Được đầu tư gần 1000 tỷ, khổ luyện với rô bốt AI, cung thủ Hàn Quốc lập kỳ tích ngoạn mục ở Olympic
Ngoài tài năng và sự khổ luyện, các cung thủ Hàn Quốc còn được hỗ trợ bởi công nghệ trong quá trình tập luyện. Đó chính là lý do giúp các cung thủ Hàn Quốc giành HCV ở Olympic 2024.
Tại Olympic 2024, thể thao Hàn Quốc giành được thành công rực rỡ với 5 HCV ở 5 nội dung môn bắn cung. Ngoài ra, họ còn giành 1 HCB và 1 HCĐ môn bắn cung. Bắn cung Hàn Quốc thậm chí mang về gần 1 nửa số HCV của Hàn Quốc (13) ở Paris 2024. Đây cũng là môn mũi nhọn của Hàn Quốc tại Olympic. Trước kỳ Olympic này, Hàn Quốc đã giành 32 HCV. Họ cũng là quốc gia giành HCV nhiều nhất Thế vận hội ở môn bắn cung.
Kể từ năm 1988 tới nay, Hàn Quốc cũng là quốc gia giành HCV nhiều nhất môn bắn cung qua các kỳ Thế vận hội. Đội bắn cung Hàn Quốc còn phá 3 kỷ lục Olympic và 1 kỷ lục thế giới ở Paris 2024.
Đứng sau thành công của bắn cung Hàn Quốc là sự hỗ trợ của tập đoàn Huyndai. Tờ Chosun (Hàn Quốc) cho biết Hyundai đã hỗ trợ môn bắn cung của Hàn Quốc trong 40 năm, kể từ năm 1985. Số tiền mà tập đoàn này hỗ trợ riêng môn bắn cung của Hàn Quốc đã vượt quá 50 tỷ won (916 tỷ đồng).
"Với số tiền này, một cơ sở luyện tập mới đã được xây dựng cho các VĐV Hàn Quốc trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Paris. Đồng thời một robot bắn cung đã được phát triển để cải thiện độ chính xác và sự tập trung của các cung thủ. Chiếc mũ chức năng làm giảm nhiệt độ cơ thể cũng được Tập đoàn ô tô Hyundai tạo ra cho các cung thủ Hàn Quốc", tờ Chosun viết.
Tờ Chosun đưa ra dẫn chứng về việc công nghệ đã giúp cung thủ Hàn Quốc giành HCV ở Paris 2024 như thế nào. VĐV Kim Woo Jin đã giành HCV khi đánh bại Ruslo Balogh của Hungary với nhịp tim 73 nhịp/phút khi bắn tên. Đây là nhịp tim thường có của một người đang ngủ. Nhịp tim của Balogh lúc đó là 168 nhịp/phút, gấp đôi Kim Woo Jin.
Các cung thủ Hàn Quốc khác cũng có nhịp tim tương tự như Kim Woo Jin trong suốt Thế vận hội. Sở dĩ các cung thủ Hàn Quốc có nhịp tim này là do họ được hỗ trợ bởi thiết bị đo nhịp tim đặc biệt khi tập luyện.
Trên thực tế, chính các VĐV của Hàn Quốc còn phải so tài với các robot AI bắn cung trong lúc tập luyện. Độ chính xác trung bình của robot bắn cung là trên 9,65 điểm. Robot bắn cung đã giành chiến thắng trong cả 2 trận đấu tập với các tuyển thủ đội tuyển quốc gia Hàn Quốc được tổ chức tại Sân bắn cung của Làng vận động viên quốc gia Jincheon (Chungcheongbuk-do).
"Lý do Hyundai tài trợ cho các tổ chức thể thao là vì 'trách nhiệm xã hội'. Mặc dù các công ty là những đơn vị tìm kiếm lợi nhuận nhưng họ có trách nhiệm tạo ra ảnh hưởng tích cực đến xã hội nhiều như việc họ tạo ra lợi nhuận. Một ví dụ điển hình là thể thao. Thể thao không chỉ là giải trí mà là một nền văn hóa gắn liền với xã hội và nền kinh tế. Khi các công ty có vốn lớn tài trợ cho các hiệp hội thể thao, họ cung cấp quần áo, bữa ăn, nhà ở và thậm chí cả cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện. Tập đoàn ô tô Hyundai đã hỗ trợ vững chắc cho các cung thủ Hàn Quốc bằng cách cung cấp cho họ những vật dụng và thiết bị cần thiết. Nhờ đó, các VĐV bắn cung Hàn Quốc đã giành được 7 huy chương tại Thế vận hội", tờ Chosun nhấn mạnh.
Theo phân tích của Chosun, việc tài trợ cho các sự kiện thể thao như Thế vận hội, World Cup là cơ hội để quảng bá thương hiệu của các công ty, tập đoàn với CĐV. Khi các vận động viên mà họ tài trợ giành chiến thắng, sự công nhận của công ty sẽ tăng lên, đồng thời, hình ảnh của công ty để lại dấu ấn tích cực trong lòng công chúng. Điều này có thể dẫn đến tăng doanh số bán hàng cho công ty.
Ngoài ra, nếu các VĐV thể hiện tốt, niềm tin của công chúng đối với công ty có thể tăng lên. Điều này chứng tỏ công ty đã chân thành hỗ trợ các vận động viên để họ có thể tập trung vào việc tập luyện.