EC có nữ chủ tịch đầu tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen sẽ chính thức thay thế ông Jean-Claude Juncker tiếp quản vị trí đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 1/11 tới trong nhiệm kỳ 5 năm.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, nghị sĩ thuộc nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối bảo thủ, 60 tuổi, đã trở thành phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ quan trọng nhất của EU sau khi giành chiến thắng tại cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) với kết quả 383 phiếu thuận và 327 phiếu chống, trong khi 22 nghị sỹ vắng mặt và 1 phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tối 16/7 theo giờ địa phương.
Phát biểu trước EP sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, bà von der Leyen đã cảm ơn tất cả các nghị sĩ đã quyết định bỏ phiếu cho bà hôm nay và nhấn mạnh nhiệm vụ phía trước là rất khó khăn. Thông điệp mà bà đưa ra với các nghị sĩ là tất cả hãy làm việc cùng nhau trên tinh thần xây dựng, bởi vì mục tiêu mà tất cả cùng hướng tới là một châu Âu thống nhất và mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên đề cử số lượng nam nữ cân bằng cho nội các của Ủy ban châu Âu.
Từ Berlin, Thủ tướng Angela Merkel đã ca ngợi đồng minh lâu năm của mình là một "người châu Âu dám dấn thân và rất thuyết phục", sẽ "giải quyết rốt ráo những thách thức mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là Liên minh châu Âu". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp sẽ ở bên cạnh bà von der Leyen khi viết trên trang Twitter cas nhaan: "Hôm nay, châu Âu mang khuôn mặt của bà- khuôn mặt của sự cam kết, tham vọng và tiến bộ".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk thì nhận định baf von der Leyen "là một chiến binh đam mê cho sự thống nhất của châu Âu". Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi lời chúc mừng và không quên nhắc bà von der Leyen cần phải thúc đẩy "một châu Âu xã hội, công bằng, bền vững và nữ quyền hơn".
Trước đó, bà von der Leyen chỉ có một quãng thời gian rất ngắn kể từ hôm 2/7, thời điểm được 28 nhà lãnh đạo EU đề cử để thuyết phục các nhóm đảng chính trong nghị viện châu Âu là EPP, Xã hội và Dân chủ (S&D), Tự do (Renew Europe), với hy vọng nhận được số phiếu tối thiểu 374.
Ngoài Brexit và các vấn đề khác mà EU phải đối mặt, các quốc gia thành viên cũng đang tranh cãi về những quy tắc mới liên quan tới vấn đề phân bổ người di cư sau khi chính phủ dân túy của Italy bắt đầu ngăn cản các tàu thuyền cứu hộ. Vì thế, tân Chủ tịch EC sẽ rất cần tới một đa số vững chắc và đáng tin cậy ở Strasbourg, sau khi cuộc bầu cử hồi tháng 5 đã tạo nên một nghị viện châu Âu đang phân tán hơn bao giờ hết.
Nguyễn Thị Kim Chung/TTXVN