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài thơ này:
Em gửi lại tuổi hai mươi trên cát
Cát trắng tinh khôi tự bao đời
Mãi tươi trẻ đón từng cơn gió nhẹ
Chạy lao xao như sóng khắp chân đồi
Anh nhớ dáng em buổi sáng ấy đẹp trời
Trước cửa hầm dịu dàng không nói
Chỉ cặp mắt nhìn xa vời vợi
Cành phi lao khe khẽ tiếng reo
Đồi 31 lở loang cháy khét lửa thiêu
Những họng súng đen rập rình nhả đạn
Sao cứ mong manh một chân trời hò hẹn
Đêm hành quân anh vẫn nhớ về
Chiến dịch nổ ra, tin đến bất ngờ
Em ngã xuống ngay đêm đầu tập kích
Cầu Bến Ngự giữa bốn bề hoả lực
Em gọi má gọi ba, những tiếng gọi cuối cùng !
Anh đã qua muôn vạn nẻo đường
Vẫn nhớ nơi tuổi hai mươi mình gửi lại
Xanh nhức nhối biển Cửa Tùng vời vợi
Từng con sóng đau nỗi cắt chia
Cát trắng hôm nay níu bước chân về
Thơm gió nắng và xôn xao biển hát
Kể về người con gái trắng trong như ngọc
Giữa lòng cát quê hương vẫn sáng tựa trăng rằm.
(Tưởng nhớ nữ liệt sĩ Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ, Gio Linh , Quảng Trị , hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công 1972 )
Trần Mai Hưởng