Dương Hoàng Yến: 'Nếu không có kĩ thuật thanh nhạc thì sao có thể hát cảm xúc được?'
Cùng ngồi xuống lắng nghe Dương Hoàng Yến sẻ chia về sự nghiệp âm nhạc, những nhận định được đúc kết sau nhiều năm làm nghề.
Dương Hoàng Yến có lẽ không còn là một cái tên quá xa lạ với người yêu nhạc Việt. Nổi lên từ cuộc thi Sao Mai, Dương Hoàng Yến sau đó đã "loay hoay" khi tuổi đời còn quá trẻ. Sau đó, cô tiếp tục nổi tiếng khi dự thi Giọng Hát Việt nhưng rồi lại tiếp tục vụt mất cơ hội tỏa sáng khi bước ra từ chương trình. Chính Dương Hoàng Yến cũng đã nhiều lần tự ti, tự mặc cảm và đặt nghi vấn về khả năng của bản thân.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Dương Hoàng Yến đã chính thức Nam tiến, tên tuổi bắt đầu được chú ý nhiều hơn, phủ sóng MXH nhờ nhiều clip viral thú vị. Cô đã có một sự chuẩn bị "chuẩn chỉnh" để không vụt mất cơ hội như những lần trước. Cùng ngồi xuống lắng nghe Dương Hoàng Yến sẻ chia về sự nghiệp âm nhạc, những nhận định được đúc kết sau nhiều năm làm nghề.
Dương Hoàng Yến: 'Nếu không có kĩ thuật thanh nhạc thì sao có thể hát cảm xúc được?'
Khi tôi ngồi đây, thứ tôi nghĩ đến Dương Hoàng Yến không phải bài hát bạn vừa phát hành, mà lại là đoạn nhạc Chiếc Khăn Piêu cực kì viral trên MXH những ngày nay…
Ca khúc Chiếc Khăn Piêu tôi đã từng thể hiện rất nhiều lần cách đây 10 năm, từ những chương trình âm nhạc lớn nhỏ, trong cả chương trình Asia Song Festival 2017 tại Hàn Quốc. Khi đăng tải ca khúc này lên YouTube, tôi có thấy sự yêu thích của khán giả nhưng chỉ ở mức vừa vừa nhưng đến hiện tại mới trở nên bùng nổ, nhất là đoạn hát tiếng dân tộc.
Phần sáng tạo hát tiếng dân tộc cũng nhận được nhiều lời khen nhưng có thể là do không đúng thời điểm nên cứ hát mãi đến 10 năm sau mới trở nên viral. Hơn nữa, tôi nghĩ màn kết hợp giữa hai thế hệ cùng ca sĩ Anh Thơ cũng khiến nhiều khán giả thích thú. Tôi nghĩ mọi thứ đúng là phải đầy đủ yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa.
Sản phẩm Cân Cả Thế Giới với âm hưởng Tây Bắc có phải là 1 sự tính toán của chị và ekip khi phát hành nhanh chóng trong thời điểm Chiếc Khăn Piêu đang gây sốt?
Đến tận tháng 3 thì bài Chiếc Khăn Piêu mới viral nhưng Cân Cả Thế Giới đã quay xong MV từ tháng 9 năm ngoái. Ban đầu Cân Cả Thế Giới có 1 bản ballad, sắp tới sẽ ra mắt khán giả. Bản ballad đó khi tôi nghe demo đã hiện ra ngay hình ảnh 1 cô gái Tây Bắc. Sau khi phát hành Xe Anh Đến Đâu Em Đi Đến Đó thì ekip đã nảy ra ý tưởng sẽ tiếp nối phần tiếp theo của ca khúc này với chủ đề hậu phương.
Việc vừa có yếu tố Tây Bắc vừa do DTAP sản xuất khiến nhiều người liên tưởng đến Để Mị Nói Cho Mà Nghe của Hoàng Thùy Linh, vậy bạn và ekip có nghĩ đến trường hợp sẽ bị so sánh?
Tôi rất ngưỡng mộ tài năng của DTAP nên khi quyết định theo hình ảnh Tây Bắc thì tôi không nghĩ ra sẽ kết hợp với ai khác ngoài các bạn để tạo ra sản phẩm này. Tôi cũng biết có nhiều nghệ sĩ đã làm hình ảnh Tây Bắc nhưng tôi nghĩ đối với Cân Cả Thế Giới, từ kịch bản nội dung MV đều khác. Điểm giống duy nhất giữa 2 ca khúc là hình ảnh Tây Bắc nhưng nếu ca khúc của tôi không theo hình ảnh này thì lại không phù hợp. Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là đem đến một sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cho khán giả.
Nhiều người không thể không so sánh: Võ Hạ Trâm và Dương Hoàng Yến ra mắt chỉ cách nhau 1 ngày. Võ Hạ Trâm tưng bừng, mang về top 1 trending, ca khúc viral khắp nơi. Còn Dương Hoàng Yến cứ ngỡ được cộng hưởng, không ngờ lại khá lép vế. Võ Hạ Trâm và Dương Hoàng Yến đều là 2 giọng ca xuất phát từ phái thực lực, học hành bài bản. Có bao giờ bạn cảm thấy chạnh lòng?
Ngay từ trong buổi họp báo, nhiều người cũng hỏi tôi sẽ kỳ vọng ở ca khúc này như thế nào thì với tôi, thành công của 1 ca khúc là khi nó có đời sống chứ không phải một thứ hạng nào đó. Do đó, tôi cũng không kỳ vọng ca khúc này sẽ lọt top này top kia. Khi còn trẻ, thì tôi khá kỳ vọng vào những thành tích sản phẩm của mình đạt được nhưng bây giờ, đơn giản tôi chỉ nghĩ được mọi người đón nhận đã là thành công của ca khúc. Nhất là lướt TikTok thấy nhiều bạn sử dụng ca khúc của mình cảm thấy rất vui.
Về ca khúc của chị Võ Hạ Trâm, tôi nghĩ 2 ca khúc mang giai điệu và chủ đề khác nhau nên sự tiếp cận với khán giả cũng khác nhau. Ban đầu tôi còn suýt làm họp báo trùng ngày với chị Trâm vì ngày 12/4 rất đẹp, sau đó ekip đã lùi xuống 2 ngày. Tôi nghĩ việc ra sản phẩm đụng với nhiều nghệ sĩ là điều khó tránh vì nếu không phải chị Trâm thì cũng là người khác.
Nếu có nhiều tiền hơn thì tất nhiên MV của tôi sẽ lung linh hơn. Tôi cũng rất mong muốn sẽ làm 1 MV có số tiền thực hiện cao nhưng chắc phải đợi thêm. Sau khi ra mắt Cân Cả Thế Giới chắc tôi phải đi “cày” lại vì sản phẩm này tôi đã bỏ tiền túi làm tất cả mọi thứ mà không xin tài trợ.
May mắn ở chỗ công việc đi diễn của tôi từ trước đến nay luôn ổn định. Có lẽ vì tôi là người biết đủ, ông trời cho lộc đến đâu thì hưởng đến đó và cố gắng đúng với khả năng. Trước đây còn trẻ tôi có kỳ vọng nhiều nhưng sau này mới thấy cái gì cũng có giá của nó và mọi thứ phải đúng thời điểm.
Dương Hoàng Yến là cái tên viral rầm rộ trên MXH dạo gần đây với các clip… test loa: test ở hàng ăn ven đường, test trên máy bay. Trong khi bài hát “chính chủ” lại không may mắn như vậy. Thật sự mà nói thì, chuyện này… nên vui hay nên buồn?
Về đoạn clip test loa Tay Trái Chỉ Trăng, tôi nhớ là lúc ấy tôi đang ở nhà thì được bạn rủ ra ngồi ăn. Mọi người có nhận ra và bảo tôi hát 1 bài, tôi cũng vui vẻ nhận lời vì lúc đó đang rất cảm xúc, cũng có chút “men” nhè nhẹ. Sau đó hiệu ứng như bạn thấy đó - quá bất ngờ vì tôi từng làm MV, rồi bản hát live chuyên nghiệp cho ca khúc này rồi, nhưng hiệu ứng chưa bùng lên, phải đến bản hát loa kẹo kéo mới hot rần rần như thế!
Sau lần đó là 1 lần test loa trên máy bay, để cầm được bộ đàm của tiếp viên rất là khó nên tôi cũng thấy có nhiều điều mình khó có thể giải thích. Tôi nghĩ mọi thứ xảy ra đều có thời điểm. Trước đây tôi cũng từng hợp tác với nhiều ekip khủng nhưng hiệu ứng cũng không quá tốt, lúc đó tôi còn tự nghi ngờ về khả năng cũng như cơ duyên với nghề. Tôi biết có nhiều đồng nghiệp hát rất hay nhưng họ đều không có sự may mắn để trở nên nổi tiếng.
Sau giai đoạn dịch mất 2 năm, tuổi ngày càng lớn khiến tôi cảm thấy nản hơn nhưng năm nay, tôi cảm thấy may mắn đến với mình và mọi thứ đang suôn sẻ hơn. Khi khán giả nhìn thấy tôi hát bằng cả tính mạng trên sân khấu thì chắc mọi người sẽ hiểu. Nếu bước lên sân khấu, tôi luôn quan niệm đó là lần cuối cùng được hát, muốn lan toả năng lượng đến khán giả. Chỉ cần khán giả vui và cảm nhận được phần trình diễn của tôi là tôi đã hạnh phúc và thấy vui cả ngày. Đó là niềm vui nho nhỏ khi tôi làm nghề. Nhiều khi đi diễn ký hát 3 bài nhưng vui quá tôi sẵn sàng hát thêm mà không lấy catse.
Dương Hoàng Yến suốt nhiều năm qua dường như vẫn chưa may mắn để có một “cú bật” đủ lớn, đưa sự nghiệp sang trang? Điều gì ngăn cản bạn đột phá?
Thời điểm thi Sao Mai Điểm Hẹn là 1 người đang học cổ điển chuyển sang hát nhạc nhẹ, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm chinh chiến tại các cuộc thi nên nhiều người thường nói tôi là đóa hoa nở sớm. Lúc đó tôi mất 1 thời gian loay hoay tìm định hướng vì nghĩ thi xong chỉ chạy show chứ không ra sản phẩm. Thời điểm đó nhiều người đánh giá tôi có triển vọng nhưng tôi không biết làm cách nào để phát triển sự nghiệp nên tiếp tục đi học.
Đến thời điểm thi The Voice 2013, tôi thấy màn trình diễn tại Vòng Giấu Mặt của mình ngập tràn trên MXH. Đó cũng là cột mốc cho tôi niềm tin vẫn có duyên với nghề. Nhưng sau đó lại có khoảng thời gian loay hoay, không có ekip làm truyền thông nên sau chương trình tên tuổi dần nguội đi.
Mãi tận sau này, tôi thấy bản thân mình phải thay đổi để truyền thông sản phẩm của mình đến gần hơn với khán giả. Một phần cũng do tôi ở ngoài Bắc nên thường khá an toàn nhưng sau khi Nam tiến tôi đã có những bước đột phá, liều lĩnh hơn. Quyết định Nam tiến cũng khiến tôi đắn đo nhiều. Trong Sao Nhập Ngũ thì chỉ có tôi với Hậu Hoàng là ở ngoài Bắc thì Hậu Hoàng Nam tiến trước tôi 2 năm nên các chị em đều bảo vào trong này đi để có chị có em nên hết dịch tôi liền đưa ra quyết định.
Vì sao mãi đến tận 2023, bạn mới quyết định Nam tiến?
Ở ngoài Bắc thì công việc của tôi cũng rất ổn định từ show diễn, sự kiện nên có suy nghĩ nếu vào TP.HCM thì liệu có duy trì được như vậy vì mọi thứ ban đầu đều rất khó khăn. Nhưng sau đó tôi nghĩ nếu thời điểm này mình không vào thì sẽ không còn lúc nào nữa. Ngày đầu tiên tôi bước chân vào Sài Gòn đã có may mắn có job luôn. Đến giờ là hơn 6 tháng ở trong Sài Gòn thì mọi thứ khá tốt.
Ekip miền Nam làm việc một cách hối hả và nhộn nhịp hơn còn ngoài Bắc thì có phần thong thả hơn. Tôi cũng đang dần thích nghi. Ở ngoài Bắc thì mình có gia đình, bạn bè nhưng khi chuyển vào Nam, tôi cảm giác mình đang đi du học.
Tôi vẫn đang nhận lớp dạy thanh nhạc cá nhân, ít học sinh. Bạn học sinh đó thì cũng là đồng nghiệp nhưng hiện tại tôi chưa thể tiết lộ, thời gian tới sẽ chia sẻ với khán giả. Mỗi lần ra Hà Nội tôi cũng hẹn học sinh để tranh thủ dạy để đảm bảo bài vở cho các bạn thi. Quan điểm dạy học của tôi là muốn chia sẻ với các bạn như những người bạn để có sự gần gũi, truyền cảm hứng với học trò.
Là một giảng viên thanh nhạc, cũng vừa đi hát lâu năm. Hẳn câu chuyện hát kĩ thuật hay hát cảm xúc vẫn luôn là một bài toán khó suốt bao năm với chính bạn?
Tôi muốn truyền tải sự nhiệt huyết và đam mê với nghề. Tôi luôn muốn học trò coi mỗi màn trình diễn như lần cuối cùng được hát để thể hiện tốt nhất đến khán giả. Tôi cũng muốn học sinh nhìn thấy điều đó ở mình để truyền cảm hứng vì tôi cũng từng là người đi học nên hiểu quá trình học thanh nhạc rất khó và dễ nản chí. Trong thanh nhạc, lý thuyết và thực hành là 2 phạm trù khác nhau nên cần có thầy cô thị phạm.
Sau hơn 10 năm đi dạy tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm, thường ở trong trường sẽ có những khuôn khổ nhưng qua thực tế tiếp xúc với mọi người đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn quan điểm. Tôi nghĩ kỹ thuật thanh nhạc và cảm xúc là 2 cán cân luôn phải song hành với nhau. Nếu hát có kỹ thuật mà không có cảm xúc thì sẽ dễ bị cứng, rập khuôn. Còn nếu có cảm xúc mà không có kỹ thuật thì rất dễ bị chênh phô, không thể đảm nhận những bài hát khó. Khi mà có kỹ thuật thanh nhạc thì việc đưa cảm xúc cũng dễ dàng chạm đến người nghe. Không phải chỉ riêng âm nhạc mà nhiều vấn đề trong cuộc sống tôi thấy cũng nên có sự cân bằng. Tôi nghĩ nếu những bạn cảm thấy thiếu sót trong giọng hát thì nên trau dồi thanh nhạc, còn nếu ai kỹ thuật đã tốt thì nên gia tăng cảm xúc thông qua những trải nghiệm, chiêm nghiệm trong cuộc sống.
Nghề ca sĩ cũng như dâu trăm họ nên khó để hài lòng tất cả mọi người. Tôi cũng quá quen với những điều đó, chỉ nghĩ đơn giản nếu không có kĩ thuật thanh nhạc thì sao có thể hát cảm xúc được? Có những hôm không được khoẻ, nếu chỉ dùng cảm xúc thì tôi nghĩ phần trình diễn đó sẽ rất tệ, dễ dàng bị oét hoặc chênh phô nhưng khi có kỹ thuật thanh nhạc, mình có thể điều chỉnh để phần trình diễn đạt mức ổn. Nếu không có kỹ thuật thanh nhạc mà gặp hôm sức khỏe không tốt, tôi nghĩ mình sẽ không dám hát live.
Có vẻ hiện nay khá nhiều các bạn nghệ sĩ trẻ đang lười học thanh nhạc, hát 1 cách bản năng - quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ nếu bản năng tốt thì ổn thôi, quan trọng mình phải biết bản thân như như thế nào và thiếu sót điều gì để hoàn thiện. Tuy nhiên tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay hát bản năng cũng rất hay, màu giọng trời phú nên chỉ cần trau dồi một chút sẽ hoàn hảo. Tôi đi chấm thi thấy nhiều bạn học trò hát bản năng nhưng giọng rất khủng. Nếu các bạn học đúng thì sẽ có nhiều tiềm năng trở thành ngôi sao. Việc lạm dụng bản năng cũng dễ khiến giọng bị hư. Nếu không qua trường lớp chỉ cần hát 1-2 bài là cảm thấy giọng bị khàn tiếng còn đi học sẽ biết đặt âm thanh vị trí ở đâu, có trường hợp bị tì vào dây thanh quá nhiều cũng dẫn đến hỏng giọng.
Là 1 giáo viên, tôi có cái nhìn tổng thể. Khi bạn là 1 ca sĩ giải trí thì không nhất thiết phải có giọng hát xuất sắc. Đối với 1 sản phẩm, nếu giọng hát chưa đủ nhưng các bạn đầu tư trong âm nhạc, tư duy thẩm mỹ và làm ra 1 sản phẩm chất lượng thì tôi nghĩ điều này nên được khuyến khích. Với ca sĩ giải trí, chỉ cần hoàn thiện những thiếu sót là cũng được khán giả yêu thương. Nếu 1 giọng hát xuất sắc mà không có sự đầu tư trong sản phẩm thì cũng khó có thể đến gần khán giả. Mỗi người sẽ đem lại 1 giá trị khác nhau, tôi mong các bạn đang cảm thấy thiếu sót về giọng hát thì nên bắt buộc học thanh nhạc để phát triển sự nghiệp vững chắc. Các ca khúc hit giờ rất nhiều, đôi khi tháng này là bài này nhưng tháng sau đã là bài khác. Tôi nghĩ quan trọng nhất là các bạn đem đến giá trị gì qua sản phẩm.
Bạn có bao giờ thấy mình đang “đuối sức” trong cuộc chạy đua với lứa nghệ sĩ Gen Z đang phát triển quá nhanh và quá mạnh?
Tôi nghĩ mỗi độ tuổi sẽ có 1 dấu ấn riêng. Bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ và muốn học hỏi ở các bạn trẻ. Như ở độ tuổi của tôi sẽ có sự trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn nên cảm xúc trong giọng hát cũng khác còn với lứa Gen Z, các bạn có sức trẻ nên chạy nhanh hơn. Quan trọng là mình thấy bản thân phù hợp với điều gì, mỗi nghệ sĩ cũng sẽ có 1 tệp khán giả khác nhau. Nếu mình đi theo các bạn Gen Z tôi nghĩ cũng không phù hợp, tôi muốn là chính mình trong âm nhạc, không muốn ép vào 1 khuôn khổ nào đó.
Nếu “thiên thời địa lợi nhân hòa” sớm hơn, phải chăng lúc này Dương Hoàng Yến đã trở thành một “diva” thế hệ mới rồi?
Tôi chưa bao giờ tham vọng trở thành 1 diva, kể cả khi nhiều người gọi tôi là “tiểu diva". Tôi luôn biết đủ và muốn cuộc sống về sự cân bằng, tự do. Đương nhiên, tôi đang xông pha và bứt phá hơn nhưng điều quan trọng nhất với tôi là được cống hiến, làm ra những điều tích cực và tạo ra những giá trị cho cuộc sống. Đó là tham vọng của tôi.