El Mariachi - Chuyện hoang đường vĩ đại nhất Hollywood
>>Để đọc những bài viết đặc sắc về điện ảnh trên TT&VH hãy bấm vào đây
Kẻ liều mạng ấy, là ai ?
Robert Rodriguez là một người Mỹ gốc Mexico, sinh ra ở San Antonio, Texas. Anh đẹp trai chẳng khác tài tử, nhưng lại không thích trở thành diễn viên. Ngay từ năm lên 7, Robert đã bắt đầu mê phim khi cha mua về một đầu máy video, kèm theo một máy quay video gia đình. Từ năm 12 tuổi, Robert chỉ quanh quẩn với thế giới kỳ diệu của phim ảnh. Anh làm hàng loạt phim hành động và kinh dị ngắn với chiếc máy quay cũ và tự mình dựng phim trên 2 đầu máy video.
Robert mang Bedhead đi dự thi ở một vài LHP nhỏ và liên tiếp đoạt giải. Số tiền thưởng nhỏ nhoi từ 14 lần đoạt giải, đã được Robert tích cóp lại được gần 4.000 USD, chuẩn bị cho bộ phim truyện hành động đầu tay, The Guitar Player (Chàng nhạc sĩ guitar).
Liều mạng với chính mình
Biết rằng cần phải có tối thiểu gấp đôi số tiền 4.000 USD mới làm được The Guitar Player, Robert không ngần ngại biến mình thành “chuột bạch”. Anh đăng ký tham gia cuộc thí nghiệm thuốc lâm sàng làm giảm cholesterol ở Texas, và được trả công 100 USD/ngày, trong 30 ngày!
Trong thời gian bị nhốt trong phòng thí nghiệm, Robert tranh thủ viết và chỉnh sửa kịch bản. Cũng tại đây, Robert làm quen với Peter Marquardt, cũng là một bạn “chuột” như mình, Peter rất thích và xin được đóng vai tên trùm Moco, đổi lại anh sẽ phụ với Robert làm phim mà không lấy thù lao.
Robert Rodriguez dự định sẽ làm phim trong khoảng 10.000 USD. Với số tiền tích lũy còm cõi 7.000 USD, Robert chạy khắp nơi để vay mượn số còn lại nhưng cũng chỉ có thêm 2.000. Robert biết chắc mình sẽ không thể làm được gì ở Mỹ với 9.000 USD. Anh nảy ra ý định sẽ quay bộ phim ở biên giới Mexico cho rẻ, rồi sau đó bán thẳng cho thị trường video gia đình ở các nước Mỹ Latin. Khi chọn cảnh ở tiểu bang Coahuila Acuña (Mexico), Robert kết thân với Carlos Gallardo và mời anh đồng sản xuất kiêm… đóng luôn vai chính. Kịch bản The Guitar Player đã được Carlos Gallardo chuyển sang tiếng Tây Ban Nha thành El Mariachi.
Phong cách làm phim tùy cơ ứng biến
El Mariachi là câu chuyện về một chàng nghệ sĩ guitar lang thang, mặc bộ đồ da đen mang hộp đàn màu đen, đến kiếm sống tại một thành phố biên giới của Mexico. Nhưng chẳng may anh bị nhóm giang hồ địa phương truy sát, do nhầm lẫn với một tên sát thủ cũng vừa đến đây. Điều trớ trêu là gã này cũng mặc bộ đồ da đen mang hộp đàn màu đen như chàng nhạc sĩ, nhưng bên trong là khẩu súng máy thay cho cây đàn!
Bộ phim đầy máu lửa chết chóc này, được quay ở Ciudad Acuña, thành phố biên giới phía bắc của Mexico trong 21 ngày. Làm phim hành động, nhưng anh không dùng kịch bản hình (storyboard), bởi toàn bộ ê-kíp làm phim… chỉ có mỗi một mình Robert Rodriguez làm tất cả: kịch bản, sản xuất, đạo diễn, cắt dựng, quay phim, đặt ánh sáng, thiết kế, tạo hiệu ứng đặc biệt, thu âm thanh… công việc duy nhất anh không làm là diễn xuất, vì không có ai khác vận hành máy quay!
Robert cắt giảm chi phí tối đa: không dùng bảng gõ clapboard, thay vào đó diễn viên ra hiệu cho biết cảnh và lượt quay số mấy bằng cách giơ ngón tay. Một chiếc xe lăn bị hư mua sắt vụn ở bệnh viện, được cải tạo lại để thay cho đường ray và xe đẩy dolly. Không dùng hệ thống đèn quay phim chuyên dụng, mà chủ yếu dùng hai cái đèn kẹp để bàn 200 watt. Âm thanh được thu bằng thủ công sau mỗi lượt quay, bằng micro rẻ tiền nối với máy cassette. Ngoại cảnh cũng chỉ được quay quanh quẩn ở hai dãy phố để tránh di chuyển… tốn xăng dầu. Ngoại trừ nữ diễn viên chính nhận thù lao 225 USD, các diễn viên nghiệp dư của phim đều đóng mà không nhận thù lao, đã vậy họ còn phụ giúp Robert khi chưa tới cảnh quay của mình. Vì lý do đó, anh không muốn diễn viên làm việc quá vất vả. Anh thường không tập dợt theo kịch bản trước mà tự thoại với các diễn viên rồi quay.
Robert cho rằng ngay cả máu me tung tóe cũng có thể gây nhàm chán nếu không có sự hóm hỉnh và sinh động trong cách thể hiện. Vì thế khi quay các cảnh hành động, cứ vài giây là anh cắt cảnh rồi đổi góc máy, khiến người xem tưởng anh quay bằng nhiều máy cùng lúc. Để tiết kiệm phim tối đa, tất cả các cảnh đều chỉ quay có 1 đúp. Nếu hỏng chỗ nào sẽ đổi góc máy rồi quay tiếp, chứ không quay lại từ đầu! Theo thống kê El Mariachi tuy chỉ dài có 82 phút, nhưng đã gây kinh ngạc khi có tới 2.000 cảnh - gấp bốn lần số cảnh trung bình của một phim hành động lúc ấy!
Hầu hết vũ khí được dùng trong phim là súng nước. Tuy nhiên có một vài khẩu súng máy thật được mượn của cảnh sát địa phương dưới sự giám sát kỹ càng. Nhưng khổ nỗi súng máy thật khi dùng đạn giả (không chì), chỉ bắn được có một phát rồi kẹt đạn. Để tạo hiệu quả súng máy đang vãi đạn, Robert quay cảnh bắn một viên từ nhiều góc quay khác nhau, rồi bảo các diễn viên thả các vỏ đạn xuống đất y như súng máy đang...vãi đạn, khi làm hậu kỳ sẽ lồng âm thanh súng máy vào!
Mồi nổ tạo vết đạn trên người là những chiếc bao cao su chứa máu giả được gắn lên những dây đai cử tạ, rồi lồng vào người các diễn viên. Chính vì làm thủ công không đúng quy cách nên cảnh quay tên trùm Moco bị trúng đạn ở ngực rồi đau đớn ngã quỵ xuống đất là đau thật chứ không phải diễn xuất… do mồi nổ mạnh quá!
Robert luôn tùy cơ ứng biến mọi lúc mọi nơi để tiết kiệm: sử dụng nữ cai tù và giám ngục thật, để tiết kiệm được chi phí thuê diễn viên và đồng phục. Do người chết trong phim như ngả rạ - tất nhiên những ai đã bị bắn không thể xuất hiện trở lại - nên bất cứ ai ở ngoài đường cũng được mời vào làm diễn viên phụ! Rồi Robert càng lúc càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người đóng vai xã hội đen. Đến cảnh Mariachi gặp băng đảng của Moco ở kết thúc phim, “băng đảng” này chủ yếu là những thanh thiếu niên mặt mũi non choẹt!
Hình ảnh con rùa nổi tiếng bò trước mặt Mariachi cũng là sự tình cờ đi lạc vào trong lúc quay, đã được Robert giữ lại vì là một ý tưởng hay. Tương tự, có một cảnh Mariachi mua một trái dừa, nhưng Robert quên quay cảnh anh ta trả tiền. Thay vì lái xe trở lại chỗ đó để quay cảnh bổ sung, anh quyết định cho lồng lời thoại “Dừa miễn phí!”…
Còn rất nhiều những ứng biến tài tình của Robert không thể kể hết ra được, nhất là những sai sót về tính liên tục (ở Việt Nam gọi là “rắc-co”) đã không bị cắt đi để tiết kiệm. Cuối phim, Robert dùng hết 24 cuộn phim 16mm, và chỉ xài có 7.225 USD trong tổng dự toán 9.000 USD mà anh đã trù tính ban đầu!
Robert còn ước tính rằng nếu anh không phải thanh toán chi phí cho việc mua phim, in tráng và chuyển định dạng phim (telecine), thì kinh phí sản xuất sẽ chỉ ở mức… 600 USD! “Đó một khối lượng công việc khổng lồ. Nhưng tôi thà làm việc vất vả mà có một bộ phim, còn hơn là không có gì!”, Robert Rodriguez hãnh diện!
“Bộ phim cao bồi bánh thịt chiên giòn” chinh phục nước Mỹ!
Robert Rodriguez đã gọi El Mariachi là “Bộ phim cao bồi bánh thịt chiên giòn” (Món ăn khá phổ biến ở Mexico). Ban đầu anh dự định bán bộ phim trên thị trường video ở các nước Mỹ Latin, rồi dùng tiền lời để làm một bộ phim khác lớn hơn. Thế nhưng, sau khi bị nhiều nhà phân phối video của Mỹ Latin khước từ, Rodriguez bèn gửi băng demo cho công ty môi giới ICM (Mỹ) tìm cơ hội nhỏ nhoi khác.
Năm 1993, Robert gửi bộ phim đến LHP Sundance, và El Mariachi đã đoạt giải Khán giả yêu thích nhất. Đến lúc này, công ty ICM thông báo với Robert “đại gia” Columbia Pictures đồng ý phát hành bộ phim, kèm theo những hợp đồng béo bở cho những dự án tới của anh, trong đó có việc làm tiếp phần 2, Desperado (1995) - với kinh phí 7 triệu USD - gấp 7.000 lần so với El Mariachi!
Hãng Columbia đã bỏ ra gần 1 triệu USD cho công tác quảng bá, tiếp thị, phân phối, làm phụ đề tiếng Anh, chuyển bộ phim từ 16mm sang 35mm, và quan trọng nhất là làm lại âm thanh cho bộ phim. Đích thân Robert giám sát lại toàn bộ khâu hậu kỳ, từ cắt dựng, làm phụ đề, hòa âm lại chuyển sang Dolby Stereo... Mark Gill, phó chủ tịch truyền thông của hãng Columbia tuyên bố, sẽ dùng con số 7.000 USD kinh phí gốc để làm PR cho bộ phim, “Đó là thông điệp quan trọng mà tôi muốn khán giả biết!”.
El Mariachi đã thu được ở Mỹ hơn 2 triệu USD, biến Robert Rodriguez thành một trong những nhà làm phim nổi tiếng. Năm 1993, câu chuyện về quá trình sản xuất El Mariachi mang đầy màu sắc hoang đường, đã truyền cảm hứng cho Robert Rodriguez viết cuốn sách “gối đầu giường” của giới điện ảnh “nhà nghèo” trên toàn thế giới: Rebel Without a Crew: Or How a 23-Year-Old Filmmaker With $7,000 Became a Hollywood Player (Nổi loạn không cần ê-kíp: Hoặc Làm cách nào, một nhà làm phim 23 tuổi với kinh phí 7.000 USD, trở thành một tay chơi Hollywood).